Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc đặt, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học cần có chiến thuật với 3 nhóm cụ thể.

Sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh còn 10 ngày để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, đến 17h ngày 30/7.

Thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Mở Hà Nội khuyên thí sinh tìm hiểu kỹ các ngành học, xác định rõ bản thân yêu thích hay phù hợp với ngành nào. Đây là điều quan trọng bởi đỗ vào ngành yêu thích, phù hợp thì mới mong học tốt và ra trường tìm được việc như mong muốn.

Vì thế, TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng, nhấn mạnh thí sinh đặt ngành và trường yêu thích lên vị trí nguyện vọng cao nhất, ngay cả khi điểm xét tuyển của mình thấp hơn so với mức điểm chuẩn năm trước ở ngành đó.

"Đặt ngành yêu thích ở nguyện vọng đầu, nếu không đỗ vẫn được xét các nguyện vọng sau. Nhưng nếu không đăng ký, thí sinh sẽ không bao giờ trúng tuyển", ông Hà nói.

Xét tuyển đại học: Chiến thuật đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng - Ảnh 1

Sau đó, hai chuyên gia lưu ý thí sinh xem xét điểm chuẩn trong 2-3 năm gần nhất, học phí, cơ hội việc làm sau khi ra trường, chất lượng đào tạo của trường. Thí sinh nên chọn khoảng 6-10 nguyện vọng, chia thành ba nhóm.

Nhóm một gồm những ngành, trường có điểm trung bình các năm gần đây cao hơn điểm thi của thí sinh 1-3 điểm. Nhóm hai gồm các ngành có điểm chuẩn tương đương điểm đạt được hoặc hơn kém nhau 1 điểm. Nhóm 3 là các ngành có điểm trúng tuyển trung bình những năm gần đây thấp hơn điểm thi 1-3 điểm.

Với mỗi nhóm, thí sinh nên đặt ít nhất một nguyện vọng. Các em sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên giảm dần về sự yêu thích và phù hợp với bản thân.

Ông Ngọc Anh cũng lưu ý một điểm khác biệt cơ bản trong kỳ tuyển sinh năm nay so với năm trước là khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh chỉ cần chọn chính xác tên ngành của trường mà không cần chọn tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh cần tìm hiểu kỹ bởi một số trường có các ngành có chỉ tiêu riêng cho từng tổ hợp nên phải chọn đúng ngành theo tổ hợp xét tuyển đi cùng.

Ví dụ, khi xét tuyển vào trường Đại học Mở Hà Nội, ngành Luật, Luật Kinh tế và Luật Quốc tế có chỉ tiêu riêng cho tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), thí sinh cần chọn đúng tên ngành Luật (THXT C00), Luật Quốc tế (THXT C00), Luật Kinh tế (THXT C00).

Thí sinh đã trúng tuyển sớm cũng cần có chiến lược đặt nguyện vọng. Thạc sĩ Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, đưa ra hai trường hợp mà thí sinh hay gặp phải là đã trúng tuyển ngành, trường mình yêu thích bằng các phương thức xét tuyển sớm hoặc chưa.

Dù thích những ngành đã trúng tuyển sớm hay không, thí sinh phải đăng ký nguyện vọng đó lên hệ thống xét tuyển, nếu không sẽ bị hủy kết quả trúng tuyển sớm.

Cụ thể, nếu đã trúng tuyển vào ngành yêu thích bằng phương thức xét tuyển sớm và xác định sẽ nhập học, thí sinh nên đặt ngành đó là nguyện vọng 1, không cần đăng ký thêm. TS Trần Mạnh Hà cho rằng trường hợp này không nên đặt một ngành có điểm chuẩn những năm trước rất cao lên đầu chỉ để "thử xem có trúng tuyển không".

"Nếu làm như vậy, khi trúng tuyển thật, thí sinh không thể nhập học vào ngành mong muốn nhất, có thể dẫn đến những hối tiếc về sau", ông Hà nói.

Nếu đã trúng tuyển sớm nhưng đó không phải là ngành thí sinh muốn theo học, ông Quán khuyên thí sinh đặt các nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp lên đầu và phân ra 3 nhóm như trên. Nguyện vọng cuối cùng, các em nên điền những ngành đã trúng tuyển sớm nhưng không yêu thích, xem đây là phương án dự phòng nếu chẳng may trượt hết các nguyện vọng khác.

Cuối cùng, thí sinh kiểm tra lại và nộp lệ phí xét tuyển đúng quy định để hệ thống chấp nhận việc đăng ký, điều chỉnh.

Lịch nộp lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến của 63 tỉnh, thành

Từ 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí đăng ký xét tuyển đại học theo hình thức trực tuyến, chia thành 6 đợt, tùy từng tỉnh, thành.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh phải hoàn thành đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống chung trước 17h ngày 30/7. Từ 31/7 đến 17h ngày 6/8, các em nộp lệ phí đăng ký xét tuyển.

Tương tự năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị hạ tầng kết nối và thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển vào đại học thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Để đảm bảo việc nộp lệ phí diễn ra an toàn, tránh quá tải, Bộ mở hệ thống thanh toán theo 6 đợt và chia nhóm tỉnh/thành (dựa trên phiếu đăng ký của thí sinh) như sau:

Lịch nộp lệ phí xét tuyển đại học Tỉnh, thành
Từ 31/7 đến
17h ngày 1/8
Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái
Từ 1/8 đến 17h ngày 2/8 Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.
Từ 2/8 đến
17h ngày 3/8
Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An
Từ 3/8 đến 17h ngày 4/8 Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum.
Từ 4/8 đến 17h ngày 5/8 TP HCM, Gia Lai, Đăk, Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh.
Từ 5/8 đến 17h ngày 6/8 Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Năm nay là lần thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thanh toán lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến. Bộ đề nghị các địa phương hỗ trợ học sinh về việc này, nhất là các em có điều kiện khó khăn.

Gần 100 đại học công bố điểm sàn xét tuyển

Đa số đại học lấy điểm sàn quanh mức 20, một số trường 15-16, riêng Đại học Luật TP HCM lấy 24 điểm với ngành Luật khối C - mức cao nhất hiện tại.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, hàng loạt trường đại học thông báo điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển, còn gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Đến ngày 25/7, trường Đại học Luật TP HCM đang lấy điểm sàn cao nhất với mức 24 điểm cho ngành Luật, tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Tiếp đó là Đại học Ngoại thương với 23,5, áp dụng tại tất cả cơ sở, ngành và tổ hợp. Ngành Y khoa Đại học Y Dược Cần Thơ và Học viện Kỹ thuật Quân sự với diện thí sinh nữ cũng lấy 23,5. Như vậy, nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh phải đạt gần 8 điểm một môn mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển.

Nhiều trường khác chỉ lấy một mức điểm sàn 20, ví dụ trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Kỹ thuật Mật mã, trường Quốc tế, Đại học Luật, khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Một số trường đại học, học viện có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 15, 16 điểm là Giao thông vận tải, Công thương TP HCM, Hàng không Việt Nam, Công đoàn, Hoa Sen, Gia Định... Riêng trường Đại học Duy Tân có điểm sàn 14, tức trung bình 4,7 điểm một môn.

TT Trường Điểm sàn
1 Đại học Bách khoa Hà Nội 20
2 Đại học Thương mại 20
3 Đại học Ngoại thương 23,5
4 Đại học Giao thông vận tải 16-22
5 Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội 18-23
6 Đại học Công nghiệp Hà Nội 17-23
7 Đại học Công nghiệp TP HCM 17-19
8 Đại học Công thương TP HCM 16-20
9 Học viện Hàng không Việt Nam 16-20
10 Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM 16-19
11 Đại học Công nghệ TP HCM 16-19
12 Học viện Nông nghiệp Việt Nam 16-20
13 Đại học Công đoàn 15-18
14 Đại học Hoa Sen 15
15 Đại học Quốc tế Hồng Bàng 15-22,5
16 Đại học Gia Định 15-18
17 Đại học Duy Tân 14
18 Đại học Nguyễn Tất Thành 15
19 Đại học Khánh Hoà 15-16
20 Đại học Nông Lâm TP HCM 15-21
21 Đại học Công nghiệp Quảng Ninh 15
22 Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội 20,5-22
23 Đại học Tài chính - Marketing 19
24 Đại học Giao thông vận tải TP HCM 17-22
25 Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội 23,5
26 Đại học Hà Nội 16
27 Đại học Công nghệ Giao thông vận tải 16-21
28 Đại học Kiến trúc Hà Nội 17-22

29

Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

20-21/30

28-30/40

30 Học viện Ngân hàng

20/30; 26/40

31 Học viện Ngoại giao 21-23
32 Đại học Mở TP HCM 16-22
33 Đại học Thủy lợi 18-22
34 Đại học Sư phạm Hà Nội 18-21,5
35 Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM 15-19
36 Đại học Cần Thơ 15-18
37 Đại học Kinh tế quốc dân 20
38 Học viện Kỹ thuật Mật mã 20
39 Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội 20
40 Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội 20
41 Trường quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội 20
42 Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội 20
43 Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội 20-22
44 Đại học Mỏ - Địa chất 15-22
45 Đại học Ngân hàng TP HCM 18
46 Đại học Mở Hà Nội 17,5-21
47 Đại học Bách khoa Đà Nẵng 15-18
48 Đại học Tôn Đức Thắng 21-30/40
49 Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng 18
50 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng 15-19
51 Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng 15-17
52 Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng 15-17
53 Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng 15
54 Viện nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng 17-18
55 Đại học Quy Nhơn 15-20
56 Đại học Phenikaa 17-20
57 Đại học Xây dựng Hà Nội 17-22
58 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM 18-20
59 Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP HCM 22
60 Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM 20
61 Đại học Sư phạm TP HCM 19-23
62 Đại học Y Dược Cần Thơ 19-22,5
63 Học viện Tòa án 19
64 Đại học Thủ đô Hà Nội 15-19
65 Đại học Tây Nguyên 15-23
66 Đại học Việt Đức 18-21
67 Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên 15-19
68 Đại học Đại Nam 15 (Y khoa, Dược học 19-22,5)
69 Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội 15-16
70 Đại học Y tế công cộng 15-19,5
71 Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông 22 (phía Bắc), 18 (phía Nam)
72 Đại học Đồng Tháp 15-20
73 Đại học Vinh 16-22
74 Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng 19-22,5
75 Đại học Quốc tế Sài Gòn 17
76 Học viện Hành chính Quốc gia 16,5-21,5
77 Đại học CMC 18-20
78 Học viện Phụ nữ Việt Nam 15-20
79 Đại học Y Dược TP HCM 19-23,5
80 Đại học Luật TP HCM 20-24
81 Đại học Kinh tế TP HCM 20
82 Đại học Y Dược TP HCM 19-23,5
83 Học viện Hậu cần 17-19
84 Học viện Kỹ thuật Quân sự 19-23,5
85 Học viện Khoa học Quân sự 18-23
86 Học viện Hải quân 16
87 Học viện Biên phòng 17
88 Trường Sĩ quan lục quân 1 18
89 Trường Sĩ quan lục quân 2 18
90 Trường Sĩ quan chính trị 18-20
91 Trường Sĩ quan pháo binh 15-16
92 Trường Sĩ quan công binh 16
93 Trường Sĩ quan thông tin 15,5
94 Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp 15-16
95 Trường Sĩ quan không quân 15,5-17
96 Học viện Phòng không không quân 18-18,5
97 Đại học Điện lực 16-20

Các trường đại học được tự quyết định mức điểm sàn xét tuyển, trừ các ngành thuộc khối Sư phạm và Sức khỏe do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Năm nay, khối ngành Y, Dược có điểm sàn từ 19 đến 22,5; còn Sư phạm 18-19.

Thí sinh lưu ý chỉ đăng ký nguyện vọng vào các ngành và trường trên khi có điểm xét tuyển theo tổ hợp bằng hoặc cao hơn điểm sàn do trường công bố. Các em được đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến 17h ngày 30/7, không giới hạn số lần. Từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến.

Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường bắt đầu quy trình xét tuyển và xử lý nguyện vọng đại học từ ngày 12 đến 20/8, qua đó xác định nguyện vọng cao nhất thí sinh trúng tuyển.

Điểm chuẩn sẽ được công bố trước 17h ngày 22/8.

Theo VnExpress