Nói về hiện tượng nhiều trường đại học (ĐH) năm nay phải xét tuyển bổ sung số lượng lớn, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), lý giải trong những năm gần đây số lượng thí sinh đăng ký thi/xét tuyển vào ĐH tương đối ổn định, trong khi chỉ tiêu của các trường ngày càng tăng làm nguồn tuyển giảm đi.

Hết nguồn thí sinh, vẫn lo ảo

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết tính đến ngày 24-8, trường đã nhận hơn 800 hồ sơ so với 2.000 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung các ngành đào tạo. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định số thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sẽ nhập học tại trường, vì thí sinh vẫn còn hai trường khác với bốn nguyện vọng để lựa chọn. Điều này cho thấy tỉ lệ ảo ở đợt này sẽ rất cao khiến công tác tuyển sinh của trường thêm khó khăn.

Theo ông Hồng, chính vì quy định trường không được công bố số điểm thí sinh xét tuyển vào các ngành nên thí sinh khá thận trọng xác nhận nhập học. Ngoài ra, một số ngành/trường còn chỉ tiêu nhưng thí sinh lại không thích nên nguy cơ thiếu chỉ tiêu là rất cao.


Xét tuyển bổ sung: Các trường vét thí sinhThí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: P.ĐIỀN

Kết thúc xét tuyển đợt 1, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM khá yên tâm do số lượng thí sinh làm thủ tục nhập học đạt hơn 90%. Tuy nhiên, đến giờ chót số thí sinh nhập học thấp hơn chỉ tiêu, theo đó trường này đã đăng thông báo xét tuyển bổ sung 350 chỉ tiêu cho các ngành. Trong đó, khối ngành kinh tế, kinh doanh và quản lý tuyển 300 chỉ tiêu (môn toán hệ số 2) và ngành ngôn ngữ Anh tuyển 50 chỉ tiêu.

Ông Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo ĐH Ngân hàng TP.HCM, lý giải: “Sở dĩ thí sinh nhập học thấp là do các thí sinh có điểm cao trúng tuyển vào các trường công an, quân đội nấn ná đến giờ chót, khi biết trúng tuyển rồi các em nhảy ngay. Điều này khiến trường không kịp trở tay”.

Ngược lại, ThS Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trong hai ngày đầu trường đã nhận hơn 200 hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung so với 400 chỉ tiêu hệ ĐH chính quy còn thiếu. Trường áp dụng cả hai hình thức xét tuyển học bạ và điểm thi THPT quốc gia.

Ông Sơn bày tỏ sự ngạc nhiên vì số thí sinh nộp khá nhiều trong đợt xét bổ sung. Điểm thí sinh nộp dao động 17-18 điểm, bằng điểm trúng tuyển nhiều ngành xét tuyển đợt 1. Ông Sơn cho rằng dù số thí sinh xác nhận vào trường khá cao, tuy nhiên vẫn chưa thể yên tâm vì chỉ khi thí sinh nhập học và đóng học phí mới đảm bảo.

Thí sinh chọn vào trường nghề?

TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, xác nhận trường nhận khoảng 1.000 hồ sơ so với 1.600 chỉ tiêu xét bổ sung các ngành còn thiếu. Ông Anh nhận xét đợt xét bổ sung tình trạng ảo sẽ cao hơn do thí sinh được đăng ký vào ba trường với sáu ngành.

Về tình trạng khan nguồn tuyển, ông Anh cho rằng số thí sinh có điểm từ 22 trở lên đã trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường tốp trên nên việc xét tuyển bổ sung nhóm trường này sẽ khó khăn. Riêng những trường ĐH ngoài công lập, CĐ chưa có thương hiệu sẽ rất chật vật. “Cần lưu ý số thí sinh đăng ký thi THPT năm nay giảm hơn 13%, ngược lại chỉ tiêu tuyển sinh tăng khoảng 20%, là một trong các nguyên nhân khan thí sinh” - TS Anh lưu ý.

PGS-TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội, cho hay trường này còn vẫn thiếu 350 chỉ tiêu. Những ngày xét tuyển bổ sung vừa qua mỗi ngày chỉ có vài thí sinh tới xác nhận nhập học. Theo ông Anh, có thể thí sinh có nhiều lựa chọn nên vẫn còn nghe ngóng, do vậy rất khó phán đoán. Một lý do khác, năm nay nhiều trường ĐH thiếu chỉ tiêu là do các em lựa chọn học ở các trường nghề.

Trường đầu tiên phía Bắc tuyển đủ chỉ tiêu

Ngày 25-8, PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), cho biết hiện tại nhà trường đã đủ số thí sinh đăng ký nhập học, trường tuyên bố không tuyển thêm.

Theo ông Triệu, phương thức xét tuyển 2016 dẫn đến tình trạng thí sinh ảo, điều này đều được các trường biết trước. Phía Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo các trường nên tuyển sinh theo nhóm để giảm tỉ lệ thí sinh ảo. Chính vì thế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng đã tham gia vào nhóm tuyển sinh chung (nhóm GX) do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, nhờ vậy số lượng thí sinh ảo giảm được một phần. “Nhờ phân tích sâu, đồng thời đánh giá xu hướng của mùa tuyển sinh năm nay nên trường đã lọc được một số lượng ảo khá chính xác. Cũng có thể là do may mắn nên trường đã tuyển đủ chỉ tiêu và quyết định không tuyển bổ sung thêm” - ông Triệu thông tin. Được biết chỉ tiêu của Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội năm nay là 4.800.

______________________________________

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh có điểm trên điểm sàn năm nay là 404.000 em, năm nay cũng được đánh giá là năm có tỉ lệ thí sinh trên mức điểm sàn nộp đăng ký xét tuyển cao nhất so với mọi năm. Trong khi đó chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016 là 317.000. Bộ khẳng định số lượng thí sinh đăng ký vượt chỉ tiêu của các trường, nguồn tuyển dư dôi gần 30%, các trường không lo thiếu thí sinh. Tuy nhiên, tới thời điểm này, các trường ở tốp trên vẫn thiếu chỉ tiêu và phải tuyển bổ sung.

 


Theo PLO, nguồn: http://plo.vn/giao-duc/xet-tuyen-bo-sung-cac-truong-vet-thi-sinh-648791.html