Dù vậy, đến thời điểm này, khi chỉ còn một học kỳ nữa là kết thúc năm học song quy chế chính thức về kỳ thi quốc gia vẫn chưa được "chốt", để lại mối lo đối với nhiều người.
Tranh cãi việc tổ chức cụm thi
Dự thảo mới nhất về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã được Bộ GD-ĐT công bố ngày 18-12, trong đó có quy định chỉ tổ chức một loại cụm thi đặt tại các tỉnh, thành phố thay vì phân thành hai loại cụm thi (một đặt tại địa phương, dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp; một do trường ĐH tổ chức, dành cho thí sinh có nguyện vọng học ĐH, CĐ) như đã công bố cách đây vài tháng.
Mỗi cụm thi có nhiệm vụ đảm đương việc tổ chức thi cho ít nhất thí sinh (TS) của 2 tỉnh; các cụm thi này đều do các trường ĐH chủ trì, thành phần tham gia coi thi gồm giảng viên ĐH và giáo viên THPT. Sự điều chỉnh này được hầu hết nhà trường, giáo viên và HS đồng tình ủng hộ, cho rằng đó là điều cần thiết trong bối cảnh năm đầu tiên thực hiện kỳ thi với khá nhiều điểm mới.
Việc chưa có quy chế chính thức về kỳ thi THPT quốc gia đã để lại mối lo đối với nhiều người. Ảnh: Nhật Nam |
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn chủ trương xem xét cho các tỉnh có điều kiện khó khăn được tổ chức cụm thi riêng dành cho các TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Về điểm này, đã nảy sinh ý kiến trái chiều từ dư luận. Ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, phương án cho thí sinh thi tại địa phương là cần thiết đối với những tỉnh còn khó khăn, song không nên quy định đây chỉ là cụm thi dành cho TS chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp. Tại Hà Nội, tuy không phải là địa phương thuộc diện được tổ chức cụm thi riêng nhưng cũng có nhiều trường nằm ở địa bàn xa như Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức… và tỷ lệ HS đăng ký dự thi ĐH hằng năm chưa tới mức tối đa. Khi được hỏi về chủ trương có cụm thi riêng cho TS chỉ dự thi để xét công nhận tốt nghiệp hầu hết các hiệu trưởng đều cho rằng nên mở ra nhiều cơ hội học tập cho tất cả, không nên hạn chế quyền lợi của HS.
Tuy nhiên, qua khảo sát, nhiều ý kiến cho rằng hằng năm có khoảng 20-30% HS THPT không có nhu cầu thi vào đại học, việc phải tham gia một kỳ thi không cần thiết sẽ gây tốn kém và sự căng thẳng. Thực tế cho thấy các cụm thi thông thường được đặt tại địa bàn thuận lợi, nơi trung tâm và HS thành phố thường không bận tâm đến việc cụm thi đặt ở đâu, vì được bố, mẹ đưa đón, điều kiện, phương tiện đi lại khá thuận tiện.
Vẫn "hóng" cấu trúc đề thi
Hiện nay, hầu hết trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức khảo sát nguyện vọng của HS. Việc dạy học, ôn tập được tổ chức theo nhóm nguyện vọng của HS về môn thi, khối thi, song vẫn chưa ổn định bởi chưa có "định dạng" đề thi. Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: trong khi chưa có cấu trúc đề thi THPT quốc gia, sở chỉ đạo các nhà trường bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông để dạy học, quan tâm rèn cho HS cách vận dụng kiến thức vào thực tế. Với định hướng này, Sở GD-ĐT tin rằng, dù cấu trúc đề thi ra theo hình thức nào thì HS cũng có thể đáp ứng tốt.
Hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn tiếp nhận ý kiến góp ý cho dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để có thể ban hành trước Tết Nguyên đán năm 2015. Như vậy, qua gần ba tháng chờ đợi - kể từ khi quyết định tổ chức kỳ thi "hai trong một" vào năm 2015 được công bố, giáo viên và HS vẫn "nhấp nhổm", vừa dạy - học vừa "hóng" cấu trúc đề thi.