GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | BAO GIAO DUC | KHOA GIÁO | GIÁO DỤC QUỐC TẾ
Ngày "Phát thanh - Cửa ngõ tới tri thức"
Ngày 13/2/2012, được chọn là Ngày Phát thanh Thế Giới. Năm nay chủ đề của ngày này là “Phát thanh – Cửa ngõ tới tri thức”. Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam.
PV: Thưa bà, năm nay chủ đề của ngày này là “Phát thanh – Cửa ngõ tới tri thức”. Vậy bà có lời khuyên nào với các đài phát thanh của Việt Nam trong việc góp phần tăng cường khả năng tiếp cận tri thức của người dân thông qua giáo dục và học tập suốt đời?
|
Bà Katherine Muller-Marin- Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam trả lời phỏng vấn |
Bà Katherine Muller-Marin: Việt Nam đang hướng tới phát triển xã hội học tập. Một khuôn khổ chương trình liên quan vừa được thông qua, và có một Ban Chỉ đạo Quốc gia gồm nhiều bộ ngành liên quan đang làm việc cùng nhau. Mục tiêu của xã hội học tập là mọi người đều được tiếp cận các cơ hội học tập, mọi nơi mọi lúc. Có rất nhiều quốc gia đi trước chúng ta như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu những nước này để thấy được những lĩnh vực đã phát triển của họ có ích cho Việt Nam, để có thể thích ứng, điều chỉnh, và thậm chí thực hiện theo quan điểm riêng của Việt Nam.
Theo tôi một trong những vai trò quan trọng của quá trình này chính là các phương tiện truyền thông – cơ chế truyền đạt thông tin. Khi nghĩ đến giáo dục, chúng ta thường liên tưởng tới trường học, và tất nhiên rất nhiều các kiến thức cơ bản và giáo dục được thực hiện tại các trường học, nhưng bên cạnh đó nhiều hình thức giáo dục được thực hiện tại nhà. Và các bậc cha mẹ cũng cần học tập nhiều hơn để có thể giáo dục con em mình tốt hơn.
Hiện tại việc giáo dục bắt đầu sớm hơn trước, vì thế trẻ em có thời thơ ấu sớm hơn, và các bậc cha mẹ cần có ý thức về những phát triển ban đầu. Chúng ta đang nói tới học tập cả đời. Vì vậy, những người lớn tuổi cũng cần phải học những điều mới, như những tiến bộ mới hay các vấn đề về sức khỏe mà chúng ta muốn họ biết. Vì vậy, cách tốt nhất để giáo dục họ là thông qua cơ chế truyền đạt thông tin. Chúng tôi đang phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng và hỗ trợ giáo dục thông qua các bảo tàng, chùa và các khu vực khác. Tuy nhiên, phương tiện truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tất cả mọi người có thể tiếp cận nguồn thông tin này và hình thức giáo dục này.
PV: Quan điểm của UNESCO về vai trò của phát thanh trong phát triển giáo dục như thế nào, thưa bà?
Bà Katherine Muller-Marin: Đối với UNESCO, đây là ý nghĩa của việc kỷ niệm Ngày Phát thanh Thế giới, để nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng của phát thanh. Đài phát thanh đã được sử dụng qua nhiều thế hệ để tiếp cận thông tin. Ngày nay phát thanh vẫn vô cùng quan trọng. Tại nhiều khu vực, đây là hình thức tiếp cận thông tin duy nhất mà người dân có. Phát thanh là hình thức duy nhất có khả năng thực hiện các chương trình cho những nhóm đặc biệt, ví dụ nếu các bạn muốn chạy chương trình cho một nhóm dân tộc thiểu số bằng tiếng địa phương. Các bạn có thể có phát thanh địa phương, phát thanh khu vực hay phát thanh quốc gia.
Và một trong những điều chúng tôi đang cố gắng làm, là cho mọi người thấy cần ủng hộ các chương trình phát thanh. Phát thanh chính là công cụ tuyệt vời để mang giáo dục và thông tin đến với người dân. UNESCO cũng nhìn nhận phát thanh như một phương tiện quan trọng để người dân tự lên tiếng. Các đối tượng như phụ nữ, thanh niên hay trẻ em, có thể thông qua các chương trình trên đài để tranh luận, đàm thoại, hay chia sẻ thông tin một cách nhẹ nhàng và vui vẻ.
Đặc biệt đối với tầng lớp thanh niên, hiện có rất nhiều chương trình phát thanh cho thanh niên. Vì vậy, Ngày Phát thanh Thế giới nhằm nhắc nhở chúng ta rằng phát thanh cần chúng ta, và chúng ta cũng cần phát thanh, và phát thanh là công cụ quan trọng. Đó là những gì chúng tôi đang tuyên truyền, rằng đây là công cụ thích hợp cho một xã hội học tập.
Khuyến khích đọc sách
PV: Việt Nam đang xây dựng xã hội học tập, vậy UNESCO đã làm gì để hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực này, và UNESCO có tham gia vào quá trình này không, và bằng cách nào?
Bà Katherine Muller-Marin: Chúng tôi đã làm việc trong nhiều năm để hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Ban Chỉ huy Quốc gia trong việc xây dựng xã hội học tập. Quá trình này bắt đầu bằng việc phát triển một khuôn khổ chương trình. Đây là quá trình tạo cơ hội cho các cá nhân tham gia.
Về cơ bản, chúng tôi hỗ trợ bằng cách đem kinh nghiệm từ các nước khác và cung cấp kỹ thuật chuyên môn. UNESCO có một viện chuyên trong lĩnh vực này. Đó là Viện Học tập suốt đời của UNESCO. Viện này đang hỗ trợ và tổ chức các cuộc hội thảo để thảo luận về các khuôn khổ chính sách cũng như các biện pháp thực hiện khác nhau.
Vừa qua chúng tôi đã tổ chức một hội thảo ở khu vực châu Á, với Việt Nam là nước đi đầu khu vực. Đây là quá trình chúng ta có thể thảo luận và chia sẻ cách thức xã hội học tập được phát triển ở các nước khác đồng thời thiết lập mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi gọi đó là Hợp tác giữa Các nước châu Á.
Một vấn đề quan trọng nữa là sự kiện AsiaMEO – cuộc họp của bộ giáo dục các nước châu Á được tổ chức vào tháng 3 tới. Một trong những chủ đề thảo luận chính là xây dựng xã hội học tập, Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ đạo tại đây. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ việc chuẩn bị những tóm tắt về chính sách, sẽ đưa ra trong các buổi thảo luận. Bên cạnh đó, chúng tôi đang phát triển một quá trình mà chúng tôi gọi là “thực hiện tầm nhìn”, trong đó có nhiều tổ chức tham gia quyết định hình thức xã hội học tập phù hợp với Việt Nam, cũng như mô hình công dân học tập chúng tôi muốn xây dựng ở Việt Nam. Trong quá trình đó, nhiều cơ quan khác nhau của Liên Hợp Quốc cũng hỗ trợ trong việc xác định các vấn đề cần xem xét trong xã hội học tập đó, như vấn đề thất nghiệp hay y tế. Chúng tôi muốn phát triển một xã hội có nhiều phương pháp tiếp cận. Chúng tôi muốn có một xã hội có “sức bật”, tức là biết cách đối phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, đồng thời tích cực bảo tồn đa dạng sinh học. Chúng tôi đã đưa ra những hướng dẫn về tầm nhìn ở cấp quốc gia, tuy nhiên chúng tôi cũng muốn thấy các tầm nhìn này thích ứng ra sao với điều kiện khác nhau của từng khu vực ở Việt Nam.
Sau đó chúng tôi sẽ đi xuống cấp huyện. Trong quá trình này, chúng tôi sẽ tìm kiếm một kế hoạch hành động để đi tới tầm nhìn như mong muốn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang phối hợp chặt chẽ cùng chúng tôi. Chúng tôi đã cùng nhau làm việc để thiết lập “Tuần lễ Học tập suốt đời”, được tổ chức mỗi năm một lần. Tất cả mọi người phải có trách nhiệm với giáo dục. Mọi người luôn nghĩ chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chịu trách nhiệm về giáo dục. Đào tạo cũng được thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp hay giáo dục. Chúng tôi cần tất cả mọi người chung sức trong quá trình hỗ trợ giáo dục một cách có hệ thống, để có thể đưa vào các lĩnh vực khác. Và chúng tôi đã thực hiện rất nhiều hoạt động giúp trẻ em có cơ hội tiếp cận tích cực hơn.
Chúng tôi cũng khuyến thích đọc sách. Nếu Việt Nam đang thực sự hướng tới một thế giới cạnh tranh, nếu người dân muốn có sức cạnh tranh thì họ cần có trách nhiệm với việc tự học. Bên cạnh đó phát triển thông tin bằng tiếng Việt cho những người không biết ngoại ngữ cũng rất quan trọng. Đây là nơi phát thanh đóng một vai trò thích đáng.
Tôi rất tự hào nhận thấy nhóm người Việt Nam làm việc với chúng tôi rất tâm huyết, trí tuệ, và nhiều người trong số đó đã học tập ở nước ngoài. Vì thế tôi cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành hình mẫu cho khu vực.
PV: Nhân dịp Tết đến Xuân về, bà có lời chúc nào gửi tới người dân Việt Nam?
Bà Katherine Muller-Marin: Đây là năm thứ 4 tôi ở Việt Nam, và tôi rất thích Tết Việt Nam. Tôi thích ngắm mọi người mua những cây đầy màu sắc, cũng như thích các tập quán của Việt Nam. Có lẽ lời chúc của tôi là mong muốn mọi người thực sự hạnh phúc trong năm mới. Tôi nhận ra rằng người Việt Nam nghĩ tới hạnh phúc nhiều hơn người dân ở những nước khác. Bạn cần phải hạnh phúc để tận hưởng công việc, gia đình. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải cố gắng sống hạnh phúc và hòa hảo với những người xung quanh. Vì vậy tôi chúc mọi người hạnh phúc, sức khỏe và nhiều thành công trong năm mới.
PV: Cảm ơn bà, chúc bà một năm mới hạnh phúc.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. |
Kenhtuyensinh