Nhận giấy báo nhập học nhưng không trúng tuyển

Theo giấy báo nhập học do ĐH Huế gửi thì thí sinh Nguyễn Vũ Trâm (sinh năm 1997), trú tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) trúng tuyển vào Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế). Tuy nhiên, khi làm thủ tục, Trâm tá hỏa vì trường thông báo em không trúng tuyển vào ngành Răng - Hàm - Mặt. Theo đó, bố Trâm là ông Nguyễn Đại Tất thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức hưởng 460 nghìn đồng/tháng. Khi làm hồ sơ, Trâm ghi thuộc đối tượng ưu tiên 06. Vì vậy, kết quả điểm môn thi cùng với đối tượng ưu tiên 06, Trâm thuộc diện trúng tuyển và nhận được giấy báo nhập học. Tuy nhiên, cán bộ làm thủ tục nhập học Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế) cho biết: Theo quy chế tuyển sinh, đối tượng ưu tiên 06 có mục “con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”. Trâm có bố thuộc diện hưởng chế độ bảo trợ xã hội do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, vì thế không thuộc đối tượng 06.

Một trường hợp khác là thí sinh Võ Thái Toàn đăng ký xét tuyển khối B vào Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế) đạt 25,5 điểm. Khi làm hồ sơ, Toàn ghi mình thuộc KV1 vì có hộ khẩu thường trú tại huyện miền núi Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) cho nên nhận được giấy báo trúng tuyển vào ngành Y đa khoa. Tuy nhiên, khi đến làm thủ tục, Toàn cũng được thông báo không trúng tuyển. Theo cán bộ tiếp nhận của trường, Toàn có hộ khẩu thường trú ở KV1 nhưng lại học trung học phổ thông tại KV2 cho nên theo quy chế chỉ được hưởng ưu tiên KV2. Ông Võ Thái Bình, bố của Toàn bức xúc: “Việc con tôi khai sai thì khi nộp hồ sơ phải thông báo để chúng tôi sửa chữa, tìm cơ hội học những ngành khác. Bây giờ nói con tôi khai sai phải tự chịu trách nhiệm là không công bằng…”.

Có khá nhiều thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển nhưng khi nhập học lại thành trượt. Tính đến cuối ngày 11-9, ĐH Huế đã tiếp nhận 34 trường hợp nhập học nhưng không trúng tuyển vì bị điều chỉnh điểm ưu tiên.

Tình trạng trúng tuyển rồi lại trượt còn xảy ra ở nhiều trường ĐH khác. Theo một cán bộ tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), quá trình nhập học cho thí sinh cũng có một số thí sinh khai không đúng đối tượng ưu tiên; trong đó có hai thí sinh không trúng tuyển vào trường khi đến nhập học. Trường ĐH Quy Nhơn cũng diễn ra tình trạng tương tự...

Bảo đảm quyền lợi cho thí sinh trong mùa tuyển sinh 2015

Theo ĐH Huế, trong số 34 trường hợp nhận giấy báo nhập học nhưng lại không trúng tuyển, có 20 trường hợp thí sinh khai sai đối tượng ưu tiên. Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không bảo đảm các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký với hồ sơ gốc. 14 trường hợp còn lại là khai sai khu vực ưu tiên (chủ yếu là ở KV1). Điều này do phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) gán đối tượng ưu tiên theo hộ khẩu thường trú. Thí dụ thí sinh có hộ khẩu thường trú là KV1 nhưng đi học ở nơi khác không phải là KV1 thì phần mềm vẫn gán thuộc ưu tiên KV1. Theo PGS.TS Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế, đối với các thí sinh sai sót về điểm ưu tiên KV1 không thuộc lỗi của thí sinh cho nên phương án giải quyết của trường là: Trước lúc lên danh sách trúng tuyển, thí sinh có phản hồi thì hội đồng tuyển sinh tư vấn làm đơn điều chỉnh và chuyển thí sinh đó xuống ngành có điểm chuẩn thấp hơn; đối với những thí sinh biết máy tính đã tính sai khu vực cho mình mà không có phản hồi thì làm đơn để ĐH Huế trình lên Bộ GD và ĐT giải quyết.

Trong khi đó, cán bộ tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, những thí sinh phải thay đổi điểm ưu tiên, không trúng tuyển theo ngành đăng ký ban đầu, nếu đủ điểm chuẩn vào một ngành nào đó của trường sẽ được sắp xếp chuyển ngành học. Hai thí sinh không đủ điểm chuẩn vào trường đã được đề nghị lên Bộ cho phép chuyển đăng ký vào trường khác và đã trúng tuyển trường khác.

Quyền Vụ trưởng Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Năm 2015 hầu như không có thay đổi quy định về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên mà vẫn thực hiện như nhiều năm qua. Điều khác là các năm trước, những nhầm lẫn như trên được giải quyết trong cơ sở dữ liệu riêng của các trường CĐ, ĐH; còn năm 2015 việc giải quyết những nhầm lẫn trên là theo cơ sở dữ liệu chung, thống nhất. Thực tế, những nhầm lẫn chủ yếu tập trung vào việc xác định không đúng thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực và một số trường hợp sai đối tượng ưu tiên. Thí dụ, có thí sinh con người bị tai nạn lao động nhưng lại nghĩ được hưởng chính sách như thương binh… Quan điểm của Bộ GD và ĐT là địa phương hướng dẫn sai, làm thiệt thòi cho thí sinh thì sẽ xem xét để đưa ra cơ chế giải quyết phù hợp; nếu do trường CĐ, ĐH hiểu sai quy chế thì chỉ đạo trường thực hiện theo đúng quy chế, bảo đảm thí sinh không bị oan đồng thời không hạ chất lượng tuyển sinh 2015. Một số trường hợp thí sinh đã được Bộ giải quyết là xác định điểm thực, nếu không trúng tuyển thì cho phép lựa chọn nguyện vọng phù hợp với điểm thực đó. Việc xác định lỗi sai do ai thì phải có căn cứ, dựa vào thẩm quyền, quy trình đã được quy định. Nếu lỗi sai thuộc về cơ quan nhà nước thì thí sinh được bảo đảm quyền lợi hợp lý; mặt khác, cơ quan nhà nước xử lý nghiêm người làm sai.

Tuy nhiên, nếu nhầm lẫn do thí sinh gây nên, dù rất đáng tiếc, các em vẫn phải tự chịu trách nhiệm. Thực tế thí sinh đã có ít nhất ba lần rà soát điều chỉnh thông tin gồm: Khi đăng ký dự thi tại trường THPT; khi đi thi tại các cụm thi và khi đăng ký xét tuyển. Nếu chưa hiểu rõ, thí sinh còn được các trường, Bộ GD và ĐT (qua đường dây nóng, email) và các cơ quan truyền thông... tư vấn, hỗ trợ. Ngoài quy định của quy chế: “Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không bảo đảm các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin với hồ sơ gốc”, thì cơ chế hậu kiểm luôn bắt buộc thí sinh phải tìm hiểu và khai thông tin chính xác. Cơ chế “tiền đăng hậu kiểm” như trên cũng tạo tiền đề để tiến tới đăng ký trực tuyến ở những năm sau khi điều kiện cho phép.

Theo Nhân dân, tin gốc: http://www.nhandan.org.vn/giaoduc/tuyen-sinh/item/27421202-vi-sao-thi-sinh-nhan-giay-bao-trung-tuyen-nhung-truot-dai-hoc.html