Vì sao học sinh nhiều trường sáng giá không được tuyển thẳng?
Một trong những thông tin gây ngỡ ngàng cho nhiều người là trong danh sách các trường THPT chuyên mà ĐH Quốc gia TP.HCM xét tuyển thẳng năm 2015 không có những trường nổi tiếng lâu nay.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã giải thích điều này trong cuộc trao đổi với phóng viên. Ông Nghĩa cho biết năm tới sẽ xét tuyển thẳng học sinh các trường THPT chuyên trên toàn quốc. Tuy nhiên, do đây là năm đầu triển khai nên chỉ thí điểm với 5 trường THPT xuất sắc đứng đầu cả nước về kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014, gồm: Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), chuyên Quang Trung (Bình Phước), chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), chuyên ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Không phải học sinh nào của trường cũng được xét
Có nhiều ý kiến tỏ ra ngạc nhiên khi danh sách này không có các trường THPT “đình đám” như chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) hoặc Hà Nội - Amsterdam. Ông nghĩ sao về điều này và việc xét tuyển thẳng dựa vào các tiêu chí nào?
Đã từng có nhiều ý kiến phản biện tương tự, nên chúng tôi không bất ngờ về điều này. Cơ sở để xác định trường có học sinh được tuyển thẳng là điểm thi trung bình của thí sinh từ kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014. Điều này có được từ số liệu thống kê kết quả tuyển sinh cả nước. Đó là điểm trung bình của tất cả học sinh từng trường dự thi vào các trường ĐH cả nước ở các khối thi A, A1, B, C và D1. Mức điểm này đứng đầu là: Phổ thông năng khiếu với 22,7 điểm, kế đến là chuyên Quang Trung 22,53; chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) 22,23; chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) 22,22; chuyên ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) 22,01.
Ngoài ra còn dựa trên số liệu thống kê từ kết quả tuyển sinh ĐH nhiều năm liền. Chẳng hạn trường Phổ thông năng khiếu 3 năm liên tục đều đứng đầu cả nước.
Như vậy cứ là học sinh của 5 trường trong danh sách trên có thể yên tâm sẽ được tuyển thẳng vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay?
Điều này không hẳn đúng. Thứ nhất là do rào cản chỉ tiêu, chúng tôi chỉ tuyển thẳng tối đa 5% chỉ tiêu theo từng ngành hoặc nhóm ngành đào tạo. Giả sử tất cả các ngành đều có thí sinh tuyển thẳng ở mức tối đa trên, thì toàn ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ có gần 700 học sinh thuộc diện này. Nhưng trong số này còn có cả những học sinh được tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT gồm những học sinh là thành viên đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi quốc tế; đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia; học sinh các huyện nghèo…
Thứ hai, quan trọng hơn là học sinh các trường THPT xuất sắc muốn được tuyển thẳng còn phải đạt đủ các tiêu chí tuyển thẳng đã đề ra. Đó là tốt nghiệp THPT đúng hạn vào năm 2015, hội đồng xét tuyển sẽ căn cứ trên kết quả học tập 5 học kỳ đầu THPT. Tối thiểu, điểm trung bình học tập này phải từ 7,0 trở lên. Ngoài ra, thư giới thiệu của giáo viên nơi học sinh học THPT và bài luận về định hướng bản thân khi làm hồ sơ tuyển thẳng cũng là căn cứ quan trọng để hội đồng đánh giá…
Thực tế, chúng tôi ước lượng chỉ khoảng 40 người được tuyển thẳng theo tiêu chuẩn vừa nêu. Ước lượng này hoàn toàn có cơ sở dựa vào kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm qua.
Năm 2016 sẽ mở rộng ra 10 trường
Trước đây ĐH Quốc gia TP.HCM có kế hoạch tuyển thẳng học sinh Trường Phổ thông năng khiếu nhưng chưa được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Đề án tuyển sinh riêng năm 2015 thực hiện tuyển thẳng học sinh giỏi 5 trường THPT chuyên kể trên, cùng với số liệu ông vừa phân tích phải chăng là một động thái “hiện thức hóa” kế hoạch này?
Đúng là trước đây chúng tôi từng có kế hoạch tuyển thẳng học sinh Trường Phổ thông năng khiếu nhưng chưa được Bộ chấp nhận. Nay việc tuyển thẳng trong Đề án tuyển sinh 2015 chính là thực hiện kế hoạch trên, nhưng cái khác là quy mô trường chuyên toàn quốc chứ không chỉ trường của ĐH này. Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2016 căn cứ trên kết quả kỳ thi quốc gia, chúng tôi sẽ xem xét tuyển thẳng học sinh 10 trường THPT đứng đầu cả nước.
Trải qua “3 bộ lọc"
Trước ý kiến cho rằng tiêu chí điểm thi ĐH năm 2014 được sử dụng để lựa chọn trường được tuyển thẳng có vẻ phiến diện khi còn nhiều tiêu chí khác để đánh giá một học sinh giỏi, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng đây là tiêu chí tốt nhất trong thời điểm hiện nay. Theo ông Chính, để đánh giá năng lực học tập của học sinh trên diện rộng với quy mô gần 3.000 trường THPT thì không có tiêu chí nào tốt hơn kỳ thi tuyển sinh ĐH do Bộ tổ chức.
Dù chỉ có tính tương đối, nhưng đó là cơ sở chung nhất hiện nay. Theo ông Chính, thực ra những học sinh được tuyển thẳng sắp tới đều phải trải qua “3 bộ lọc”: điểm thi đại học năm 2014 để chọn ra 5 trường, kết quả học tập bậc phổ thông, chỉ tiêu cần tuyển. “Những học sinh giỏi ở các trường THPT khác vẫn sẽ là đối tượng tuyển thẳng được ưu tiên trước nếu đạt đủ điều kiện theo quy định của Bộ, chỉ tiêu còn lại của mỗi ngành sau đó mới tính đến học sinh giỏi của 5 trường THPT xuất sắc trên”, ông Chính khẳng định.
Video được xem nhiều: Chương trình tiếng anh cơ bản:
Click tìm hiểu thêm chương trình tiếng anh dành cho người mất căn bản
Theo tác giả Hà Ánh, báo Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141020/vi-sao-hoc-sinh-nhieu-truong-sang-gia-khong-duoc-tuyen-thang.aspx