Trong các môn ngoại ngữ, tiếng Anh có số thí sinh đông nhất với gần 552 nghìn em. Các ngoại ngữ còn lại thì gần như không đáng kể, với tiếng Pháp là 1.224 thí sinh, tiếp theo là tiếng Trung 580, tiếng Nhật 421, tiếng Nga 241 và tiếng Đức chỉ 55 thí sinh.

Một chuyên gia phân tích số liệu đã tính “Điểm trung bình môn tiếng Anh là 3.84, độ lệch chuẩn 1.71, nhưng trung vị chỉ 3.25, cho thấy phân bố không chuẩn. Chỉ có 20% thí sinh có điểm tiếng Anh cao hơn 5”.

Vì sao điểm thi môn Ngoại ngữ thê thảm nhất?
Phổ điểm môn ngoại ngữ

Cô Phương Hạnh, Trưởng bộ môn tiếng Anh của Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ nhận xét phổ điểm tiếng Anh phản ánh rất đúng với thực tế. “Với các em thi khối D và A1 đạt từ 6 – 9 điểm môn tiếng Anh không khó, nhưng đa phần học sinh thi khối A, B và C thì chỉ mong qua điểm liệt. Trong khi đó, số lượng các thí sinh thi khối A, B, C chiếm đa số trong tổng số thí sinh, cộng lại thì đỉnh của phổ điểm rơi vào tầm 2,5 điểm là đúng. Điểm này cũng tương đương mức 5 điểm của đề thi tốt nghiệp trước đây.

Với đề thi Ngoại ngữ khối D những năm trước đạt điểm 10 rất khó, năm nay có em đạt được vì đề thi THPT quốc gia dễ hơn đề khối D cũ”.

Ông Nguyễn Phương Sửu, Phó Chủ tịch phụ trách đào tạo IIG Việt Nam, cũng cho rằng phổ điểm này cho thấy đề thi phù hợp với yêu cầu, mong muốn của Bộ GD-ĐT. “Theo tôi, phổ điểm trông khá sạch, điểm không nhấp nhô bất thường mà lên xuống mềm mại, không bị lô nhô như một số môn khác. Mức điểm 3, 4 của năm nay tương đương với điểm 5, 6 những năm trước đây. Như vậy là phù hợp với chủ trương của Bộ đưa ra trước đó”.

3 năm nữa cũng chưa khả quan hơn

Là một chuyên gia lâu năm trong ngành, ông Sửu cho biết mình không hề thất vọng khi thấy kết quả thi. Cả ông Sửu và bà Phương Hạnh đều thống nhất rằng phổ điểm phản ánh đúng thực tế dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông hiện nay.

“Nếu bảo điểm thi thấp chỉ do chất lượng giảng dạy hay chỉ do đề thi thì theo tôi đều phiến diện. Đề thi ra khá sát chương trình phổ thông, sát với nội dung và yêu cầu của chương trình. Bên cạnh đó, từ kết quả thi này phải xem lại cách dạy và cách học” – ông Sửu nêu ý kiến.

Là người trực tiếp đứng lớp giảng dạy, cô Hạnh nhận định “SGK môn tiếng Anh không khó. Chức năng của giáo viên là dạy theo hết SGK và các thầy cô đã nỗ lực làm việc hết SGK. Tuy nhiên, đề thi lại không chỉ nằm trong SGK mà còn mở rộng hơn. Bên cạnh đó là ý thức học sinh, nhiều em làm bài kể khoanh bừa cho có điểm”.

“Chúng ta phải chấp nhận thực tế đó” – cô Hạnh nhấn mạnh. “Thật ra, tất cả học sinh đều biết ngoại ngữ là quan trọng. Cả cô và trò đều biết nếu học khá Ngoại ngữ ra đời sẽ thành đạt hơn, thu nhập tốt hơn.

Tuy nhiên, giáo viên phân bố không đồng đều. Học sinh thì thực dụng, khả năng có hạn, lại phải học dàn trải nhiều môn, thì không mong gì ngày một ngày hai môn Ngoại ngữ các em sẽ học tốt hơn”.

Một giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (gọi tắt là Đề án 2020) đang được Bộ GD-ĐT triển khai. Tuy nhiên, ông Sửu cho rằng tác động đề Đề án 2020 chưa đến nơi. “Xã hội có cảm nhận đề án nhưng tác động trực tiếp thì hơi xa”.

“Còn đặt ra câu hỏi “Bao lâu nữa mới cải thiện được chất lượng dạy học ngoại ngữ?” thì sẽ rất khó để trả lời. Việc này đòi hỏi nỗ lực của cả ngành giáo dục, trong khi hiện nay chất lượng giáo viên không đồng đều, giáo viên thành phố và giáo viên vùng sâu, vùng xa khác xa nhau. Nếu mong muốn nâng cả mặt bằng lên là hơi tham vọng” – ông Sửu nhận định.

Cô Phương Hạnh thì cho rằng “Trong vòng 3 năm tới chưa thể khắc phục được tình trạng này nếu dạy và học vẫn ở trong tình trạng như hiện nay” và “Để phấn đấu có một phổ điểm như các môn khác là chuyện lâu dài”.

Nguyên nhân, theo cô Hạnh, “với học sinh ở thành thị, học sinh có mục tiêu vào đại học theo khối D thì không khó. Nhưng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa trình độ giáo viên có hạn, học sinh đa phần cũng chỉ mong đỗ tốt nghiệp – tức là qua mức điểm liệt”.

Cô Hạnh cũng cho rằng Đề án 2020 mới chỉ tập trung và có hiệu qủa bước đầu ở các thành phố lớn. Việc bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn theo Đề án quá gian truân. “Nếu muốn những năm tới phổ điểm rộng hơn đề phải dễ hơn nữa. Nhưng làm như vậy việc tuyển chọn thí sinh để xét tuyển vào đại học lại khó. Được cái này thì cái kia lại bị bó, chúng ta đang ở trong tình trạng lực bất tòng tâm”.

Còn ông Sửu nêu quan điểm: “Dạy và học ngoại ngữ không phải như môn tiếng Việt, không “ăn sống nuốt tươi” được mà phải dần dần. Nếu tập trung xây dựng môn này sẽ tốt dần lên, chứ không phải cho rằng ai cũng biết tầm quan trọng, hay điểm quá thấp mà bỏ không bắt buộc thi nữa. Nếu làm vậy, tình trạng sẽ còn tồi tệ hơn”.

Theo Vietnamnet, tin gốc: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/252722/vi-sao-diem-thi-mon-ngoai-ngu-the-tham-nhat-.html