>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm chuẩn đại học

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng tổ chức thi tốt nghiệp THPT là cần thiết và cũng không yên tâm khi giao kỳ thi này về địa phương

Sau khi Báo Người Lao Động ngày 31-7 đăng bài “Giáo dục: Đổi mới hay là chết”, trong đó nhấn mạnh đến chi tiết Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chiều 1-8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trao đổi với các phóng viên về vấn đề này.

Không thể bỏ vì khó quản

Trước băn khoăn của các phóng viên về việc có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp vì quá tốn kém, gây căng thẳng cho phụ huynh, học sinh như đề nghị của Phó Chủ tịch nước, ông Hiển cho biết: Chưa thể bỏ kỳ thi này. Từ nay đến khi có phương án mới vẫn phải tổ chức thi, tất nhiên là có cải tiến để tốt hơn. “Do kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ tương đồng, lại tổ chức rất gần nhau nên gây ra nhiều khó khăn dẫn đến bức xúc của xã hội. Tôi cho là nhất định phải giải quyết việc này nhưng không thể không quản lý được thì bỏ” - ông Hiển phân tích.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh thi tốt nghiệp THPT là một trong những mắt xích quan trọng, tác động lớn đến việc dạy và học, quyền lợi và trách nhiệm của nhiều đối tượng. Việc này không chỉ xác nhận trình độ, năng lực học sinh mà còn khuyến khích, tạo động lực cho người học; cung cấp thông tin hữu ích cho giáo viên, nhà quản lý để điều chỉnh quá trình dạy học. “Đây là kỳ thi cần thiết dù số thí sinh trượt tốt nghiệp chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ” - ông Hiển khẳng định nhưng cũng thừa nhận thời gian qua, một số yêu cầu của kỳ thi vẫn chưa đạt được.

>> Thông tin cần biết: Phó Chủ tịch nước đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Không thi tốt nghiệp thì chất lượng sẽ đi xuống

Nói thêm về việc cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Hiển cho rằng phải làm thế nào để bảo đảm gọn nhẹ mà vẫn đạt được mục tiêu và yêu cầu đánh giá đúng học lực của học sinh là rất khó, không thể giải quyết một sớm một chiều. Vấn đề này cần giải quyết một cách đồng bộ với các yếu tố khác như mục tiêu giáo dục, nội dung, phương pháp dạy học. “Bộ đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng đề án đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, trong đó có đề án nhỏ là đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. Cần bình tĩnh trước việc này!” - ông Hiển trấn an.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết điều mà bộ mong muốn là giải quyết đồng bộ thi tốt nghiệp với tuyển sinh. Theo đó, thi vừa là giải pháp để công nhận tốt nghiệp vừa là giải pháp để tuyển sinh.

Trước đề nghị của một số phóng viên nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về các địa phương để việc tổ chức gọn nhẹ, đỡ tốn kém, ông Hiển cho biết hiện Bộ GD-ĐT chỉ làm mỗi việc ra đề, các khâu khác đều đã phân cấp cho địa phương. “Nếu giao cho các địa phương ra đề thì chúng tôi chưa yên tâm vì việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi chưa tốt lắm, chưa tin được!” - ông Hiển lo ngại.

Về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Hiển thừa nhận nhiều tỉnh có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao là chưa thực chất, nếu làm nghiêm thì tỉ lệ này ở hầu hết các tỉnh đều giảm. Vì thế, nếu không tổ chức thi thì tính tự giác của học sinh sẽ không cao, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống. Ông Hiển đưa ra ví dụ: “Nếu xét tuyển tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là 98%, thi tốt nghiệp cũng 98% nhưng số học sinh đỗ tốt nghiệp ấy chất lượng sẽ tốt hơn hẳn xét tuyển”.

“Nếu xã hội coi trọng năng lực hơn bằng cấp thì việc thi cử sẽ không còn nặng nề” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói.

 

Theo: Nguoilaodong - Tin bài gốc