Trường trung cấp Y tế Gia Lai dù đã nhiều năm không tuyển sinh thêm được sinh viên nào, nhưng vẫn được nhận đầu tư lên đến 15 tỉ đồng để xây dựng kí túc xá, mua sắm trang thiết bị.
> Nên giữ hay bỏ các trường cao đẳng sư phạm địa phương đang "thoi thóp"?
> Nhiều trường Y - Dược thiếu người học vì siết chặt đầu vào
Trường vắng bóng sinh viên
Chúng tôi có mặt tại Trường trung cấp Y tế Gia Lai vào năm học mới nhưng trường hoàn toàn đìu hiu, vắng vẻ. Các giảng đường tịnh không thấy bóng học sinh (HS). Nếu không có bảng ghi tên trường nằm khiêm tốn trước cổng, khó ai hình dung được nơi đây từng là nơi đào tạo hàng chục ngàn lượt HS, cung cấp lượng lớn nhân lực y tế cho 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum.
Trường Trung cấp Y tế Gia Lai vắng bóng sinh viên trong năm học mới
Ngôi trường có bề dày 41 năm này đang ngắc ngoải vì không thể tuyển sinh được do hệ thống tuyển dụng không tuyển nhân lực y tế hệ trung cấp, HS tốt nghiệp THPT có xu hướng chọn học các ngành nghề khác để dễ xin việc khi ra trường. Hiện nay, trường này có 3 chương trình đào tạo là trung cấp điều dưỡng, dược sĩ và y sĩ. Trường còn có mã số đào tạo sơ cấp đối với cô đỡ thôn bản (6 tháng) và nhân viên y tế thôn bản (3 tháng) nhưng thực tế đang vắng bóng HS.
Từ năm 2012, HS của trường giảm dần, từ 537 HS (năm 2012) còn 461 HS (2013), 182 HS (2016), 70 HS (2017). Và từ 2017 trở lại đây, trường không tuyển thêm được HS nào.
Ông Lê Trọng Nguyên, Phó trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Năm học 2017 - 2018, trường có chỉ tiêu 440 HS nhưng chỉ tuyển sinh được 70 HS và trong quá trình học, giờ chỉ còn 52 HS. Tháng 9 này các em sẽ tốt nghiệp là trường hết HS hoàn toàn. Năm học 2018 - 2019 có 70 chỉ tiêu (2 lớp) nhưng chỉ có 20 hồ sơ nộp xét tuyển, nhưng rồi không đến nhập học. Còn năm học này chúng tôi không tuyển sinh nữa”.
Vẫn được rót tiền tỉ
Trước tình cảnh “chợ chiều” của trường, tỉnh Gia Lai cũng đưa ra những giải pháp để cứu vãn ngôi trường có bề dày lịch sử và để đào tạo nguồn nhân lực y tế cho tỉnh. Một dự án nâng cấp Trường trung cấp Y tế Gia Lai lên cao đẳng đã được triển khai với quy mô 1.000 HS. Khuôn viên của trường ở xã Trà Đa, TP.Pleiku cũng được mở rộng, nâng diện tích từ hơn 3 ha lên hơn 5 ha để đạt chuẩn cùng số tiền đầu tư gần 15 tỉ đồng. Một khu ký túc xá với quy mô 16 phòng, đủ chỗ cho khoảng 150 HS được xây dựng cùng một số khoa phòng, thiết bị được nâng cấp mua mới.
“Chúng tôi đã cùng lãnh đạo tỉnh Gia Lai ra làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT và về cơ bản, giá trị xây dựng cùng trang thiết bị đạt 35 tỉ đồng, đủ điều kiện để nâng cấp lên trường cao đẳng. Lãnh đạo Bộ cũng ủng hộ. Nhưng rồi lại gặp trục trặc. Trường được chuyển sang Bộ LĐ-TB-XH quản lý. Lúc này, điều kiện giá trị xây dựng cùng trang thiết bị phải đạt 100 tỉ đồng. Khó khăn lại chồng chất vì điều kiện này quả là khó”, ông Lê Trọng Nguyên nói.
Khu ký túc xá tiêu tốn tiền tỉ để rồi ... bỏ không
Hiện khu ký túc xá vừa mới hoàn thành đành để hoang. Khu đất rộng của trường để cỏ hoang mọc dày. Trước tình cảnh này, nhiều cán bộ, nhân viên của trường, trong đó đa số là bác sĩ, hầu hết có trình độ chuyên môn thạc sĩ, chuyên khoa I nhấp nhổm, có người nộp đơn xin nghỉ việc hay chuyển công tác.
Ông Võ Gia Bắc, Phó hiệu trưởng phụ trách, cho biết: “Cũng đã nghe thông tin trường sẽ được nhập về Trường cao đẳng Nghề Gia Lai cùng với Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Gia Lai đang khó khăn trong tuyển sinh để trở thành Trường cao đẳng Cộng đồng. Chúng tôi cũng động viên cán bộ nhân viên trong trường ở lại và sắp tới sẽ liên kết với các đơn vị đào tạo ngoài tỉnh để tiếp tục việc giảng dạy. Thực sự tình trạng này cũng rất khó khăn. Cơ sở bài bản, nhân lực tốt nhưng vì nhu cầu xã hội nên rất khó”.
Theo Thanh Niên