Ước mơ không chỉ cho mình!

 Thầy giáo Tô Ngọc Sơn Thầy giáo Tô Ngọc Sơn
Tôi ấn tượng với câu chuyện  của “nông dân nòi” trở thành giáo viên giỏi, nhớ mãi nụ cười bừng sáng của thầy khi kể đã có lúc “mình giảng một câu, học trò lớp 1 lại khóc thét… vì thầy nói to quá”...

Đó là thầy giáo Tô Ngọc Sơn - giáo viên Trường THPT Chu Văn An (thành phố Cao Lãnh) - giáo viên phổ thông duy nhất của tỉnh Đồng Tháp được tuyên dương là gương mặt nhà giáo tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2008 – 2013.

Khao khát đi học nhưng đành thui thủi làm nông dân

Thầy Sơn kể: Tôi được sinh ra tại xã Kiến An, Chợ Mới, tỉnh An Giang, nhưng chưa đầy 1 tuổi, gia đình lại chuyển về xã Mỹ Quý, Tháp Mười, Đồng Tháp - quê ngoại. Thế là tuổi thơ tôi gắn liền với quê mẹ.

Lớn lên trong một gia đình trung nông miền quê nghèo, tuổi thơ có đủ cảnh nắng mưa, sương gió, thầy Sơn nhớ như in quãng đường đến trường phải băng qua cánh đồng và nhiều lần chết hụt bởi lội mương. Vào được lớp 9 - với hoàn cảnh khó khăn của thầy Sơn khi đó - đã là một thành công lớn. Nhiều bất ngờ bắt đầu từ đây.

Dấu ấn đầu tiên là giải khuyến khích vòng thi huyện môn tiếng Anh, rồi cuối năm THCS đạt hạng nhì toàn khối 9. Kết quả này là động lực mạnh mẽ, không gì ngăn cản được người học trò nghèo này vào THPT. Đúng thời gian đó, lũ lụt làm bao gia đình trong vùng rơi vào cảnh khốn khó, nên chỉ dăm ba người được vào trung học, trong đó có thầy Sơn.

“Năm học đầu tiên, tôi phải đạp xe hơn 10 cây số đến trường. Tan học là vội vàng về để đi gặt lúa thuê, lượm lúa phụ giúp gia đình. Khó khăn, nhưng suốt 3 năm trung học, tôi vẫn cố gắng giữ kết quả học tập tốt, được thầy cô và bạn bè quý mến.

Những tưởng mình sẽ tiếp tục đi hết con đường học vấn, nên háo hức cùng các bạn đăng ký nào là Trường ĐH Bách khoa HCM, nào là Trường ĐH Y dược … Chẳng ngờ, gần cuối năm 12, gia đình lại chuyển về An Giang sinh sống, ba mẹ không cho đi học tiếp, tôi phải ở nhà làm ruộng với gia đình” - thầy Sơn ngậm ngùi kể.

Không dám cãi lời cha mẹ, nhưng nỗi buồn của người học trò ham học càng ngày càng lớn. Cả năm thui thủi trên cánh đồng với chiếc máy bơm nước và những công ruộng, ước mơ được tiếp tục đi học vẫn cháy bỏng. Rồi, bất hạnh ập đến, mẹ mất vì bệnh đột quỵ, gia đình đã khó càng khó khăn hơn. Giấc mơ giảng đường tưởng chừng tắt lịm.

Viết tiếp ước mơ, nhớ ơn người cha nuôi đặc biệt

Trong thời điểm bế tắc ấy, một người xa lạ vô tình biết hoàn cảnh và ước mơ người học trò nghèo đã ra tay giúp đỡ, hứa sẽ tài trợ tất cả để thầy Sơn được đi học lại. Như nắng hạn gặp mưa, thầy Sơn thu xếp gia đình và theo vị cứu tinh ngay ngày hôm sau ra Long Xuyên, rồi chọn vào sư phạm 12 + 2.

Bỏ kiến thức hơn 1 năm trời, để tự ôn tập thi vào trường cũng là lo lắng lớn. Nhưng không để người chú tốt bụng thất vọng, thầy Sơn đã ngày đêm ôn luyện rồi giành về danh hiệu thủ khoa “đầu vào” năm đó.

Nhớ lại quãng thời sinh viên, thầy giáo tiểu học vẫn vẹn nguyên niềm hạnh phúc khi được ân nhân quý mến, nhận làm con nuôi: Ông đã nuôi tôi suốt thời sinh viên ấy, đã cho tôi biết bao giá trị của cuộc sống này. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Và, thật bất ngờ, tên tuổi của ông không xa lạ gì với công chúng, nhất là làng văn học. Ông chính là nhà văn, nhà thơ Phạm Nguyên Thạch - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật An Giang.

 

 

Ước mơ không chỉ cho mình! - Ảnh 2
Thầy Tô Ngọc Sơn vinh dự được tuyên dương là nhà giáo tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2008 - 2013

 

Trái ngọt từ ... thất bại

 

Bảng vàng của thầy giáo “toàn tài”

Viên phấn vàng tỉnh Đồng Tháp năm 2011; GV dạy giỏi cấp quốc gia năm 2011; GV viết chữ đẹp cấp tỉnh; Giải B GV kể chuyện theo sách, kể chuyện tấm gương Đạo đức HCM, nhiều giải đồ dùng dạy học cấp tỉnh, nhiều giải tiếng hát CNVC cấp tỉnh, nhiều giải sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh; Huy chương vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công Đoàn; nhiều bằng khen của Liên đoàn Lao động; 3 lần được nhận CSTĐ cấp tỉnh, bằng khen Thủ tướng; GV tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2008 – 2013.

Vào học mới thấy khó, thầy Sơn còn nhớ như in cảm giác bỡ ngỡ khi mới vào trường: Mình là nông dân nòi, quen chân lấm tay bùn, thẳng tính như ruột ngựa, lại quen lớn tiếng, không thích dịu dàng chút nào.

Ngày đầu tiên thực tập, các em học sinh lớp 1 cứ khóc sướt mướt mỗi khi nghe mình hỏi, các bạn dự giờ thì cười khúc khích suốt khiến mình ngượng đỏ mặt.

Nhiều lần định bỏ cuộc về quê, nhưng sợ ba nuôi thất vọng nên ráng chịu và cố gắng sửa chữa. Vậy mà có tiến bộ. Lâu dần lại thấy thích để cuối cùng nhận được danh hiệu thủ khoa “đầu ra”.

Kết quả học tập xuất sắc, khi đó, thầy Sơn  được Trường CĐ An Giang giữ lại trường công tác. Nhưng vì gia đình, phải lo cho ba và các em, thầy Sơn đành dứt gánh ước mơ, về quê vừa công tác phụ giúp gia đình.

Về An Giang công tác khoảng 8 năm với nhiều nhiệm vụ: Dạy qua đủ các lớp từ 1 đến 5; là Bí thư chi đoàn, Chủ tịch Công đoàn, Tổng phụ trách …, thầy Sơn đã lập rất nhiều thành tích cho trường và địa phương: Là Chủ tịch công đoàn tiêu biểu của tỉnh, Bí thư chi đoàn giỏi, giáo viên có nhiều thành tích trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi…

Nhưng, đúng khi bắt đầu chạm tay đến thành công, thầy Sơn lại vì vợ con mà chuyển công tác về Đồng Tháp, khước từ chức vụ Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học B Tây Phú.

Thầy Sơn nhớ lại: Cảnh lạ, người xa, phải làm lại từ đầu, ngày đầu tiên về trường được nhận chức vụ Tổng phụ trách đội, sau một năm nỗ lực, tôi đã giành danh hiệu Tổng phụ trách đội giỏi của tỉnh Đồng Tháp. Năm sau, vì thiếu nhân sự, tôi được phân công dạy lớp 4; vui vô cùng vì được đứng lớp trở lại.

Học trò thành thị vẫn những nét ngây ngô đáng yêu nhưng chăm học hơn học sinh miền quê. Các em là động lực, giúp tôi hăng say hơn trong công việc. Thật buồn, đợt thi giáo viên dạy giỏi vòng thị xã năm 2005, tôi đã bị trượt ngay vòng thi thực hành. Gạt bỏ tất cả điều tiếng, tôi miệt mài rèn luyện để 2 năm sau tiếp tục tham gia thi lần nữa. Kết quả khả quan hơn, nhưng vẫn không được chọn thi cấp tỉnh.

Tôi tiếp tục phấn đấu, nuôi ý chí, 2 năm sau nữa lại dự thi và cuối cùng nỗ lực cũng được bù đắp bằng danh hiệu Viên phấn vàng cấp tỉnh. Cũng ngay năm đó, tôi vinh dự được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.

Cho học sinh con đường ngắn nhất tới tri thức

Là một giáo viên giỏi, thầy Sơn cho rằng, dạy học hay bồi dưỡng học sinh giỏi, không nên chỉ chú tâm vào việc giúp học sinh nhanh chóng tìm ra kết quả. Điều quan trọng đầu tiên là cần tìm hiểu học sinh, xem các em nhận ra được điều gì từ các yêu cầu; còn đang thiếu sót điều gì; đang cần gì để giải quyết những yêu cầu đó...

Giáo viên cũng phải biết tư vấn, dẫn dắt để học sinh của mình nhận ra và lựa chọn con đường ngắn nhất, nhanh nhất - đó mới là đỉnh cao của việc học, mới thực sự phát huy trí tuệ, sự sáng tạo.

Kinh nghiệm dạy môn Toán của thầy Sơn là: Giải Toán cần thấu đáo, cặn kẽ, phải hiểu được bản chất và phải làm sáng tỏ mọi vấn đề. Khi bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên không thể nóng vội, không nên áp đặt ngay những bài toán khó, bài toán cổ, bài Toán mình cho là học học sinh giỏi phải làm. Các em sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng học vẹt, chóng quên và dễ bị hỏng kiến thức; mất tính kiên trì nhẫn nại, dễ nhàm chán.

“Hãy từ từ ôn lại cơ bản, giúp học sinh nắm chắc các dạng toán, rồi từ những dạng cơ bản ấy, liên kết lại thành một xâu chuỗi để học sinh có “vốn” vững chắc, sẵn sàng mang ra sử dụng khi cần. Hãy nhích độ khó lên mỗi giờ, mỗi ngày, học sinh sẽ dần giỏi lên” - thầy Sơn chia sẻ.

Cũng với quan điểm này, khi giúp học sinh làm tập làm văn, thầy Sơn cho rằng, giáo viên không nên nóng vội, yêu cầu học sinh viết ngay đoạn văn, bài văn mà nên hướng dẫn để các em hoàn chỉnh câu văn, ý văn trước. “Mọi công việc đều không thể vội, nhất là việc gieo tri thức, “trồng người” - thầy Sơn bày tỏ.


Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 

Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 

Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: [email protected]; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)