>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm sàn đại học 2013, điểm chuẩn đại học

Mặc dù thừa nhận tỷ lệ tốt nghiệp hiện nay là chưa chính xác cũng như nhìn thấy những điều không ổn của kỳ thi này, nhưng cuối giờ chiều hôm qua, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng chưa thể sớm bỏ kỳ thi này.

thi tốt nghiệp

Ông Hiển cho biết nguyên tắc của giáo dục thì thi tốt nghiệp THPT chỉ là một lần đánh giá chứ không phải tất cả, phải kết hợp được với những lần đánh giá kiểm tra khác. Điều này không chỉ phát huy hiệu quả của kỳ thi sau khi học sinh (HS) đã tốt nghiệp mà có thể sử dụng kết quả tốt nghiệp để phục vụ cho công tác tuyển sinh, phân luồng HS sau khi học xong trung học. Tuy nhiên, hiện nay có thực tế là một số yêu cầu trên chưa đạt được. Đây là vấn đề khó và không thể giải quyết một sớm một chiều được và phải giải quyết một cách đồng bộ. Bộ đã rất cố gắng nhưng nếu không thay đổi được cơ bản chương trình giáo dục thì không thể cải tiến được việc thi cử, kiểm tra đánh giá.

Tỷ lệ tốt nghiệp như hiện nay đã chính xác chưa, thưa ông?

Cá nhân tôi cho rằng với tỷ lệ tốt nghiệp cao chót vót trong điều kiện dạy học như hiện nay là chưa thực chất. Năm vừa rồi hầu hết các địa phương làm nghiêm túc hơn nên tỷ lệ tốt nghiệp đã hạ xuống. Còn đến bao giờ tỷ lệ này sẽ trở về đúng với thực chất thì không thể nói được. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là nếu tỷ lệ tốt nghiệp hạ xuống vì chúng ta làm nghiêm túc hơn và khi điều kiện dạy học nâng lên thì khi đó tỷ lệ tốt nghiệp sẽ là thực chất.

Như vậy, theo ông có bỏ thi tốt nghiệp ngay thời điểm hiện tại hay không?

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: ‘Tỷ lệ tốt nghiệp hiện nay là chưa thực chất’
Ông Nguyễn Vinh Hiển

Khi chưa có đề án mới về thi cử thì trước mắt vẫn phải tổ chức kỳ thi. Nếu bỏ thi thời điểm này là chưa phù hợp vì dù sao có kỳ thi thì ý thức, trách nhiệm dạy và học sẽ tốt hơn. Có thể tỷ lệ tốt nghiệp giữa xét và thi là như nhau nhưng tôi tin rằng 98% tốt nghiệp của thi vẫn tốt hơn 98% tốt nghiệp của xét. Bỏ hay không bỏ thi tốt nghiệp cũng chỉ là một phương án để giải quyết thôi chứ không phải là cái đích để giải quyết. Có thể giải quyết bằng cách cải tiến bên trong kỳ thi đó cho hợp lý hơn.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT ra sao trước nhiều ý kiến cho rằng vẫn tổ chức nhưng nên giao kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương?

Thực ra, kỳ thi tốt nghiệp đến thời điểm này hầu hết các khâu đều đã giao cho các địa phương. Sau khi ban hành quy chế thi thì Bộ chỉ làm một việc là tổ chức ra đề thi. Còn việc kiểm tra, thanh tra thì dù giao cho các địa phương Bộ vẫn phải làm.

Bộ đang làm và đặt mục tiêu phải xây dựng được một ngân hàng câu hỏi đảm bảo khoa học, chính xác để có thể lựa chọn ngẫu nhiên trong đó để làm đề thi. Chính vì vậy, nếu chưa có một ngân hàng như vậy mà giao cho các địa phương tự ra đề thì Bộ chưa tin tưởng về mặt hiệu quả. Hiện nay, Bộ tổ chức mà kết quả thi còn chưa sát thực chất thì khi giao cho địa phương liệu có thực chất hơn thế không?

Dư luận vẫn cho rằng kỳ thi tốt nghiệp là không cần thiết vì rất tốn kém về mặt tài chính. Bộ có thể cho biết cụ thể chi phí cho một kỳ thi là bao nhiêu?

Bộ không thể thống kê được vì chi phí của kỳ thi là từ ngân sách của các địa phương. Tuy nhiên, chi phí cho giáo dục không giống như đi mua nguyên vật liệu, nên không thể nói giá cả thế nào. Tất nhiên, hiệu quả cũng phải tính, càng tiết kiệm càng tốt.

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: ‘Tỷ lệ tốt nghiệp hiện nay là chưa thực chất’
Giáo viên chấm thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bù lỗ cho kỳ thi tốt nghiệp hơn 250 tỉ đồng

Theo thống kê kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, cả nước có 946.064 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 854.355 thí sinh hệ THPT và 91.709 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Số thí sinh đến dự thi ngày thi cuối của kỳ thi là 942.549. Có 2.296 hội đồng coi thi, huy động 142.361 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Bên cạnh đó, theo thông tin từ Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cả nước huy động 23.691 cán bộ giáo viên làm công tác chấm thi.

Căn cứ vào Thông tư 66/2012/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 26.4.2012 của Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT, định mức tổ chức một hội đồng coi thi khoảng 10 triệu đồng/hội đồng/3 ngày; định mức coi thi của một giám thị là 210.000 đồng/giám thị/ngày (tương ứng 630.000 đồng/giám thị/kỳ thi); định mức hội đồng chấm thi khoảng 10 triệu đồng/hội đồng/7 ngày; định mức chấm thi là 15.000 đồng/bài thi, mỗi bài thi sẽ được chấm hai lần bởi hai giáo viên khác nhau. Chi phí ra đề thi và in đề thi được tính là 500 đồng/đề, số lượng đề sẽ được dự phòng 10% cho cả 6 môn thi. Do đó, số tiền chi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm khoảng 300 tỉ đồng. Như vậy, ngoài số tiền học sinh phải đóng ước khoảng 47 tỉ (50.000 đồng/học sinh) thì số tiền còn lại ngân sách hằng năm phải bù lỗ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT là hơn 250 tỉ đồng .

Theo Báo thanh niên, Xem tin gốc