Mỗi mùa tuyển sinh ĐH, các trường thành viên ĐHQG TP.HCM luôn là đích ngắm của nhiều thí sinh trong cả nước, đặc biệt là thí sinh khu vực phía Nam.

Cơ hội ít hơn
Năm 2010, ĐHQG TP.HCM khiến không ít thí sinh phải thất vọng khi công bố tổng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ nhiều hơn năm trước đó chừng 2%. Tuy có tăng chút ít nhưng thực tế phần tăng này chủ yếu là chỉ tiêu của một số ngành mới mở. Chỉ tiêu của hầu hết các trường, cụ thể là các ngành không có nhiều thay đổi. Thậm chí Trường ĐH Kinh tế - luật và Trường ĐH Khoa học tự nhiên còn giảm chỉ tiêu tuyển sinh.

Đặc biệt, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã giảm đến 800 chỉ tiêu so với năm 2009, đưa tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường từ 4.800 xuống còn 4.000 chỉ tiêu trong năm 2010. Với một trường luôn có lượng thí sinh quan tâm lớn như trường này, tỉ lệ tăng ít ỏi trên đã làm không ít thí sinh phải cân nhắc. Và trong tuyển sinh năm tới, trường cũng chỉ dự kiến tăng thêm 300 chỉ tiêu, nghĩa là chưa bằng mức tuyển của hai, ba năm trước đó.

Đối với Trường ĐH Y dược TP.HCM,  trường luôn đạt "đỉnh" về điểm chuẩn ở khu vực phía Nam trong các kỳ thi tuyển sinh, sự khó khăn lại thể hiện ở khía cạnh khác. Dù năm 2010 trường tăng gần 200 chỉ tiêu trong 1.500 chỉ tiêu của mình, nhưng năm 2010 là năm trường bắt đầu mở rộng vùng tuyển ra cả nước, thay vì chỉ giới hạn từ Đà Nẵng trở vào như trước. Và nhiều khả năng sau đợt tăng nhiều chỉ tiêu lúc bắt đầu mở rộng vùng tuyển trong năm 2010, tỉ lệ tăng chỉ tiêu tuyển sinh của trường này sẽ chậm lại.

Tuyển sinh 2018: Vào trường “top”, ngày càng khó - Ảnh 1

Thi vào trường "top" như ĐH Y dược TP.HCM vốn đã quá khó lại ngày càng khó hơn


Thử thách nhiều hơn
Trong khi với Trường ĐH Y dược TP.HCM mới chỉ là dự báo thì thực tế nhiều trường khác đã thông báo giữ nguyên chỉ tiêu trong tuyển sinh 2011 sắp tới.
Điển hình là ĐHQG Hà Nội. ĐH này dự kiến chỉ tuyển 5.500 chỉ tiêu ĐH hệ chính quy, không tăng so với năm 2010. Trong đó, Trường ĐH Khoa học tự nhiên dự kiến tuyển 1.310 chỉ tiêu; Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn: 1.400; Trường ĐH Công nghệ: 560; Trường ĐH Ngoại ngữ: 1.200; Trường ĐH Kinh tế: 430; Trường ĐH Giáo dục: 300 và Khoa Luật: 300.

Tương tự, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến cũng chỉ dừng lại ở con số 4.000, tương đương năm 2010, bao gồm cả chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ của các tỉnh. Cụ thể, ngành kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn: 50; thống kê kinh tế xã hội: 50; hệ thống thông tin kinh tế: 100; ngành luật: 100; khoa học máy tính: 50...

Cũng với chủ trương này, Học viện Bưu chính - viễn thông sẽ giữ nguyên chỉ tiêu ở con số 2.650 cho cả ĐH và CĐ. Tong đó, cơ sở đào tạo phía Bắc, các ngành đào tạo ĐH: 1.350 chỉ tiêu; các ngành đào tạo CĐ: 500 chỉ tiêu. Cơ sở phía Nam, các ngành đào tạo ĐH: 650; các ngành đào tạo CĐ: 150.

Việc không tăng, thậm chí cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường tốp đầu, được lý giải nhằm nâng cao chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo. Đây cũng là điều phù hợp với yêu cầu phát triển của các trường ĐH trong điều kiện hiện nay. Về phía thí sinh, điều này đồng nghĩa với việc để được vào học ở nhóm trường này cần phải trải qua thử thách cam go hơn. Một mặt, thí sinh cần cố gắng hết sức từ bây giờ, mặt khác cũng cần lượng sức mình trước khi đặt bút đăng ký dự thi kỳ thi tuyển sinh sắp tới.