Nhiều trường thay đổi phương thức tuyển sinh

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong mùa tuyển sinh năm 2016 này, nhiều trường ĐH, CĐ đã xây dựng phương án tuyển sinh mới. Theo đó, phương án xét tuyển dựa trên điểm học bạ được nhiều trường sử dụng bên cạnh việc xét tuyển điểm từ kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia. Ngoài ra, các trường cũng mở thêm ngành đào tạo, mở rộng đối tượng tuyển thẳng để phù hợp hơn với tình hình thực tế hoạt động của nhà trường.

Năm 2015 là năm đầu tiên tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, do vậy dẫn đến việc lượng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường văn hóa nghệ thuật đột ngột giảm mạnh. Nếu như từ năm 2014 trở về trước, thí sinh thi vào ĐH, CĐ thì đăng ký ngay tại các trường THPT địa phương, thì năm 2015 theo quy định mới các trường THPT không nhận hồ sơ đăng ký nên lượng thí sinh biết để đăng ký tại các trường ĐH, CĐ là rất ít.

Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, với thế mạnh là đơn vị đào tạo về sân khấu, điện ảnh trình độ ĐH, CĐ chính quy duy nhất của khu vực phía Nam, nhu cầu thi tuyển vào trường là khá lớn, tuy nhiên năm 2015 cũng do “vướng” phải những thay đổi trong phương thức tuyển sinh, mà số thí sinh đăng ký dự thi vào trường giảm đến 50% so với trước đó.

Nguyên nhân được nhà trường nhận định là do nhiều thí sinh cứ nghĩ môn Văn vẫn do nhà trường tổ chức thi như mọi năm, mà không biết quy định phải tham dự trong kỳ thi chung để lấy kết quả xét tuyển. Chính vì thế, đã có đến 15% thí sinh là những đối tượng đã tốt nghiệp THPT những năm trước nhưng không thể nộp hồ sơ vào trường. Bên cạnh đó, lượng thí sinh đã đăng ký dự thi ở cụm địa phương cũng không đủ điều kiện do nhà trường chỉ xét điểm môn Văn từ kỳ thi chung…

Để khắc phục tình trạng như năm 2015, ông Lê Hùng, chuyên viên phụ trách công tác tuyển sinh Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM cho biết trong mùa tuyển sinh 2016 này, nhà trường dự kiến bổ sung phương thức xét tuyển mới, dành cho các thí sinh đã tốt nghiệp từ năm 2015 trở về trước. Cụ thể là bên cạnh thi hai môn chuyên ngành và năng khiếu như quy định cũ, điểm môn Văn được nhà trường xét từ điểm học bạ lớp 12 chứ không phải căn cứ vào kỳ thi THPT quốc gia như năm 2015. Phương án tuyển sinh 2016 của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Năm 2016, Bộ GD-ĐT vừa có công văn cho phép Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM tuyển sinh bổ sung hệ ĐH chính quy với 2 ngành là diễn viên kịch - điện ảnh và quay phim, mỗi ngành 20 chỉ tiêu. Như vậy, năm nay nhà trường tuyển tổng cộng 100 chỉ tiêu hệ ĐH cho 4 ngành (cùng với ngành đạo diễn điện ảnh - truyền hình và đạo diễn sân khấu), 130 chỉ tiêu hệ CĐ cho 5 ngành (diễn viên kịch - điện ảnh, diễn viên sân khấu kịch hát, quay phim, nhiếp ảnh và thiết kế mỹ thuật sân khấu điện ảnh). Ngoài ra, trường còn tuyển 10 chỉ tiêu hệ trung cấp ngành nhạc công dân tộc.

Tuyển sinh ở các trường văn hóa nghệ thuật - Nơi nhộn nhịp, chốn đìu hiuThí sinh thi tuyển vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Ảnh: THÙY TRANG

Thông tin từ Trường Đại học Văn hóa TPHCM cho biết, đối tượng tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016 theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong đó thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba các môn thi Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý sẽ được tuyển thẳng vào các ngành bậc ĐH. Tuy nhiên, thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng bậc ĐH ngành quản lý văn hóa, chuyên ngành quản lý hoạt động âm nhạc và chuyên ngành tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật phải thi môn Năng khiếu nghệ thuật và phải đạt từ 5 điểm trở lên (thang điểm 10) mới được tuyển.

Thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp hệ trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc được tuyển thẳng vào ĐH ngành quản lý văn hóa (các chuyên ngành: quản lý hoạt động âm nhạc, tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật). Thời gian được tính để hưởng ưu tiên tuyển thẳng không quá 4 năm tính đến ngày 12-8-2016.

Năng khiếu đóng vai trò then chốt

Là một trong những đơn vị đào tạo văn hóa nghệ thuật quy mô tầm quốc gia và khu vực, Nhạc viện TPHCM là thiên đường mơ ước của không ít các bạn trẻ yêu văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, ngoài các môn thi căn bản, các thí sinh phải trải qua những phần thi năng khiếu hết sức khắt khe.

TS Đặng Huy Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Nhạc viện TPHCM cho biết, năm nay nhạc viện nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 18-4 đến 31-5, thi tuyển từ ngày 18 đến 22-7. Hồ sơ dự thi ghi rõ chuyên ngành đào tạo, nộp trực tiếp tại nhạc viện hoặc gửi qua đường bưu điện về phòng đào tạo, không gửi hồ sơ qua các trường hoặc Sở GD-ĐT. Năm nay, Nhạc viện TPHCM tuyển 150 chỉ tiêu bậc ĐH cho các ngành: Âm nhạc học, sáng tác âm nhạc, chỉ huy âm nhạc, thanh nhạc, biểu diễn nhạc cụ phương Tây, biểu diễn nhạc cụ truyền thống với các tổ hợp môn thi: Ngữ văn, Kiến thức âm nhạc và Năng khiếu chuyên ngành. Trong đó, môn Ngữ văn xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và điểm tổng kết 3 năm học THPT (lớp 10, 11 và 12), thi Kiến thức tổng hợp về âm nhạc và Năng khiếu chuyên ngành (môn chuyên ngành hệ số 2).

Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội cho biết, trong năm 2016 này, trường tuyển 540 chỉ tiêu đào tạo, trong đó có 240 chỉ tiêu hệ ĐH của 13 ngành: quản lý văn hóa, sư phạm âm nhạc, quay phim truyền hình, diễn viên kịch điện ảnh, sáng tác âm nhạc, đạo diễn điện ảnh truyền hình, đạo diễn sân khấu, chỉ huy âm nhạc, thanh nhạc, biểu diễn nhạc cụ phương Tây, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, biên đạo múa, huấn luyện múa. Đó là chưa kể hàng chục chỉ tiêu các hệ đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH, hệ vừa học vừa làm.

Tuyển sinh ở các trường văn hóa nghệ thuật - Nơi nhộn nhịp, chốn đìu hiuTiết học của sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM.

Không sôi động như những trường thuộc hàng tốp, tuy nhiên, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TPHCM cũng là một trong những địa chỉ được các bạn trẻ chọn lựa để theo đuổi đam mê nghệ thuật. “Ngoài những ngành hot thu hút đông đảo thí sinh, tập thể ban giám hiệu nhà trường cũng đang khá lo lắng khi các ngành mỹ thuật, thiết kế thời trang, hội họa, thiết kế công nghiệp thưa vắng thí sinh theo học”, TS Trương Nguyễn Ánh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TPHCM tâm tư. Từ năm 2014-2017, nhà trường phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang tổ chức đào tạo cho 27 đạo diễn sân khấu theo đơn đặt hàng của tỉnh này.

 

Tuyển sinh... lưu động

Nhiều ngành, nghề ở các trường đào tạo nghệ thuật như Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam, Trường CĐ Múa Việt Nam, ĐH Sân khấu - Điện ảnh… luôn thiếu nguồn thí sinh đầu vào. Tình trạng “đói” thí sinh còn trầm trọng hơn đối với những chuyên ngành như diễn viên kịch hát dân tộc: tuồng, chèo, cải lương, múa, xiếc, lý luận phê bình sân khấu - điện ảnh…

Vì thế, theo ông Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, thay vì thông báo tuyển sinh rồi chờ thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, một số ngành nghệ thuật đã chủ động tổ chức đội tuyển quân lưu động xuống tới mỗi địa phương tìm người tài.

Theo đó, thay vì cách làm cũ, chỉ đưa thông tin tuyển sinh và chờ thí sinh nộp hồ sơ rồi đến ngày giờ tiến hành thi tuyển theo lịch thì nay các trường đã đi đến các tỉnh trực tiếp thông báo tuyển sinh, nhận hồ sơ.

“Trung bình mỗi mùa tuyển sinh, để lấy được số hồ sơ dự tuyển “an toàn” so với chỉ tiêu tuyển sinh các trường phải đến từ 8-10 tỉnh”, lãnh đạo Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh tiết lộ. Không những thế, từ đề án này thí sinh theo học còn được rất nhiều ưu đãi, được giảm 2/3 học phí, bố trí chỗ ở trong suốt quá trình học, tiền trợ cấp trang phục…

Với những chế độ ưu đãi này giúp thí sinh toàn tâm toàn ý cho chuyên môn. Việc tuyển sinh lưu động này đã giải tỏa bớt những khó khăn đối với một số chuyên ngành như xiếc, điện ảnh... Tuy nhiên, với một số ngành đặc thù hơn như múa thì số lượng lại không có chuyển biến đáng kể.

 


Theo SGGP, nguồn: http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/sankhau/2016/6/423915/


Tra cứu điểm thi tốt nghiệp 2016 nhanh nhất tại kenhtuyensinh.vn