Khó quản tuyển sinh nguyện vọng bổ sung

Từ nay đến 10-9, các trường ĐH, CĐ cả nước sẽ kết thúc đợt 1 tuyển sinh nguyện vọng bổ sung. Đây là cơ hội mới cho các thí sinh trượt ĐH, CĐ cũng như để các trường tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, dư luận đang thắc mắc về hiệu lực của các quy định của Bộ GD-ĐT

Quá nhiều hồ sơ nguyện vọng 2

Nhiều trường ĐH công lập đến thời điểm này đang trong tình trạng quá tải hồ sơ đăng ký nguyện vọng bổ sung. Điều này khiến cho trường có nguồn tuyển phong phú nhưng lại khiến các thí sinh mất cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ khác. Cụ thể như với ĐH Xây dựng Hà Nội, chỉ tiêu xét tuyển năm nay là 760. Mức điểm xét tuyển từ 17 đến 22.

Tuyển sinh nguyện vọng bổ sung: Quá nhiều hồ sơ và khó quản

Tuyển sinh nguyện vọng bổ sung: Quá nhiều hồ sơ và khó quản

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này trường đã nhận được 2.500 hồ sơ xét tuyển, vượt gấp nhiều lần số chỉ tiêu đặt ra và khả năng số hồ sơ sẽ còn cao hơn nữa khi trường kết thúc việc nhận hồ sơ vào ngày 10-9. Trước lượng hồ sơ quá lớn, ông Lê Văn Thành, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng cho hay, sẽ xem xét xin ý kiến Bộ GD-ĐT để thông tin cho thí sinh ngưỡng điểm nào thì nên nộp hồ sơ vào trường, tránh tình trạng mất cơ hội nộp hồ sơ vào trường khác. Tuy nhiên, đến 2-9, các thông tin về tình trạng đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 của trường này vẫn chưa được cập nhật trên trang web của trường theo quy định của Bộ GD-ĐT

Còn tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, tính đến ngày cập nhật mới nhất của trường là   29-8, Học viện đã nhận được 3.713 bộ hồ sơ và chưa có thí sinh nào rút hồ sơ để chuyển nguyện vọng sang trường khác. Được biết, trường này tuyển 1050 chỉ tiêu ĐH phía Bắc và 660 chỉ tiêu ĐH phía Nam trong đợt xét tuyển này. Theo lãnh đạo nhà trường, thực tế kinh nghiệm tuyển sinh hàng năm, mức điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 bao giờ cũng cao hơn mức điểm nhận hồ sơ nên thí sinh cần cân nhắc kỹ điểm số của mình trước khi đăng ký vào trường.

Vẫn lộn xộn giấy mời nhập học

Ngoài một số trường có ưu thế về thương hiệu như những trường ĐH công lập nói trên thì khá nhiều trường ngoài công lập, ĐH, CĐ địa phương đều trong tình trạng chờ đợi, phấp phỏng lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển. Chính điều này đã khiến tình trạng một thí sinh có thể nhận hàng chục “giấy báo nhập học”. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, thí sinh Hồ Văn Khoan, số báo danh BKAA 5969 dự thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội có tổng số điểm thi là 11 điểm (kể cả điểm ưu tiên). Trong đó,  môn Toán đạt 1,25 điểm, môn Lý 2,4 điểm, môn Hóa đạt 4,75 điểm. Với mức điểm này, thí sinh chưa đạt điểm sàn nên không đủ điều kiện để nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 vào trường ĐH. Tuy nhiên, thí sinh này lại được trường ĐH Hà Hoa Tiên báo trúng tuyển hệ ĐH chính quy và mời đến làm thủ tục nhập học từ ngày 5 đến 10-9.

Ngoài việc các trường vẫn tiếp tục mời nhập học với các thí sinh không đăng ký xét tuyển thì việc cấp giấy chứng nhận kết quả thi cũng được nhiều trường phản ánh là không khớp với kết quả của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT. Thậm chí có trường CĐ còn cấp cả giấy chứng nhận kết quả thi ĐH cho các thí sinh dự thi vào trường để sử dụng vào việc đăng ký xét tuyển ở các trường khác.

Gọi nhập học cả thí sinh dưới điểm sàn là trái quy định

Liên quan tới việc một số trường ĐH gọi nhập học cả những thí sinh có điểm dưới sàn, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng vụ Giáo dục ĐH khẳng định, đây là việc làm trái quy định và không được Bộ GD-ĐT cho phép.

Ông Tuấn nói thêm, hiện có thông tin một số trường gọi cả những thí sinh có điểm dưới sàn vào lớp nợ đầu vào, việc này là sai và thí sinh phải cân nhắc vì vào học là sẽ gặp nhiều thiệt thòi. Trong trường hợp việc tuyển sinh sai quy định này nếu bị Bộ GD-ĐT phát hiện, thí sinh có thể bị ngừng học. Bên cạnh đó, ông Bùi Anh Tuấn còn cảnh báo: “Thường đến mùa tuyển sinh, một số trung tâm, công ty nhận hồ sơ của thí sinh và hứa với người nhà họ là sẽ lo cho các thí sinh này vào học trường A, B. Bộ GD-ĐT khẳng định tất cả các công ty này đều không có quyền tuyển sinh và nếu thí sinh tin lời họ, các em sẽ gặp nhiều rắc rối”. Các thí sinh cần nắm vững các quy định của Bộ GD-ĐT thay vì sớm vui mừng với các “giấy mời nhập học” nói trên.

Theo Báo An Ninh Thủ Đô