Bộ LĐ-TB-XH vừa ra quyết định mới đối với các trường cao đẳng. Nghề bảo vệ được bổ sung đào tạo và cấp bằng chính quy liệu có thu hút người học?
Kinh tế xã hội ngày càng phát triển kèm theo dịch vụ an ninh cần siết chặt hơn, vì vậy nghề bảo vệ càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Tuy nhiên, những người theo nghề này có trình độ chưa cao, chưa được hướng dẫn đúng cách, chuyên môn chưa được đào tạo bài bản.
Theo Thông tư 06/2019/TT-BLĐTBXH bổ sung ngành, nghề đào tạo vào Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BLĐTBXH.
Ngoài các ngành thông thường, có hai ngành mới được xuất hiện là vệ sỹ (Body guard) có mã ngành 6869002 và bảo vệ (Security guard) được xếp vài mục "Khác". Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/03/2019, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có trường trung cấp, cao đẳng nào đào tạo ngành nghề này.
Việc mở ngành gặp nhiều khó khăn
Hiện tại, đào tạo nghề bảo vệ chỉ dừng lại ở các công ty tự tổ chức để đào tạo và cung cấp nhân lực. Những người hướng dẫn ở các hình thức tự phát này đa số những người đã nghỉ hưu từ Cục Cảnh vệ, cảnh sát. Họ tuy có hiểu biết về pháp luật, có nghiệp vụ bảo vệ, cảnh vệ và được Sở Công an quản lý nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong giảng dạy, chưa hiệu quả trong việc tự đào tạo như vậy. Song song, công tác đào tạo bài bản ở các trường cao đẳng chuyên nghiệp vẫn chưa thực sự thu hút được nhiều người. Hiện nay, nghề bảo vệ thường thấy ở các địa bàn lớn, đảm bảo anh ninh ở các cửa hàng, ngân hàng, chung cư,...Trong khi, trên thế giới, dịch vụ bảo vệ đã phát triển mạnh mẽ và chuyên nghiệp bỏ chúng ta rất xa. Thạc sĩ Trần Thanh Hải cho biết.
Ông nhấn mạnh thêm, "Tuy nhiên, nếu đào tạo ngành này ở bậc cao đẳng, trung cấp thì có một số bất cập. Bất cập đầu tiên và rất quan trọng là xin mở ngành sẽ rất khó khăn. Đó là nếu mở ngành này, cơ sở vật chất, thiết bị... các trường có thể đáp ứng. Nhưng quan trọng hơn là hiện nay theo quy định, giảng viên trung cấp phải có bằng cao đẳng trở lên, giảng viên cao đẳng phải có bằng đại học trở lên. Lấy đâu ra lực lượng đáp ứng quy định về trình độ để giảng dạy ngành này? Cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn về nhân sự giảng dạy ngành này. Nếu không, khi xin mở ngành cũng có thể xảy ra tiêu cực".
Nghề bảo vệ được đào tạo ở các trường cao đẳng
Việc tuyển sinh khó khăn
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Bách Việt bày tỏ, thật ra việc tuyển sinh ở các trường cao đẳng hay trung cấp cho nghề bảo vệ khó khăn khá dễ hiểu. Lý do các công ty đa số muốn nhắm đến các đối tượng đã tốt nghiệp THCS, có thể đi làm ngay sau thời gian huấn luyện ngắn. Muốn các trường đào tạo ngành nghề này, cần có quy định về việc phát bằng cấp cho người học, chế độ lương bổng, phúc lợi cũng phải hấp dẫn. Việc mức lương của người có trình độ cao đẳng chuyên môn cao tương đương với những người có trình độ thấp hơn là không công bằng, dễ gây bất mãn cho người học.
Tiến sĩ Thành cũng nêu thêm về trường hợp của trường cao đẳng Bách Việt, khi xuất hiện ngành Chế biến món ăn. Tưởng chừng, ngành mới sẽ hấp dẫn, thu hút nhiều người đam mê nấu ăn một cách chuyên nghiệp, nhưng kết quả tuyển sinh chỉ được 20 người. Nguyên nhân không quá sâu xa, thời lượng học nghề ngắn có thể tiếp thu nhanh và mức lương sau khi có tay nghề vững còn tùy vào nhiều yếu tố cá nhân chứ không chỉ riêng chiếc bằng cấp.
Theo Thanh niên