Nếu xác định 10% học sinh tốt nghiệp THCS phải phân nhánh đi hướng khác, không vào THPT thì cần chuẩn bị chỗ để các em học nghề, học bổ túc văn hóa, hoặc ít nhất được trang bị kỹ năng cần thiết để tham gia thị trường lao động chứ không thể để học sinh ra đường Ông Nguyễn Công Hinh (vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT) |
Mấy ngày nay, gia đình em Nguyễn Văn Danh (15 tuổi, thôn Trung Phước, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) đứng ngồi không yên. Bạn bè cùng trang lứa với Danh đã được xếp vào học lớp 10 tại Trường THPT Nông Sơn thì Danh lại không được học.
Hụt hẫng
Bà Trương Thị Vân (42 tuổi, mẹ của Danh) vẻ mặt buồn bã khi con của mình không được học lớp 10. Bà cho biết mọi năm trường này xét tuyển 100% học sinh lớp 9 của các trường ở huyện đã tốt nghiệp THCS.
Thế nhưng, năm nay trường chỉ lấy 90% số học sinh tốt nghiệp. Con bà Vân nằm trong số 10% không được lấy vào trường.
Bà Vân kể: “Đậu tốt nghiệp THCS xong, con trai tôi về nhà chụp ảnh thẻ nộp cho cô chủ nhiệm để chuyển hồ sơ lên cấp III. Nhưng khi Trường THPT Nông Sơn gọi học sinh lên tập trung, xếp lớp học thì con tôi không có tên trong danh sách trúng tuyển vào lớp 10.
Con tôi đã lên gặp thầy hiệu trưởng hỏi. Thầy bảo không có tên có nghĩa là rớt rồi. Tôi lên gặp lãnh đạo trường thì họ nói năm ni sở GD-ĐT về xét, chỉ lấy 90% trong tổng số học sinh đậu tốt nghiệp”.
Danh cũng buồn bã nói: “Mẹ đã sắm áo quần, sách vở cho em hết rồi mà không được học. Mấy bữa nay em hụt hẫng và buồn lắm”.
Đồng cảnh ngộ, con trai của ông Lê Chí Thức (53 tuổi, xã Quế Trung) là Lê Quang Bảo cũng không được học lớp 10 Trường THPT Nông Sơn.
Điều làm ông Thức lo lắng là ở huyện không có trường bán công, dân lập hay trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) để con ông theo học. Điều này đồng nghĩa con ông phải nghỉ học ở nhà khi chỉ mới tốt nghiệp THCS.
Ông Nguyễn Ngọc Triêm, cán bộ phụ trách THCS thuộc Phòng GD-ĐT huyện Nông Sơn, cho biết năm học 2016-2017 toàn huyện có 328 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS. Những năm trước, Trường THPT Nông Sơn tuyển 100% số học sinh đã tốt nghiệp THCS.
“Nhưng năm nay theo quyết định của tỉnh chỉ tuyển sinh 90%, tức khoảng 295 học sinh. Vì năm nay có những thay đổi như vậy làm người dân chưa thích ứng được nên họ bức xúc” - ông Triêm nói.
Theo ông Triêm, hiện nay huyện không có trường bán công, TTGDTX hay cơ sở đào tạo nghề cho số học sinh rớt này, muốn học phải đi những nơi khác xin vào học.
“Các em có thể học trường nghề”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Văn Hưng - chánh văn phòng Sở GD-ĐT Quảng Nam - cho biết tổng số học sinh tốt nghiệp THCS năm vừa qua ở tỉnh là 20.861. Trong đó, có 18.775 học sinh đăng ký vào lớp 10 các trường công lập năm 2017-2018.
Sau khi xét tuyển lấy 90% thì có 17.490 em. Còn 1.285 học sinh trong chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không được học THPT.
Ông Hưng cho biết theo quy chế của Bộ GD-ĐT về tuyển sinh có hai hình thức: thi tuyển và xét tuyển. Tỉnh đã chọn hình thức xét tuyển và phân tuyến từng khu vực, thực hiện theo chỉ thị của trung ương về phân luồng học sinh.
Vừa rồi Tỉnh ủy cũng có nghị quyết về phân luồng học sinh sau THCS. Trong đó, mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 theo tỉ lệ và lộ trình phù hợp, phấn đấu có ít nhất 20% học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo ông Hưng, số học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập thì theo định hướng của tỉnh là có thể đi học trường tư thục, học nghề và học hệ giáo dục thường xuyên.
Trước đây mỗi huyện có TTGDTX dạy hệ bổ túc, nhưng giờ nhu cầu không còn nhiều nữa nên chủ trương của tỉnh giải thể các trung tâm đó sáp nhập về TTGDTX tỉnh. “Các em có thể học trường nghề vì trường này không chỉ dạy nghề mà còn được học về văn hóa” - ông Hưng nói.
Trả lời câu hỏi liệu có quá “cứng nhắc” khi tuyển 90% và loại 10% còn lại dù nhiều học sinh muốn theo học lớp 10, ông Hưng nói: “Đây là xét tuyển cạnh tranh, lấy từ cao xuống thấp nên ai rớt phải chấp nhận, phải chọn loại hình khác để học”.
Bộ GD-ĐT: Không thể để học sinh ra đường Ông Nguyễn Công Hinh - vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT - cho biết Quảng Nam đã xóa bỏ 100% TTGDTX cấp huyện, chỉ giữ lại TTGDTX cấp tỉnh. Vì thế, việc phân luồng sau THCS ở các huyện sẽ gặp khó khăn. Học sinh không vào học THPT sẽ không có nơi để học bổ túc, bổ sung các kiến thức, kỹ năng cần thiết tham gia thị trường lao động. Ông Hinh cũng cho rằng Quảng Nam cần xem lại quyết định giải thể TTGDTX cấp huyện, đồng thời cân nhắc về chủ trương phân luồng sau THCS. Theo ông Hinh, phân luồng đúng là Nhà nước tạo nên các “luồng” khác nhau để học sinh lựa chọn theo sự tự nguyện hoặc theo định hướng, tư vấn của các cơ sở giáo dục. “Tôi không ủng hộ việc phân luồng theo kiểu dùng quyền lực, dùng các quy định hành chính để ép buộc với người học trong khi không chuẩn bị những địa chỉ để học tập tiếp, hoặc bổ sung kiến thức, kỹ năng... Cụ thể, nếu xác định 10% học sinh tốt nghiệp THCS phải phân nhánh đi hướng khác, không vào THPT thì cần chuẩn bị chỗ để các em được học nghề, học bổ túc văn hóa, hoặc ít nhất được trang bị kỹ năng cần thiết để tham gia thị trường lao động chứ không thể để học sinh ra đường” - ông Hinh nói. |
Theo Tuổi trẻ