Tuyển sinh lớp 10
Chưa đầy một tháng nữa, hơn 75 nghìn học sinh lớp 9 ở Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Theo kế hoạch tuyển sinh của Sở Giáo dục-Ðào tạo Hà Nội, số lượng học sinh được tuyển vào các trường THPT công lập năm học này giảm đáng kể so năm học trước. Thông tin này khiến không ít phụ huynh lo lắng, ráo riết cho con em mình ôn luyện kiến thức, nhằm đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi quan trọng này.
Cho đến thời điểm này, tại các trường THCS, hầu hết thầy và trò các khối lớp 6,7,8 đang tổng kết năm học, chuẩn bị nghỉ hè, không khí học tập đã bớt căng thẳng hơn trước rất nhiều. Trái ngược với không khí này, học sinh của khối lớp 9 đang bước vào giai đoạn "nước rút" ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra vào ngày 18-6.
Tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm), việc thi học kỳ, tổng kết năm học của học sinh khối 9 được thực hiện sớm hơn so với các khối khác. Bắt đầu từ ngày 6-5, các em bước vào chương trình ôn tập kéo dài khoảng sáu tuần, đến sát ngày thi chính thức. Ðại diện Ban giám hiệu cho biết, mục tiêu mà nhà trường đặt ra là giúp cho các em học sinh hệ thống lại toàn bộ kiến thức hai môn văn, toán, nhất là kiến thức lớp 9, rèn kỹ năng làm bài thi, sao cho đạt kết quả thi cao nhất. Cô giáo Phạm Thư Ân, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A9 cho biết, vì thời gian ôn thi có hạn, cho nên nhà trường tổ chức cho học sinh ôn tập ở trường sáu buổi/tuần, mỗi buổi học hai tiết văn, hai tiết toán. Hằng ngày, ngoài việc kiểm tra, cho các em làm bài trên lớp, giáo viên còn giao thêm bài tập về nhà cho học sinh. Cứ sau hai tuần ôn tập, nhà trường tổ chức thi thử một lần, để học sinh làm quen với không khí thi cử, rèn luyện kỹ năng làm bài, đồng thời qua việc làm bài, các em biết được mình còn yếu, kém ở phần nào để kịp thời bổ sung kiến thức còn hổng... Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Ðình) cũng tổ chức cho học sinh lớp 9 ôn tập từ ngày 10-5 đến ngày 8-6, ngoài việc "ốp" các em học trên lớp, hằng ngày giáo viên chủ nhiệm nhắn tin qua sổ liên lạc điện tử về điểm kiểm tra, bài tập về nhà của học sinh để bố mẹ luôn cập nhật việc học tập của con mình, phối hợp cùng nhà trường đôn đốc, kèm cặp con ôn thi...
Những học sinh có học lực trung bình và yếu là nhóm đối tượng được các giáo viên quan tâm nhiều nhất. Tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên, sau ba tuần ôn tập đại trà, đến cuối tháng 5, nhà trường phân chia học sinh mỗi lớp thành hai nhóm theo sức học, để giáo viên có phương pháp hướng dẫn ôn tập phù hợp với trình độ của các em, nhất là bổ sung kiến thức cho các em sức học yếu.
Tuy nhiên, ngoài chương trình ôn tập tại trường, hầu như phụ huynh nào cũng cho con học thêm ở các lò luyện thi hoặc mời gia sư kèm thêm cho con ở nhà. Chị Hoàng Lan Anh, nhà ở phố Thái Hà, có con học lớp 9 Trường THCS Giảng Võ cho biết, cháu có sức học khá, tuy nhiên kết quả thất thường, lúc thấp, lúc cao, cho nên gia đình rất lo lắng. Ngoài các buổi ôn tập tại trường, một tuần bốn buổi gia đình chị còn mời thêm gia sư dạy kèm hai môn văn và toán cho cháu tại nhà. "Với sức học vào loại trung bình khá, cháu đăng ký vào trường THPT công lập thuộc tốp 2, tốp 3 cho vừa sức. Tuy nhiên, chỉ còn ít ngày nữa là thi rồi, nếu không phụ đạo cho cháu thì chắc không đủ điểm vào trường công lập".
Sở dĩ có tình trạng ôn luyện căng thẳng như vậy là vì chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập năm học này giảm gần 1.400 chỉ tiêu, chỉ đáp ứng được 67% nhu cầu của học sinh; khối các trường ngoài công lập cũng giảm hơn 2.700 chỉ tiêu. Mà tâm lý phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm học này đều muốn con đủ điểm vào trường công lập. Bởi về cơ bản các trường công lập đều có cơ sở vật chất và chất lượng dạy tốt, học phí không nhiều; trong khi những trường dân lập tốt thì có mức học phí cao, không phù hợp thu nhập của phần lớn các gia đình. Những trường dân lập còn lại và các trung tâm giáo dục thường xuyên có chất lượng dạy không bằng trường công.
Ðối với các em có sức học khá, đăng ký thi trường chuyên, áp lực học còn nặng hơn. Bởi những em học sinh này, ngoài việc ôn thi hai môn văn, toán, còn phải ôn thi môn chuyên và môn tiếng Anh. Anh Nguyễn Trí Hùng, nhà ở phố Trần Khát Chân có con học lớp 9 Trường THCS Ngô Sĩ Liên thi vào Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam cho biết, lịch học tập của con anh như sau: buổi sáng cháu học ở trường; buổi chiều học thêm văn, toán; buổi tối học tiếng Anh và môn thi chuyên. Về nhà, cháu lại tiếp tục học bài, làm bài tập đến 1, 2 giờ sáng. Vì học quá nhiều, cho nên lúc nào trông cháu cũng phờ phạc. Một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 Trường THCS Giảng Võ cho biết, nhiều em khi đến lớp mặt đờ đẫn, lăn ra ngủ suốt buổi học.
Phụ huynh cũng vất vả không kém
Ðiều đáng nói là không chỉ các con mệt mỏi, mà các vị phụ huynh cũng bơ phờ vì tất bật đưa đón con suốt ngày, sinh hoạt của cả gia đình cũng bị đảo lộn theo. Anh Hùng cho biết: "Trời nắng nóng, các cháu đi học chính, học thêm liên miên, toàn ở những địa điểm xa nhà, để cho cháu đi xe đạp, xe buýt thì không yên tâm, cho nên tôi thu xếp thời gian, công việc để đưa đón con". Khoảng 21 giờ, tại khu vực cổng các trung tâm luyện thi vào lớp 10 "có tiếng" ở Hà Nội như 72 Hàng Bông, Trường THPT Nguyễn Trãi ở phố Nam Cao, Trung tâm Học mãi ở khu Trung Hòa-Nhân Chính... có rất nhiều các vị phụ huynh chầu trực đón con.
Nhiều giáo viên có kinh nghiệm chấm thi vào lớp 10 cho biết, phụ huynh lo lắng cho con là hoàn toàn chính đáng, nhưng cho con đi học thêm quá nhiều là không cần thiết. Vì đề thi vào lớp 10 THPT hoàn toàn trong chương trình phổ thông, trọng tâm là chương trình lớp 9, xoay quanh những kiến thức cơ bản, không khó đến mức các em phải học ngày học đêm, học hết lò này sang lò khác. Học sinh chỉ cần ôn tập kỹ, đầy đủ, nắm vững chuẩn kiến thức, kỹ năng là có thể làm được. Học sinh trung bình có thể đạt từ 5 đến 7 điểm, học sinh khá đạt từ 7 đến 9 điểm. Phần câu hỏi nâng cao dành cho học sinh giỏi chỉ chiếm 1 điểm.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh nêu ý kiến, ngành giáo dục- đào tạo cần sớm có giải pháp để giảm áp lực kỳ thi vào lớp 10 cho học sinh, nhà trường và các gia đình, như xây thêm nhiều trường THPT công lập mới để tăng chỉ tiêu tuyển sinh, đồng thời nâng cao chất lượng hệ thống các trường dân lập, thu hẹp khoảng cách với trường công lập để mọi trẻ em đều được hưởng quyền bình đẳng trong giáo dục.
NGÂN GIANG
Học sinh các dân tộc thiểu số được tuyển thẳng vào THPT
Ðiểm mới trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2013-2014 là tuyển thẳng vào các trường THPT không chuyên học sinh thuộc hai nhóm đối tượng: Ðó là học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú đã tốt nghiệp THCS được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT của trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh là người dân tộc thiểu số, thuộc một trong các dân tộc sau: La Ha, La Hủ, Pà Thẻn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Ngái, Si La, Pú Péo, Brâu, Rơ Măm, Ơ Ðu, được tuyển thẳng vào trường THPT của khu vực tuyển sinh nơi học sinh đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi cư trú thực tế của học sinh.
Tin cần biết:
Nơi tra cứu Điểm thi tốt nghiệp THPT
Thông tin mới nhất về Tỷ lệ chọi 2013
Tin bài gốc: nhandan
Kenhtuyensinh
Theo: nhandan