>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015
Điểm chuẩn ĐH Dược Hà Nội không dưới 26
Đến chiều 8/8 đã có 158 trường công bố danh sách những thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường. Với bản danh sách này, thí sinh có thể theo dõi thường xuyên để biết mình đang được xếp thứ bao nhiêu nhằm cân nhắc việc rút hay để hồ sơ.
Điều này cũng làm cho phụ huynh, thí sinh đứng ngồi không yên khi lượng hồ sơ vào các trường hot ngày một nhiều, đẩy những thí sinh có điểm thấp hơn xuống top dưới.
![]() |
Thí sinh tham dự trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015 vừa qua. |
PGS TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội dự đoán: “Điểm chuẩn của trường khối ĐH năm nay có thể không dưới 26 điểm, khối cao đẳng trên 19,5 điểm”. Ông Hòa lý giải, còn 11 ngày để thí sinh nộp hồ sơ trong khi tính đến 17 giờ chiều ngày 8/8, nếu điểm chuẩn 25,75 thì trường đã thừa khoảng 13 chỉ tiêu.
Điểm chuẩn khối ĐH năm 2014 của trường là 23,5 thì mức điểm dự đoán này khá cao, tuy nhiên lãnh đạo trường này cho rằng không có gì bất ngờ bởi đề thi năm nay tạo điều kiện cho thí sinh khá, giỏi dễ đạt điểm cao.
Cũng theo ông Hòa: “Nhìn vào phổ điểm số thí sinh đạt điểm cao có khả năng trúng tuyển đa số là thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Những thí sinh này ở các tỉnh lẻ nhiều hơn Hà Nội, điều này cho thấy, với đề thi như năm vừa rồi thí sinh chỉ cần học tốt kiến thức trong chương trình không cần phải đi học thêm”, ông Hòa nói.
Năm nay, trường ĐH Dược Hà Nội tuyển 550 chỉ tiêu cho một ngành đào tạo duy nhất. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có khoảng gần 700 thí sinh nộp hồ sơ, đa số thí sinh có mức điểm 24 đến 29 điểm. Thí sinh điểm cao nhất đến thời điểm này nộp hồ sơ vào trường ĐH Dược Hà Nội đạt 29,5 điểm, thấp nhất là 16,75 điểm. Điều đáng nói, ở trường ĐH Dược đến thời điểm này chưa có thí sinh nào đến rút hồ sơ.
Trường và thí sinh cùng lo
Học viện Tài chính năm nay tuyển sinh 4.000 chỉ tiêu, đến thời điểm này mới có khoảng gần 1.500 chỉ tiêu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các mã ngành. Sau đợt công bố lần 1, trường chỉ có 5-6 thí sinh rút hồ sơ.
Đại diện trường này cho hay: “Thí sinh và phụ huynh đang quá lo lắng khi 23 điểm đăng ký vào ngành có điểm chuẩn thấp hơn năm trước 2 điểm vẫn cứ hỏi đi hỏi lại nhiều lần, liệu có đỗ không trong khi trường công bố điểm nhận hồ sơ là 17 điểm”.
“Bộ cho rằng, kỳ thi 2 trong 1 đã giảm áp lực cho thí sinh và xã hội, tôi lại thấy kỳ thi này khiến cho thí sinh căng thẳng từ đầu đến cuối. Những năm trước, thí sinh tự căn sức học của mình để đăng ký thi vào các trường. Nhờ đó, thi xong có thể thoải mái nghỉ ngơi chờ điểm thì năm nay khi có điểm thi thí sinh mới bắt đầu hành trình mệt mỏi canh điểm, rút-nộp hồ sơ. Trong cuộc đua đó, có thí sinh điểm cao chưa chắc đã đỗ”. PGS Văn Như Cương |
Đã tuyển sinh được một nửa chặng đường nhưng trường hot như ĐH Y Hà Nội đến thời điểm này vẫn chưa tuyển đủ thí sinh ở các mã ngành. Mã ngành có số thí sinh nộp vào nhiều nhất là đào tạo Bác sỹ đa khoa đến chiều ngày 9/8 mới có hơn 400 hồ sơ đăng ký trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 500.
Tình trạng này cũng tương tự ở các trường như ĐH Thủy lợi, ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Lâm nghiệp... Đặc biệt, các trường ngoài công lập đến thời điểm này vẫn chưa có cơ hội để tuyển sinh. Tuyển chưa đủ chỉ tiêu, các trường vẫn phải ở trong tình trạng chờ đợi trong khi đó thí sinh lại hoang mang, lo lắng cân nhắc việc rút hay không rút hồ sơ.
Nguyễn Thị Thu Thủy (Hà Tĩnh) có tổng điểm thi là 23 điểm, nộp hồ sơ vào một trường ĐH ở Hà Nội chia sẻ: “Từ ngày nộp hồ sơ, ngày nào em cũng phải ngồi canh mạng và lo đến mất ăn mất ngủ”. Bởi ban đầu có ít hồ sơ Thủy thuộc top giữa của trường, khi có càng nhiều hồ sơ nộp vào Thủy dần bị đẩy xuống top dưới. “Tuy nhiên chưa sát đáy chỉ tiêu nên em cũng đang cân nhắc vì rút đi rút lại rất mất thời gian và công sức”.
Thí sinh làm gì để có nhiều cơ hội đỗ đại học?
Thí sinh cân nhắc lựa chọn ngành, trường phù hợp để đảm bảo khả năng trúng tuyển cao nhất.
Với cách đăng ký xét tuyển như năm nay, vấn đề quan trọng nhất mà thí sinh cần phải cân nhắc khi đăng ký xét tuyển là gì? Thí sinh cần phải làm gì để đảm bảo khả năng trúng tuyển cao nhất?
Trả lời:
Điểm đầu tiên thí sinh cần cân nhắc là lựa chọn ngành, trường phù hợp để đảm bảo khả năng trúng tuyển cao nhất.
Căn cứ kết quả thi của mình, thí sinh có thể tham khảo điểm trúng tuyển vào các ngành của trường ở những năm trước để quyết định chọn trường, ngành phù hợp.
Hiện nay, hơn 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước, một ngành chuyên môn có thể đào tạo ở nhiều trường với mức điểm xét tuyển rất khác nhau, nên thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn được ngành yêu thích của mình.
Điểm thứ hai mà thí sinh cần phải cân nhắc là khi đưa ra quyết định rút hồ sơ để nộp vào trường khác hay quyết tâm “bám trụ“, nhất là khi điểm thi của mình không thực sự vượt trội trong số thí sinh cùng đăng ký vào ngành.
Nếu thí sinh có thể chọn được nhiều ngành phù hợp nguyện vọng của mình trong một trường sẽ dễ dàng hơn trong quyết định “rút“ hồ sơ hay “bám trụ“ và cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ lớn hơn rất nhiều.
Theo Tấm Gương, tin gốc: http://www.tamguong.vn/hoc/702031/tuyen-sinh-dh-cd--ho-so-nop-nhieu-rut-it-tgp.html