Hồ sơ đổ về trường tốp

Sáng 3.8, mặc dù trời mưa khá to do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, tuy nhiên, tại một số trường ĐH tốp trên ở Hà Nội thí sinh đến nộp hồ sơ vẫn rất đông. Hai bố con em Nguyễn Thanh Phương (Lang Sơn, Hạ Hòa, Phú Thọ) đã có mặt tại phòng thu hồ sơ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân từ 7 giờ sáng để chờ nộp hồ sơ. Phương cho biết, hai bố con em xuống từ chiều qua, vào nhà người quen ngủ nhờ để chờ sáng hôm sau đến trường xét tuyển. “Em được 24,5 điểm thi THPT quốc gia định xét tuyển vào ngành kinh tế. Nhà cũng ở khu vực vùng sâu vùng xa, muốn vào mạng đăng ký cũng phải đi hơn 10km mà hôm đầu đăng ký mãi không được, mạng không ổn định. Vì vậy, hai bố con quyết định xuống Hà Nội 1 chuyến, thăm người quen, thăm trường và nộp hồ sơ. Em cũng sợ cảnh nộp ồ ạt vào trường này những ngày cuối như năm trước” – Phương cho biết.

Tuyển sinh ĐH CĐ 2016: Vẫn “nóng” ở khối trường tốp trênRất nhiều thí sinh đến tận trường nộp hồ sơ cho yên tâm. Ảnh chụp  tại Trường đại học Công nghiệp Hà Nội ngày 2.8.   ảnh:  Hồng Phú

Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân, ông Bùi Đức Triệu cho biết, từ ngày đầu tiên nộp hồ sơ đến nay đã có khoảng hơn 500 em nộp hồ sơ, thí sinh đến trường tìm hiểu thông tin xét tuyển và nhờ tư vấn chọn ngành, chọn trường khá đông. Lý giải việc thí sinh không thích đăng ký trực tuyến mà lựa chọn hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, ông Triệu cho rằng: “Phần lớn là do tâm lý của phụ huynh và người nhà, họ muốn đến trực tiếp để được tư vấn và hỏi han thêm cho chắc chứ việc đăng ký trực tuyến không có gì khó khăn cả”.

PGS – TS Trần Văn Nghĩa- Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GDĐT khuyến cáo thí sinh không nên dựa vào số lượng hồ sơ xét tuyển công bố của các trường để nộp mà phải căn cứ vào phổ điểm năm nay và điểm chuẩn của trường, của ngành năm ngoái. Đối với các trường, Bộ GDĐT không hề khóa dữ liệu tuyển sinh. Các trường có thể truy cập để cập nhật lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường mỗi ngày.

 

Tại Trường ĐH Bách khoa, lượng thí sinh đến làm thủ tục xét tuyển ngày thứ 3 vẫn khá đông. Hiện đã có khoảng 3.000 hồ sơ nộp trực tiếp tại trường này. Theo ông Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, thí sinh vẫn mắc phải một số lỗi quan trọng như: Nhập mã ngành không đúng, nộp nhiều hơn 1 phiếu đăng ký xét tuyển và điểm không đủ sàn của các nhóm ngành khác nhau. “Nhóm các trường thuộc GX có những quy định riêng về việc xét tuyển, tuy nhiên nhiều thí sinh vẫn chưa rõ các quy định này nên bị nhầm lẫn hoặc thiếu sót. Trường đã phải tư vấn nhiều cho các em”.

Tại khu vực phía Nam, một số trường tốp trên cũng nhận được lượng hồ sơ ban đầu tương đối lớn như: ĐH Sư phạm TP.HCM là gần 2.000 hồ sơ, Trường ĐH Công thương TP.HCM khoảng trên 1.500 hồ sơ…

Cân nhắc cho kỹ

Tổng số hồ sơ nộp vào các trường là một trong những yếu tố được thí sinh quan tâm nhiều nhất để “dự báo” khả năng đỗ, trượt và tỷ lệ chọi của mình là bao nhiêu. Tuy nhiên, một số trường ĐH khá e dè trong việc cung cấp và công khai những con số này.

Tại Trường ĐH Sài Gòn, TS Mỵ Giang Sơn -  Trưởng phòng Đào tạo thẳng thắn bày tỏ: “Trường không thể thông tin cho báo chí về lượng hồ sơ xét tuyển, vì theo quy định dữ liệu xét tuyển không thể thông tin ra ngoài. Lượng hồ sơ nhiều hay ít, đối với các trường là những thông tin nhạy cảm”. Một số trường khác cũng khá lưỡng lự về việc cung cấp lượng hồ sơ xét tuyển nên chỉ cho biết về lượng hồ sơ của thí sinh  nộp trực tiếp tại trường, còn lượng thí sinh đăng ký trực tuyến không cung cấp.

Theo ông Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM: “Trong những ngày đầu, có nhiều em còn lăn tăn chọn lựa nên những thông tin chung về lượng hồ sơ xét tuyển có thể giúp các em an tâm, tránh tình trạng dự đoán lung tung mà chọn lựa sai lầm”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS – TS Trần Văn  Nghĩa- Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) khẳng định, các trường không vi phạm quy chế tuyển sinh khi công khai lượng hồ sơ xét tuyển, nhưng phải cân nhắc. Việc này không quy định trong quy chế tuyển sinh năm 2016 nhưng phải xem việc công bố là có lợi hay hại cho thí sinh. Nếu đưa lên, thí sinh cứ chờ đợi đến ngày cuối cùng mới nộp hồ sơ thì có thể gây nên tình trạng hỗn loạn. Mặt khác, nếu lượng hồ sơ vượt lên 100% hay 200% thì cũng không thể biết được trượt hay đỗ, vì đấy là thông tin ảo, cứ tưởng như vậy nhưng thật ra không phải như vậy. Đề nghị các trường cân nhắc. /.

12 trường miễn phí xét tuyển cho thí sinh “vùng cá chết”

Thông tin từ các trường thuộc nhóm GX vừa cho biết, nhóm trường này quyết định miễn toàn bộ lệ phí đăng ký xét tuyển ĐH năm 2016 cho các thí sinh đến từ 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Cụ thể, mức phí đăng ký xét tuyển được miễn là 30.000 đồng nếu đăng ký xét tuyển vào 1 trường và từ 2 trường trở lên là 60.000 đồng.

Các trường nhóm GX bao gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mỏ-Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, Học viện Ngân hàng, ĐH Thăng Long và Học viện Chính sách và Phát triển.

 


Theo Dân Việt, nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/tuyen-sinh-dh-cd-2016-van-nong-o-khoi-truong-top-tren-698603.html