Tuyển sinh đầu cấp tại TPHCM: Đảm bảo đủ chỗ học

Siết trái tuyến từ KT3, hộ khẩu

Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của quận Tân Bình công bố vừa qua, năm học 2016 - 2017 tới quận sẽ có gần 5.200 trẻ vào lớp Lá, khoảng 5.500 trẻ vào lớp 1 và hơn 6.000 HS vào lớp 6. Quận yêu cầu trong nửa đầu tháng 6 này, tất cả các trường phải thông báo kế hoạch tuyển sinh cụ thể để phụ huynh nắm rõ. Và các trường sẽ bắt đầu nhận hồ sơ từ đầu tháng 7 và công bố kết quả vào cuối tháng 7.

Điểm mới trong năm học này, quận có đến 8 trường mầm non nhận trẻ 6 - 18 tháng tuổi theo lộ trình thực hiện của UBND TPHCM (tăng thêm 5 trường so với năm ngoái). Cụ thể các trường: Mầm non quận 6, 9, 11, 13, 14, Tuổi Xanh, Bàu Cát. Đồng thời sẽ có ba trường tiểu học triển khai chương trình dạy và học các môn khoa học bằng tiếng anh, gồm: Đống Đa, Lê Văn Sỹ, Trần Quốc Tuấn. Mỗi trường có hai lớp 1 theo nhu cầu tự nguyện của phụ huynh HS và không khảo sát đầu vào.

Vì là quận có đông HS nên để đảm bảo đủ chỗ học cho con em, kể cả diện tạm trú, quận tuyệt đối không nhận HS trái tuyến ngoài quận. Trong hồ sơ phải có bản sao hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hợp lệ (nếu không có sổ tạm trú thì phải có xác nhận của công an phường chứng minh thuộc diện tạm trú tại địa phương).

Còn tại quận 5, theo kế hoạch tuyển sinh cho năm học mới, quận có gần 8.000 HS sẽ được huy động vào các lớp 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6. Quận chủ trương sẽ đảm bảo đầy đủ chỗ học cho các em trên địa bàn và thực hiện phân tuyến trên nguyên tắc tạo điều kiện cho HS đi học gần nơi cư trú nhất. Để thực hiện được điều đó, quận 5 đưa ra mốc thời gian đối với HS có hộ khẩu tập thể, mới chuyển hộ khẩu hoặc KT3 chỉ tính từ tháng 1/2016 trở về trước. Còn sau đó, Ban chỉ đạo tuyển sinh của quận sẽ xem xét phân bổ trường học tùy tình hình cụ thể.

Giải thích quy định này, theo một cán bộ tuyển sinh của Phòng GD&ĐT, quận lấy mốc thời gian đó để tránh tình trạng chạy trường vì trước đây quận đã từng xảy ra sự việc một nhóm HS có cùng địa chỉ hộ khẩu tập thể. Sau khi nhờ công an xác minh mới biết họ không có quan hệ bà con gì với chủ hộ, khiến công tác tuyển sinh của các trường gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, hầu như năm nào quận 1 cũng quy định HS diện hộ khẩu tập thể hoặc mới nhập khẩu (KT3) thường phải cách thời điểm tuyển sinh một năm, tính từ tháng 5 của năm trước để làm căn cứ tuyển sinh cho năm học mới. Và diện này khi nộp hồ sơ còn phải kèm theo hộ khẩu gốc đối chiếu để hạn chế tình trạng “chạy trường” xảy ra và phải chịu phân tuyến tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Đa dạng cách xét tuyển vào lớp 6

Hai năm nay, từ việc đổi mới cách đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT nên kéo theo việc tuyển sinh vào lớp 6 ở các quận, huyện cũng thay đổi. Tùy theo điều kiện mỗi quận, huyện để đề ra cách tuyển sinh vào lớp 6 khác nhau.

Như Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10 là một trong rất ít trường THCS trong quận tổ chức xét tuyển HS lớp 6 nên hầu như năm nào cũng thu hút số lượng phụ huynh nộp hồ sơ vào rất đông. Do đó, tiêu chí tuyển đầu vào cho lớp 6 của trường cũng khá cao.

Theo TS Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng nhà trường, năm học tới, trường chỉ tuyển 175 HS vào lớp 6. Điều kiện là phải có hộ khẩu hoặc KT3 tại quận 10, từ lớp 1 - 3 là HS giỏi, điểm kiểm tra học kỳ II lớp 4 cho hai môn Tiếng Việt và Toán ít nhất là 9 điểm/môn, tổng điểm cuối kỳ II lớp 5 của hai môn Toán và Tiếng Việt là 20 điểm. Ngoài ra, trường ưu tiên các HS có thành tích cao về ngoại ngữ, thể dục thể thao....

Ở quận 1, hầu như tất cả các trường THCS trên địa bàn đều thực hiện tuyển sinh lớp 6 theo cả hai hình thức: Dựa vào phân tuyến và xét tuyển cho HS trong địa bàn quận để đáp ứng cho nhu cầu của phụ huynh HS được vào lớp 6 theo nguyện vọng. Tiêu chí để các trường xét tuyển là căn cứ vào quá trình học của các em suốt 5 năm ở tiểu học cả trước và sau khi áp dụng đổi mới đánh giá HS theo Thông tư 30; tổng điểm cuối kỳ II của hai môn Toán và Tiếng Việt, trung bình 19 - 20 điểm. Để đảm bảo đầu vào cho các trường, quận cũng phân bổ rõ ràng những HS ở phường nào, có hộ khẩu quận nào sẽ được ưu tiên xét tuyển hoặc phân tuyến vào trường THCS nào.

Trong khi đó tại quận 7, chỉ có một trường THCS Nguyễn Hữu Thọ là có xét tuyển vào lớp 6 nhưng cũng chỉ 50% chỉ tiêu (tổng là 480 em), còn lại vẫn nhận phân tuyến theo địa bàn. HS ngoài những địa bàn đó sẽ được trường tiểu học trực thuộc quận quản lý chọn 10% tổng số học sinh mỗi trường theo thứ tự: HS giỏi các năm, điểm kiểm tra định kì cuối học kỳ II môn Tiếng Việt, Toán đạt 10 điểm mỗi môn và ưu tiên HS có các danh hiệu cấp quốc gia. Theo chủ trương của quận, cách làm này sẽ tạo điều kiện cho những HS giỏi và nhà trường đầu tư nâng cao chất lượng hơn.

Tại quận 5 lại khác, quận chỉ thực hiện xét tuyển vào lớp 6 đối với HS của các Trường Tiểu học Minh Đạo, Chính Nghĩa nhưng có hộ khẩu ngoài quận 5. Số HS này được phân bổ về Trường THCS Hồng Bàng trên cơ sở xét điểm cuối học kỳ II hai môn Tiếng Việt và Toán, lấy từ cao xuống đến khi đủ chỉ tiêu. Số HS còn lại sẽ được phân bổ về Trường THCS Mạch Kiếm Hùng.

Ngược lại với các quận nội thành, đối với những địa bàn đông dân cư như quận Tân Phú, Tân Bình... lại bỏ việc xét tuyển 20% trong tổng số HS lớp 5 vào các trường THCS theo nguyện vọng. Thay vào đó, 100% HS hoàn thành chương trình tiểu học sẽ được phân tuyến vào các trường THCS theo địa bàn trong một đợt duy nhất.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Sở đã chỉ đạo các quận, huyện tuyển sinh đầu cấp phải đảm bảo nguyên tắc đủ chỗ học cho con em nhân dân TP, đặc biệt là con em gia đình chính sách, công nhân.... Công tác tuyển sinh 2016 phải đảm bảo nghiêm túc, minh bạch, công bằng, đánh giá đúng trình độ người học, phản ánh đúng chất lượng dạy và học.

Nhân viên làm công tác tuyển sinh hướng dẫn tận tình, giao tiếp cởi mở và văn minh. Các trường tuyệt đối không kết hợp tuyển sinh với kêu gọi, vận động đóng góp từ phụ huynh; hạn chế tối đa bán hồ sơ tuyển sinh. Đối với các trường điểm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chen lấn, xếp hàng từ đêm làm mất lòng dân.

 

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dau-cap-tai-tphcm-dam-bao-du-cho-hoc-1923626-b.html