Ngay khi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016, thí sinh đã phải sẵn sàng cho “công cuộc” chọn trường, chọn ngành. Vào Đại học Y, đặc biệt là Đại học y Hà Nội là niềm mơ ước của nhiều thí sinh trên cả nước. Năm nay, công tác tuyển sinh của nhà trường có nhiều điểm mới. VOV.VN phỏng vấn GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội về công tác tuyển sinh năm 2016.

PV: Thưa ông, được biết, lúc đầu Đại học Y Hà Nội đăng ký tham gia tuyển sinh theo nhóm trường, nhưng sau đó lại không tham gia nữa. Ông có thể nói rõ lý do vì sao ạ?

GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Ban đầu, Đại học Bách khoa mời tham gia thì chúng tôi cũng cân nhắc, nhưng sau đó chúng tôi thấy rằng các trường trong nhóm không thuộc khối ngành y nên việc chuyển trường không phổ biến và có thể gây rối cho thí sinh. Theo chúng tôi, nếu các trường Đại học y thống nhất được, xin hình thành một khối trường trong tuyển sinh thì tốt hơn. Ví dụ, thí sinh không vào được trường y này thì có thể vào các trường y khác có đầu vào thấp hơn…như vậy thì việc thành lập nhóm sẽ có hiệu quả và thêm nhiều cơ hội hơn cho thí sinh.

PV: Năm nay cơ hội vào Đại học Y Hà Nội sẽ mở rộng hơn với nhiều thí sinh khi trường chính thức tuyển sinh vào Phân hiệu ở Thanh Hóa. Ông có thể cho biết, cách thức tuyển sinh ra sao?

GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Cơ sở tại Thanh Hóa là phân hiệu của ĐHY Hà Nội đã được xây dựng trong hơn 5 năm qua; là năm đầu tiên hoạt động trường chỉ tuyển sinh 100 chỉ tiêu bác sĩ đa khoa, để tập trung đảm bảo chất lượng. Các tiêu chí tuyển sinh cũng tương tự như với đại học Y Hà Nội.

Cơ sở vật chất tại Phân hiệu  mới, điều kiện học tập đầy đủ, phong phú, nguồn lực giảng viên hoàn toàn là của ĐH Y Hà Nội, nhưng vì tổ chức đào tạo ở ngoài Hà Nội nên trong những năm đầu tiên này trường đã đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép lấy điểm chuẩn của Phân hiệu bằng hoặc thấp hơn điểm chuẩn đại học Y Hà Nội tại cơ sở chính và tối đa có thể thấp tới 3 điểm.

Tuyển sinh Đại học 2016: Vào Đại học Y Hà Nội có khó không?

Vào Đại học y Hà Nội là niềm mơ ước của nhiều thí sinh trên cả nước.

PV: Theo qui định của Bộ GD-ĐT, năm nay thí sinh được đăng ký đồng thời 2 nguyện vọng. Với kinh nghiệm làm tuyển sinh lâu năm, ông thấy cách làm này có tránh được tình trạng như “chơi chứng khoán” của năm trước không?

GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Năm nay, thí sinh được chọn vào 2 trường đồng thời nên sẽ giảm được tình trạng thí sinh phải lo rút hồ sơ kịp thời gian như năm trước nhưng có nguy cơ ảo đối với các ngành ít hấp dẫn tăng lên. Chúng tôi cũng chuẩn bị tình huống thí sinh ảo, với ngành y đa khoa, răng hàm mặt…thì ảo sẽ gần như không có, thí sinh thường đăng ký vào đó như là lựa chọn số một, khi chốt đợt xét tuyển thì đỗ. Nhưng với các ngành khác ít hấp dẫn hơn thí sinh thường cũng sẽ đồng thời đăng ký vào các trường khác. Chỉ khi thí sinh rút hồ sơ vì đỗ các trường khác thì chúng tôi mới biết là ảo bao nhiêu.

PV: Năm nay, các trường đại học sẽ tăng cường lực lượng về các cụm thi để coi thi. Theo ông, cách làm này có giúp tăng cường sự công bằng thi cử?

GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Qua 2 năm được BGD phân công phối hợp coi thi với trường ĐH Hồng Đức tại Thanh Hóa, tôi xác nhận công tác coi thi được thực hiện tốt, đảm bảo an toàn và công bằng dù trong kỹ thi vẫn xảy ra các hiện tượng vi phạm quy chế thi, nhưng đều được phát hiện và xử lý nghiêm túc. Theo tôi vai trò giám sát và phối hợp của các trường đại học là hết sức quan trọng. Việc tăng cường lực lượng của các trường đại học về các cụm địa phương để coi thi là rất cần thiết.

PV: Nếu cần có sự bổ xung, tăng cường hoặc tiếp tục thay đổi để kỳ thi PTTH quốc gia hoàn thiện hơn. Theo ông đó là khâu nào?

GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Theo tôi khâu chấm thi và khâu phúc tra nên tổ chức một cách tập trung ở hội đồng của một số trường đại học từ nhiều cụm thi khác nhau, hạn chế tối đa để mỗi trường chấm thi cho một cụm thi.

PV: Xin cảm ơn ông!


Điểm thi tốt nghiệp 2016


Theo VOV, nguồn: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-2016-vao-dai-hoc-y-ha-noi-co-kho-khong-530921.vov