>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015


PGS.TS. Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Sau khi công bố kết quả thi, cụm thi sẽ in giấy chứng nhận kết quả thi chuyển về điểm đăng ký dự thi để thực hiện xét tuyển. Mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó chỉ 1 giấy xét NV1.

Riêng NV1, thí sinh chỉ nộp vào 1 trường và đăng ký tối đa 4 ngành theo thứ tự ưu tiên. Trong 20 ngày, từ 1 – 20/8, thí sinh có quyền rút hồ sơ để điều chỉnh nguyện vọng đã nộp. Bộ yêu cầu 3 ngày 1 lần các trường phải công bố danh sách thí sinh xét tuyển theo thứ tự điểm số để thí sinh tham khảo.

Tuy nhiên, với quy định này, nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn về khả năng “hên xui” khi nộp hồ sơ vào nguyện vọng 1 và sẽ rất khó khăn cho các em tra cứu, tham khảo trên mạng của trường để có quyết định sáng suốt nhất

Làm sao để biết vị trí của thí sinh trong danh sách?

Thầy giáo Phan Huy Chính, Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng: Vướng mắc của học sinh hiện nay là nộp hồ sơ vào trường nào? Làm thế nào để các em biết được thông tin mình có khả năng đỗ vào trường đó không?

Theo thầy Chính, các thí sinh cần được biết chỉ tiêu tuyển sinh của trường, ví dụ như Đại học A chỉ tiêu là bao nhiêu, đến thời điểm này bao nhiêu hồ sơ đã nộp vào? Điểm thấp nhất và cao nhất đã nộp vào là bao nhiêu?

Đấy là những điều học sinh băn khoăn và làm thế nào để biết được những thông tin đó. Nếu biết được cụ thể thông tin, các em sẽ chuyển hồ sơ từ Đại học A sang một trường khác. Nếu ở trường A các em trượt thì sang một trường nào đó sẽ đỗ.

“Đây là điều phụ huynh và học sinh cần được giải mã. Chính bản thân tôi có con và cũng đang băn khoăn về vấn đề đó” – thầy Chính chia sẻ.

Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, cứ 3 ngày 1 lần các trường phải công bố danh sách thí sinh xét tuyển theo thứ tự điểm số để thí sinh tham khảo. Tuy nhiên, nhà giáo Phan Huy Chính cho rằng liệu vấn đề mạng có thông suốt hay không, hay lại “phập phù” như hôm Bộ GD-ĐT công bố điểm thi.

Ông Phan Huy Chính băn khoăn: “Ở thành phố có thể mạng chạy tốt, nhưng ở vùng sâu vùng xa sẽ như thế nào? Theo tôi, nếu làm được tốt, thì thông tin tuyển sinh của các trường làm sao có thể thông báo một cách công khai. Ngay bản thân tôi cũng phải tìm xem có ai đó để nhờ xem đến thời điểm này có bao nhiêu hồ sơ nộp vào trường mà con mình nộp. Tôi còn thấy khó như thế thì sẽ có rất nhiều phụ huynh băn khoăn như tôi”.

Lo lắng khả năng nghẽn mạng

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, việc các trường công bố danh sách thí sinh xét tuyển theo quy định có thể dẫn đến tình trạng có quá nhiều thí sinh cùng truy cập vào trang web cùng lúc sẽ dẫn đến tình trạng nghẽn mạng.

Theo đó, nghẽn mạng giờ nào sẽ thiệt cho các em giờ đó vì các thí sinh sẽ phải chạy đua với thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu có nên bảo lưu hay rút hồ sơ để nộp vào trường khác. Đặc biệt, càng vào những ngày cuối của đợt xét tuyển, lượng truy cập dự đoán là sẽ tăng vọt so với những ngày đầu.

Không những thế, các trường cũng gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin 3 ngày/lần lên hệ thống. Lúc đó thí sinh sẽ không thể kiểm tra vị trí của mình trong hệ thống, nên không thể chủ động rút hồ sơ, dẫn đến tình trạng dễ bị trượt ở nguyện vọng 1.

PGS.TS. Trần Văn Nghĩa cho biết, 4 nguyện vọng trong đợt 1 xét bình đẳng, nếu rớt NV1 mà chuyển xuống ngành NV2, thí sinh vẫn sẽ được xét bình đẳng với thí sinh nộp vào ngành này theo NV1. Như vậy, càng có điểm cao, thí sinh càng có nhiều cơ hội trúng tuyển.

“Thí sinh cần lưu ý, nếu đã trúng tuyển một ngành sẽ không được tham gia xét ngành tiếp theo. Còn khi xét tuyển bổ sung, thí sinh được nhận 3 giấy chứng nhận kết quả thi để nộp cùng lúc và mỗi trường được tối đa 4 ngành, có nghĩa sẽ có tối đa 12 nguyện vọng. Tuy nhiên, ở đợt bổ sung này, nếu đã nộp hồ sơ, thí sinh không được rút ra để nộp lại trong thời gian xét tuyển” – ông Trần Văn Nghĩa nói

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, chiều nay (28/7), Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015 sẽ họp để đưa ra ngưỡng xét tuyển đầu vào tuyển sinh năm 2015.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm nay tuy có rất nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau do các trường quy định nhưng theo quy chế tuyển sinh, các trường phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo các tổ hợp truyền thống.

Những tổ hợp mới chỉ chiếm 25% chỉ tiêu. Hội đồng sẽ thảo luận việc đưa ra nguyên tắc xác định ngưỡng điểm xét tuyển đơn giản, phù hợp nhất để các trường dễ áp dụng chung cho tất cả các tổ hợp xét tuyển của trường mình.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm nay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào liên quan chủ yếu đến việc xét tuyển và chỉ tiêu của những trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia./.

Theo VOV.vn, tin gốc: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-2015-lo-lang-ve-kha-nang-truot-nguyen-vong-1-417770.vov