Những năm tuyển sinh gần đây, các thí sinh có nhiều cơ hội hơn bởi các trường Đại học sử dụng nhiều phương án xét tuyển, ngoài kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết những năm gần đây hầu hết các trường ĐH đều sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển, giúp TS linh động hơn trong việc xét tuyển. Do vậy TS đừng bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội nào. Trong đó xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực cũng là một trong những phương thức được nhiều trường sử dụng.
“Chúng ta nên xóa định kiến rằng chỉ có học sinh giỏi và xuất sắc mới tham gia thi kỳ thi đánh giá năng lực. Thực tế đây là kỳ thi chung cho tất cả TS có nhu cầu, điều này cũng giúp các em có thêm cơ hội khi đăng ký xét tuyển”, thạc sĩ Trần Mạnh Thái nói.
Tương tự, thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lưu ý TS hằng năm kỳ thi năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức vào tháng 3 và tháng 7. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh, năm trước chỉ tổ chức được vào tháng 3 nên nhiều em chưa kịp đăng ký thi trong đợt đầu. Do đó TS nên đăng ký thi sớm vì đây là kỳ thi được rất nhiều trường đại học dùng để xét tuyển.
Xét tuyển bằng học bạ cũng là một trong những phương thức ngày càng phổ biến. Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho hay mỗi trường sẽ có thời điểm nhận hồ sơ khác nhau, do vậy các em nên theo dõi thông tin ở những trường mình muốn xét tuyển để chủ động nộp hồ sơ. Ông cũng cho rằng TS, phụ huynh cần xóa bỏ định kiến “chỉ có trúng tuyển bằng kỳ thi THPT mới danh giá”, vì trúng tuyển bằng hình thức nào cũng giống nhau, khi đậu vào sinh viên sẽ được đào tạo giống nhau.
Còn thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, lưu ý TS dễ bị rối trong việc xét tuyển, do vậy các em cần lưu ý những quy định riêng của các trường khi xét tuyển bằng phương thức học bạ.
Thí sinh nên tận dụng tối đa các phương án xét tuyển để nâng cao tỷ lệ trúng tuyển
Ngoài ra, chia sẻ tại chương trình, các chuyên gia cho biết hằng năm các trường đều có thêm những ngành mới.
Theo thạc sĩ Trần Mạnh Thái, sắp tới những ngành mang tính chất ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học, khoa học sức khỏe… sẽ được mở rộng. Ngoài ra, trong năm qua ngành được nhiều trường mở là luật vì nhu cầu nhân lực lớn.
Thạc sĩ Trần Hải Nam cho biết năm nay Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tuyển sinh 59 ngành ở tất cả các lĩnh vực, từ sức khỏe, khoa học kỹ thuật, ngôn ngữ, kiến trúc, mỹ thuật… Trong đó trường có tới 9 ngành học mới thuộc nhóm ngành kinh tế - quản trị, sinh học - môi trường - nông lâm, truyền thông - nghệ thuật… Đây đều là những ngành có nhu cầu nhân lực rất cao trong xu thế hiện nay.
Còn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ có thêm ngành mới là giáo dục mầm non, quản lý bệnh viện. Thạc sĩ Hồ Thanh Tình cho biết để vào học giáo dục mầm non phải đáp ứng yêu cầu năng khiếu. Trường có sử dụng kết quả thi năng khiếu ở trường khác để xét tuyển nhưng TS vẫn nên ưau tiên thi trực tiếp tại trường. Ngoài ra còn nhiều ngành kiến trúc, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang… cũng cần môn năng khiếu. TS có thể thi trực tiếp tại trường hoặc sử dụng kết quả thi từ trường khác.
> Tuyển sinh 2022: Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân sẽ tuyển 6.100 sinh viên
> Bộ GD&ĐT: Định hướng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022
Theo Thanh Niên