Trong kỳ tuyển sinh 2021, nhiều trường đã công bố điểm chuẩn dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, có nhiều ngành điểm chuẩn tăng lên đến 8-9 điểm.
Điểm chuẩn năm 2021 của một số ngành tăng mạnh
Khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi và phổ điểm thi các môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nhiều chuyên gia tuyển sinh, giáo viên đều chung nhận định điểm chuẩn sẽ tăng mạnh ở các ngành xét tuyển khối thi có môn Tiếng Anh.
Thực tế, điểm trúng tuyển đợt 1 của các trường như Học viện Chính sách & Phát triển, ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội đã vượt ngoài dự đoán của nhiều người. Nhiều ngành ở các trường này có điểm trúng tuyển tăng đột biến lên 9 điểm so với năm ngoái.
Các khối có môn Tiếng Anh điểm chuẩn tăng cao
Năm 2021, ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là một trong những trường "nhảy vọt" về điểm trúng tuyển. Các ngành có điểm chuẩn tăng đều có tổ hợp xét tuyển liên quan Tiếng Anh như A01, D01, một số ngành thêm D15.
Trong đó, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, xét tuyển theo tổ hợp A00, A01, C00, D01, tăng đến 9 điểm, từ 16 điểm năm 2020 lên 25 điểm năm 2021. Ngành Marketing cũng có mức tăng tương đương, từ 17 lên 26 điểm. Tương tự, ngành Ngôn ngữ Anh tăng 9 điểm, từ 15 lên 24.
Bảy ngành khác tăng hơn 8 điểm là Quản trị Kinh doanh (tăng 8,75 điểm, từ 17 lên 25,75); Quản trị khách sạn (tăng 8,5 điểm, từ 16 lên 24,5); Kế toán, Quản trị Dịch vụ du lịch & lữ hành (tăng 8,25 điểm, từ 16 lên 24,25); Bất động sản (từ 15 lên 23 điểm); Luật, Công nghệ thông tin (16 lên 24 điểm).
Ngoài ra, năm ngoái, nếu chỉ tính các ngành đào tạo tại Hà Nội, tất cả ngành học đều lấy điểm chuẩn từ 17 trở xuống. Năm nay, 10/23 ngành có điểm trúng tuyển từ 23 trở lên và cả 10 ngành đều tăng từ 8 điểm trở lên so với năm ngoái.
Ở các ngành còn lại, tính cả phân hiệu Thanh Hóa, trừ ngành Quản lý đất đai lấy 19,5 điểm (tăng 4,5 điểm so với năm 2020). Những ngành khác có điểm chuẩn 15, tương đương điểm trúng tuyển năm ngoái.
Học viện Chính sách và Phát triển cũng có điểm chuẩn tăng mạnh ở các ngành xét tuyển theo hai tổ hợp bao gồm môn Tiếng Anh như A01 và D01.
Trong đó, 3 ngành tăng từ 5 điểm trở lên, gồm Kinh tế phát triển (tăng 5,85), Quản lý Nhà nước (tăng 5,75), Luật kinh tế (tăng 5 điểm). Hai ngành khác có mức tăng lớn là Kinh tế (tăng 4,95 điểm), Kế toán (tăng 4,8 điểm). Trường không có ngành nào lấy điểm chuẩn thấp hơn năm ngoái.
Học viện Cảnh sát Nhân dân cũng nâng điểm trúng tuyển đối với thí sinh nam xét tuyển ngành Nghiệp vụ cảnh sát theo tổ hợp D01 lên mức cao so với năm ngoái.
Năm 2020, điểm chuẩn theo tổ hợp này đối với thí sinh nam là 19,61 điểm. Năm nay, điểm trúng tuyển có sự phân chia theo địa bàn. Trong đó, địa bàn một là 26,54 điểm, địa bàn hai là 26,39 điểm, địa bàn ba là 26,43 điểm, tức tăng 6,78-6,93 điểm.
Tương tự, tại ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn khối D01 của ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tăng gần 8 điểm, từ 16,7 (năm 2020) lên 23,95 điểm (năm 2021).
Có thí sinh 26 điểm vẫn trượt cả 15 nguyện vọng
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa học ở Hà Nội, cho rằng năm 2021, điểm chuẩn của nhiều ngành xét tuyển theo tổ hợp có môn Tiếng Anh tăng phi mã. Năm ngoái, nhiều trường đã ở mức điểm cao kỷ lục, năm nay còn tăng thêm.
Thậm chí, có những năm, thí sinh đạt mức điểm đó đã là thủ khoa của trường. Năm 2021, cùng mức điểm như vậy, thí sinh vẫn trượt. Thầy giáo này cho rằng điểm chuẩn nhiều ngành tăng xuất phát từ việc đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh chưa phân loại tốt, điểm thi cao.
Bên cạnh việc tăng điểm trúng tuyển cao hơn 4-9 điểm so với năm ngoái, điều này dẫn trường hợp có những trường tuyển sinh hàng nghìn sinh viên mà điểm chuẩn ngành thấp nhất cũng gần 27 điểm.
“Rất nhiều thí sinh bị dồn vào khoảng điểm rất hẹp. Đôi khi, yếu tố quyết định đỗ hay trượt chỉ là may rủi chứ không phải năng lực thực sự của thí sinh”, thầy Ngọc nhận định.
Điểm chuẩn tăng cao dẫn đến thí sinh khó dự đoán để sắp xếp, đặt nguyện vọng cho phù hợp. Thầy Vũ Khắc Ngọc thông tin có trường hợp đạt điểm xét tuyển gần 26 nhưng vẫn trượt 15 nguyện vọng do không lường trước được mức tăng của điểm chuẩn năm nay so với năm ngoái.
Điểm Tiếng Anh cao không chỉ kéo theo sự bùng nổ điểm chuẩn mà còn gây thiệt thòi cho những thí sinh xét tuyển bằng khối A00 so với thí sinh xét tuyển khối A01, D01, D07 khi đăng ký vào cùng một ngành của một trường.
Nếu năm sau, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn được sử dụng để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, thầy Ngọc mong muốn Bộ GD&ĐT tính toán lại độ phân hóa đề thi để đảm bảo được cả hai nhiệm vụ.
Tương tự, đã dự báo điểm chuẩn sẽ tăng, nhất là các ngành xét tuyển có môn Tiếng Anh nhưng thầy Đỗ Ngọc Hà, giáo viên Vật lý của Hệ thống Học Mãi (Hà Nội), vẫn không nghĩ có nhiều ngành điểm chuẩn “vọt” lên đến 8, 9 điểm. Thầy Hà gọi đây là “lạm phát”, bùng nổ điểm chuẩn.
“Xét mặt bằng chung, điểm chuẩn năm nay tăng so với năm vừa rồi, phần đa là tăng từ 1-2 điểm. Nhưng ở một số ngành, điểm chuẩn tăng đột biến, bất ngờ, có ngành tăng đến 9 điểm. Học trò sốc mà tôi cũng ngỡ ngàng”, thầy nói.
Qua theo dõi điểm chuẩn, thầy Hà nhận thấy điểm chuẩn các ngành xét tuyển khối thi có môn Tiếng Anh tăng mạnh, đột biến. Sự biến động quá lớn của điểm thi môn Tiếng Anh được thầy giáo cho là nguyên nhân của việc điểm chuẩn các ngành có liên quan môn này tăng mạnh.
“Rất nhiều học trò năm nay nhắn tin cho tôi rằng các bạn ấy trượt tất cả nguyện vọng. Một bạn đặt 10 nguyện vọng, điểm thi đã cao hơn điểm chuẩn năm 2020 của nguyện vọng thứ 10 tận 5 điểm nhưng cuối cùng vẫn trượt. Đặc biệt, một bạn thi được 27 điểm khối A01 vẫn trượt tất cả nguyện vọng vì đăng ký vào các trường ‘hot’ như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân”, thầy Hà kể.
Thầy giáo này chia sẻ sự thiệt thòi và có phần bất công với các bạn thí sinh xét tuyển khối A00 năm nay. Ở những ngành, trường "hot" như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, các bạn xét khối A00 giảm lợi thế cạnh tranh khi xét chung với các tổ hợp khác có môn Tiếng Anh như A01, D01, D03, D05, D06, D07, nhưng nguyên nhân có thể không phải do thực lực các bạn kém hơn.
Năm nay có 4.345 bài thi đạt điểm tuyệt đối môn Tiếng Anh.Cô Bùi Nguyễn Hương Giang, giáo viên trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định phổ điểm Tiếng Anh có hình dạng "bất thường" do đề có 80% câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu, không phân hóa được học sinh khá, giỏi. Tuy nhiên, phổ điểm có 2 đỉnh lại là điều cô Giang không đoán trước được. Theo cô Giang, đây là phổ điểm chưa từng có tiền lệ. Nhiều năm qua, phổ điểm môn Tiếng Anh luôn lệch trái. Nhưng năm nay, phổ điểm lại có hình dạng bất thường với 2 đỉnh. Đỉnh thứ nhất ở mức 4 điểm với 29.505 bài thi, chiếm 3,4%. Đỉnh thứ hai ở mức 9 điểm với 24.471 bài thi, chiếm 2,82%. Sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, cô Bùi Nguyễn Hương Giang cho rằng đề thi, phổ điểm như năm nay khiến cánh cửa thi khối D của các thí sinh trở nên khó khăn hơn, đặc biệt với học sinh khá, giỏi. |
> XEM THÊM ĐIỂM CHUẨN MỚI NHẤT CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC - CAO ĐẲNG TẠI ĐÂY!
Theo Zingnews