Băn khoăn với dự thảo tổ chức kì thi THPT quốc gia chung và tuyển sinh ĐH-CĐ
Nhiều học sinh lo ngại chưa thích ứng kịp với những đổi mới trong kì thi quốc gia chung và tuyển sinh ĐH- CĐ 2014. Theo bản dự thảo thì kỳ thi năm 2015 thang điểm 20 sẽ thay cho thang điểm 10; thời gian thi lùi lại một tháng là ngày 1,2,3,4 tháng 7; thí sinh sẽ có 4 đợt xét tuyển, mỗi đợt được xét tối đa 4 ngành; thí sinh thi theo cụm do trường Đại học tổ chức... Trước những thay đổi này nhiều học sinh vẫn còn bỡ ngỡ và lo ngại chưa thích ứng kịp.
Thang điểm 20 có lợi cho học sinh?!
Một trong những thay đổi quan trọng trong dự thảo là tính điểm theo thang 20 điểm, mặc dù thang điểm 20 nhưng mức điểm tối thiểu trong ba-rem điểm của một số môn học vẫn có thể chấm chi tiết đến 0,25 điểm. Nhận xét về ba-rem này. Theo thầy Trần Thu Quang, giáo viên trường THPT Nguyễn Khuyến thì sẽ thuận lợi cho học sinh vì kiến thức của các em được đánh giá chi tiết và kỹ lưỡng hơn.
Tuy nhiên khi thay đổi thang điểm, tất yếu cấu trúc đề thi cũng thay đổi theo, mà cấu trúc đề thi thay đổi thì Bộ nên sớm công bố cấu trúc để giáo viên còn chủ động lên kế hoạch ôn tập cho học sinh. Hiện Bộ chỉ mới cho biết đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, nội dung chủ yếu ở lớp 12. Chỉ với thông tin như thế thì xem ra còn quá chung chung. Thầy Thu Quang nói: “Hồi xưa theo hệ 20 điểm, rồi chuyển sang hệ 10 điểm, bây giờ trở lại hệ 20 điểm. Quan điểm của tôi hệ 20 điểm giúp học sinh kiếm điểm dễ dàng hơn. Còn thầy cô trước dự thảo mới cũng phân vân sẽ ôn thi như thế nào để mở rộng các góc cạnh vấn đề hơn” .
Thầy Nguyễn Minh Triết, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Cầu cũng cho rằng kì thi ngày càng thuận lợi hơn cho thí sinh. Bên cạnh thang điểm 20, thời gian diễn ra kỳ thi được lùi đến đầu tháng 7 tương ứng với thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1 những năm trước đây, học sinh sẽ có thêm thời gian ôn tập để kỳ thi đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thầy cô sẽ vất vả hơn vì các trường đều muốn tiếp tục ôn tập cho học sinh đến ngày thi thay vì năm học sẽ kết thúc vào tháng 5 như mọi năm. “Đối với giáo viên, công việc đáng lẽ kết thúc sớm thì sẽ qua đến tháng 7, nhưng với học sinh thì có điều kiện ôn tập chuẩn bị thuận lợi cho kì thi”, thầy Triết cho biết.
Ở góc độ trường Đại học, Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng nhìn nhận việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 thực hiện được hai mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ. Tuy nhiên ông Hiển nhấn mạnh vấn đề cần quan tâm hơn cả là công tác làm đề thi làm sao cho chất lượng, đánh giá được năng lực của học sinh và có tính phân loại cao. Để đảm bảo mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh ĐH-CĐ, đề thi sẽ cần có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, thí sinh chỉ cần làm được là có thể tốt nghiệp. Ngoài ra cũng sẽ có những câu hỏi nâng cao nhằm phân loại thí sinh để tuyển vào ĐH-CĐ.
Bên cạnh đó, nếu sử dụng thang điểm 20 thì cần lưu ý cách tính tổng điểm, chia trung bình môn như thế nào để hạn chế sai số. “Trước đây thực hiện hai kì thi riêng biệt theo thang điểm 10, năm nay bài thi có hai mục đích: vừa xét tốt nghiệp - vừa tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ thì thang điểm 20 là phương án xử lý, nhờ đó đề cũng dàn trải tốt hơn phục vụ hai mục tiêu. Nhưng đồng thời gây ra hệ lụy phải tính tổng điểm, chia trung bình môn như thế nào vì trong khi thực hiện sẽ có sai số”, Thạc sĩ Lâm Thành Hiển băn khoăn.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường Đại học Công Nghiệp thực phẩm nhận định những biện pháp xét tuyển trong dự thảo được xem là khá tốt. Sau khi có kết quả thi, thí sinh mới đăng ký tuyển sinh vào các ngành của trường ĐH, CĐ, giúp thí sinh có thể lựa chọn những trường phù hợp với kết quả thi của mình và các trường cũng tuyển sinh thí sinh phù hợp với ngành đào tạo, tránh xảy ra tình trạng thí sinh điểm cao vẫn trượt ĐH. Bên cạnh đó, thí sinh được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển tối đa bốn đợt, mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng để đăng ký tối đa vào bốn ngành của một trường. Như vậy các trường sẽ lấy tiệm cận chỉ tiêu, thậm chí tuyển được 80% chỉ tiêu ngay từ đợt 1, nguyện vọng 1 mà không sợ rủi ro. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ nếu những trường ở tốp trung bình hoặc tốp trên, ưu tiên kế hoạch đào tạo của trường chỉ xét tuyển đợt một mà không nhận xét những đợt tiếp theo thì thí sinh xem như bị thiệt cơ hội. Thạc sĩ Sơn cho rằng: “Bộ đưa ra 4 phiếu và 16 nguyện vọng các em sẽ có nhiều cơ hội, tuy nhiên với thời gian dài 20 ngày trên một đợt xét thì thí sinh cũng không có nhiều cơ hội. Vì những trường tốp trung bình, tốp trên sẽ ưu tiên kế hoạch đào tạo đầu tiên, có thể sẽ nhận phiếu nguyện vọng 1 chứ không nhận điểm từ phiếu nguyện vọng 2 thì thí sinh sẽ thiệt thòi cơ hội”.
Lo lắng về cụm thi
Về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức theo cụm thi ít nhất hai tỉnh và giao cho các trường ĐH chủ trì. Về điều này, TS Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng trường Đại Học Công Nghệ Đồng Nai cho rằng, nếu chỉ dựa vào lệ phí thi của thí sinh thì không đủ chi trả tổ chức thi. Trong khi đó, dự thảo chưa để cập nguồn kinh phí hỗ trợ cụm thi.
Ngoài vấn đề kinh phí, các trường đại học chủ trì cụm thi khó tổ chức hiệu quả nếu không có Sở GD-ĐT phối hợp tốt điều động giáo viên tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra thi, chuyển kết quả thi cho thí sinh… Trọng trách của trường tổ chức thi nặng nề, nhưng đến nay chưa có trường nào được chỉ định đứng ra tổ chức cụm thi. Thực tiễn cho thấy: trường nào đứng ra tổ chức thi thì trường đó sẽ sở hữu nguồn dữ liệu khổng lồ thí sinh dự thi - ưu thế mà trường nào cũng mong muốn. Trong cuộc đua thông tin này, trường ngoài công lập sẽ càng khó khăn duy trì hoạt động về sau nếu bị gạt ra ngoài không được tham gia tổ chức thi: “Các trường đại học vùng, đại học miền, có uy tín…mới được tham gia tổ chức thì thì các trường đại học ngoài công lập không nắm dữ liệu thí sinh. Năm nay xét tuyển chia làm bốn đợt, mỗi đợt 20 ngày như vậy năm học phá sản! quan điểm của tôi là cứ mỗi lần xét gói gọn trong một tháng”, TS Ngọc Sơn nêu ý kiến.
Dự thảo kì thi quốc gia chung và tuyển sinh đại học cao đẳng đang được lấy ý kiến góp ý nhằm điều chỉnh, bổ sung trước khi ban hành chính thức. Như ý kiến của các chuyên gia giáo dục, để kì thi đạt được hai mục đích thì chất lượng đề thi đóng vai trò rất quan trọng, bên cạnh đó để xã hội tin tưởng vào kì thi, rất cần thực hiện nghiêm túc đồng bộ công tác coi thi, chấm thi đến sử dụng kết quả thi, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh dự thi.
Theo Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tin gốc: http://www.voh.com.vn/khoa-hoc-va-giao-duc/ban-khoan-voi-du-thao-to-chuc-ki-thi-thpt-quoc-gia-chung-va-tuyen-sinh-dh-cd-173419.html