Tuyển sinh ĐH-CĐ 2013: Điểm cao nhưng chớ vội mừng!

Tính đến chiều 23/7 đã có hơn 30 trường ĐH công bố điểm thi với kết quả tăng “chóng mặt” so với năm trước. Điểm trúng tuyển dự kiến của nhiều trường tăng đến năm điểm so với năm 2012. Kết quả này có phải do chất lượng thí sinh (TS) năm nay cao…đột biến?

Điểm chuẩn dự kiến tăng chóng mặt

Thống kê điểm của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH QG Hà Nội) cho thấy, điểm chuẩn khối A, A1 và B có thể tăng đến năm điểm so với năm trước do phổ điểm năm nay quá đẹp. Khối B của trường năm nay có tổng cộng 1.403 TS dự thi, trong đó số đạt điểm 20 trở lên đã là 825 em, số được 21 là 694 em, được 22 là 562 em, được 24,5 là 226 em và 25 là 170 em. Khối B của Trường ĐH Khoa học tự nhiên chỉ tuyển các ngành Sinh học, Công nghệ sinh học, Khoa học môi trường và Khoa học đất với tổng chỉ tiêu (gồm cả khối A, A1, B) là 314 chỉ tiêu. Như vậy TS khối B muốn trúng tuyển vào trường phải có kết quả thi đạt 24,5 hoặc 25 điểm. Ở khối A, A1, mức điểm tối thiểu để TS có thể trúng tuyển cũng phải là 21 hoặc 21,5.

Tuyển sinh 2013: Điểm chuẩn dự kiến tăng chóng mặt

Tuyển sinh 2013: Điểm chuẩn dự kiến tăng chóng mặt

Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cũng có mặt bằng điểm thi cao hơn năm trước rất nhiều. Trường có gần 4.000 TS dự thi, trong đó một nửa đạt điểm 5 môn toán trở lên (2.410 em); ở môn sinh, số TS có điểm trên trung bình là 2.006 và môn hóa là 2.385. Ở môn toán, trường có bốn điểm 10, 120 TS đạt mức điểm 9 trở lên. Thống kê cho thấy, với chỉ tiêu là 800 thì điểm trúng tuyển vào trường phải từ 21 hoặc 21,5 trở lên, trong khi điểm trúng tuyển vào trường năm 2012 chỉ là 18,5.

Trường ĐH Giao thông vận tải dự kiến điểm trúng tuyển vào trường năm nay sẽ tăng so với năm ngoái từ 1-1,5 điểm. Thống kê cho thấy, tổng số TS có điểm từ 5 trở lên ở môn toán là 4.113 em, điểm cao nhất là 9,75; môn lý có đến 4.443 TS đạt điểm 5 trở lên, điểm cao nhất là 8,75; môn hóa gần 4.900 TS đạt điểm 5 trở lên, có năm điểm 10 môn hóa. Với chỉ tiêu 3.500 cho cơ sở phía Bắc, dự kiến điểm thi vào trường sẽ lên tới 17,5 điểm. Phân tích cho thấy, nếu điểm chuẩn là 16,5 thì có 4.275 TS đạt mức này, ở mức 17 điểm có 3.956 TS; ở mức 17,5 điểm có 3.597 TS và ở mức 18 là 3.261 TS. Riêng với ba ngành xác định điểm chuẩn riêng sẽ có sự tăng mạnh và chênh lệch lớn so với điểm chuẩn chung vào trường.

Một trường ở tốp giữa vốn thường phải tuyển nguyện vọng 2 là Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cũng cho biết, điểm chuẩn năm nay ở nhiều ngành như Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Khoa học môi trường, Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Kiến trúc cảnh quan, Thiết kế nội thất, Quản lý đất đai đều cao hơn so với năm 2012 từ 0,5-1 điểm.

Cứu trường ngoài công lập

Với phổ điểm đẹp như năm nay, nhiều người cho là do TS “ngon” hơn mọi năm. Tuy nhiên, thực chất là Bộ GD-ĐT đã “cứu” các trường ngoài công lập, dù Bộ phủ nhận việc ra đề dễ để các trường tuyển đủ chỉ tiêu, vì không thiếu nguồn bởi số TS dưới điểm sàn quá cao. Một chuyên gia tuyển sinh phân tích, khó có chuyện chất lượng giáo dục phổ thông, vốn bị kêu ca là quá yếu kém, lại thay đổi đột biến chỉ trong một năm học. Theo đánh giá của chuyên gia này, sự thay đổi về kết quả thi năm nay không phải về chất, mà là nhờ đề dễ, giúp TS có được kết quả đẹp.

Ngay trước mùa tuyển sinh 2013, Hiệp hội các trường ngoài công lập đã tổ chức hội nghị bàn về phương án tuyển sinh để “cứu” các trường. Lúc đó, chính ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh - khẳng định “không cần hạ điểm sàn” hay có một điểm sàn riêng cho trường ngoài công lập, vì như thế Bộ sẽ biến các trường ngoài công lập thành “công dân hạng hai”. Ông Hùng đề nghị Bộ cần phải “làm đúng” điểm sàn, tức là phải công khai phổ điểm của TS, sau đó lấy điểm sàn ở mức sao cho có số lượng TS từ sàn trở lên bằng 50% số lượng TS dự thi.

Ông Phan Trọng Phước - Hiệu trưởng Trường đại học Đại Nam - cũng nhấn mạnh để các trường tuyển sinh được thì phải có nguồn tuyển dồi dào chứ không phải hạ điểm sàn. Giải pháp hữu hiệu để nguồn tuyển dồi dào là đề thi có phổ điểm tốt. “Đề thi mà phổ điểm ba môn đa số rơi vào 7 như hiện nay thì không phải đề thi tốt, trong khi điểm sàn lại đến 13. Bộ GD-ĐT nên tổng kết đánh giá việc ra đề, nếu ra đề sao cho số lượng TS được 13 điểm không phải 400.000 em mà là 700.000 thì mới đủ nguồn tuyển” - ông Phước khẳng định.

PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhấn mạnh, điểm cao hay thấp phụ thuộc vào đề dễ hay khó. Kết quả thi năm nay cho thấy Bộ GD-ĐT đã lắng nghe ý kiến của các trường ngoài công lập. Theo ông Nhĩ, vấn đề bây giờ là điểm sàn được xác định như thế nào. “Nếu điểm sàn nằm ở đỉnh của phổ điểm, cộng với việc Bộ GD-ĐT khống chế các trường tuyển đúng chỉ tiêu của mình thì nguồn tuyển cho các trường ngoài công lập sẽ dồi dào” - ông Nhĩ nói.

Như vậy, dự kiến, dù kết quả thi năm nay cao hơn hẳn mọi năm thì nhiều khả năng điểm sàn vẫn không thay đổi, bởi có như thế các trường ngoài công lập mới có nguồn để tuyển.

Ông Nguyễn Văn Hùng cũng có những đánh giá lạc quan về khả năng tuyển sinh của trường. Theo ông Hùng, với phổ điểm như năm nay, các trường sẽ không phải lấy điểm sát xuống tận sàn như năm trước. “Nếu tổng TS trên sàn cao hơn đáng kể tổng chỉ tiêu thì nếu không trúng tuyển công lập, TS sẽ chuyển sang các trường khác”, ông Hùng nói. Một thuận lợi nữa là bắt đầu từ năm nay, TS hết cơ hội đi đường vòng liên thông lên ĐH nên phải lựa chọn các trường ngoài công lập nếu không trúng tuyển công lập. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, đầu vào của TS chênh lệch nhau 1-2 điểm không có ý nghĩa, vấn đề là khi vào ĐH, TS có chịu học hay không và trường quan tâm đến chất lượng đào tạo như thế nào? Nếu đào tạo theo hình chóp chứ không phải là theo hình ống thì sản phẩm đào tạo sẽ có chất lượng cao, đầu ra vẫn tốt.

Nói về điểm sàn năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH hệ chính quy khoảng 605.000 trong khi tổng số TS dự thi là 1,3 triệu em. “Bộ GD-ĐT sẽ tính toán điểm sàn sao cho TS có nhiều cơ hội đỗ vào trường nhất” - ông Ga khẳng định.

Theo Phụ nữ TPHCM