Thống kê của Bộ GD-ĐT về số hồ sơ đăng ký dự thi tại các địa phương đã cho thấy có nhiều thay đổi đáng mừng trong việc lựa chọn ngành nghề, khối thi của học sinh.
Tổng số hồ sơ giảm
Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, không kể số hồ sơ đăng ký dự thi thí sinh nộp trực tiếp tại các trường, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ tại các địa phương năm 2013 là 1.710.983 hồ sơ, trong đó hồ sơ dự thi ĐH chiếm 79% (1.343.656 hồ sơ), hồ sơ dự thi cao đẳng chiếm 21% (367.327 hồ sơ). Thống kê số thí sinh đăng ký dự thi và số hồ sơ cho thấy bình quân mỗi thí sinh đăng ký 2 bộ hồ sơ.
So với năm 2012, tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm 6% (gần 100.000 hồ sơ).
Năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT nhằm quản lý chặt công tác đào tạo liên thông, theo thống kê, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi liên thông năm 2013 là 16.710, trong đó liên thông lên ĐH là 13.295; liên thông lên CĐ là 3.415.
Khối A, C giảm; A1, B tăng
Nếu kỳ tuyển sinh năm 2012, khối A là sự lựa chọn của gần 50% thí sinh dự thi đại học (chiếm 47,2%) thì năm nay, con số này là 39,1%, giảm 8,1%. Khối C năm nay cũng giảm 0,2%, chiếm tỷ lệ 6%. Hồ sơ đăng ký dự thi phân theo khối A1 năm nay chiếm tỷ lệ 10,2%, tăng 5% so với năm 2012 (năm đầu tiên bổ sung khối A1); khối B là 23,2%, tăng 1,9%. Các khối khác cũng có tỷ lệ tăng nhẹ.
Tương tự như vậy, hồ sơ đăng ký dự thi theo khối ở hệ CĐ cũng có tỷ lệ giảm đến 13% so với năm 2012 ở khối A; các khối A1, B, C, D1… đều có tỷ lệ tăng từ 0,3% đến 3,7%.
Kinh tế giảm, sư phạm-kỹ thuật tăng
Trước những cảnh báo về tình trạng bão hòa nhân lực ngành kinh tế trong thị trường lao động, năm nay hồ sơ đăng ký dự thi nhóm ngành kinh tế và quản lý đã giảm 10,5% so với năm 2012, nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số hồ sơ đăng ký dự thi theo nhóm ngành là 19,9%.
Một số nhóm ngành những năm trước, hồ sơ đăng ký dự thi có xu thế giảm thì năm nay đã tăng, như: nhóm ngành khoa học giáo dục tăng 3,1%; khoa học sức khỏe tăng 1,7%; công nghệ kỹ thuật tăng 0,5%; môi trường và bảo vệ môi trường tăng 1,4%; nông, lâm, thủy sản tăng xấp xỉ 0,3%.
Bộ GD-ĐT nhận định: những con số tăng-giảm trên cho thấy các thí sinh đã có sự đầu tư nghiên cứu, cân nhắc kỹ càng trước khi lựa chọn khối thi, ngành thi. Những ngành học mà thí sinh lựa chọn không chỉ phù hợp với bản thân, mà còn đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước.
Thông tin mới nhất về tuyển sinh:
Tỷ lệ chọi các trường đã công bố
Tin bài gốc: thanhnien
Kenhtuyensinh
Theo: thanhnien