Có được dùng bản sao phiếu báo điểm ?

Năm nay, theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ nào thì phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi cho trường đó, các trường không nhận bản photo như năm 2012. Để có thể thực hiện được điều này, mỗi thí sinh sẽ được cấp 3 Giấy chứng nhận kết quả thi.

Cụ thể, thí sinh không trúng tuyển vào trường dự thi, nhưng có kết quả thi từ điểm sàn cao đẳng trở lên (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp 3 Giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ. Thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn được cấp Phiếu báo điểm.

Giấy chứng nhận kết quả thi và Phiếu báo điểm phải thống nhất mẫu đã thiết kế, không được thay đổi và phải điền đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Cả hai loại giấy này đều phải đóng dấu đỏ của trường để thí sinh có thể sử dụng đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ hoặc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Giấy chỉ in điểm các môn thi chưa nhân hệ số.

Để đăng kí xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh có Giấy chứng nhận kết quả thi sẽ phải nộp 01 bản gốc của Giấy này cho trường ĐH, CĐ đó.

Để đăng kí xét tuyển vào các trường TCCN, ngoài Phiếu báo điểm các trường đã cấp cho thí sinh trong kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 theo đề thi chung, thí sinh diện được cấp Giấy chứng nhận kết quả thi (nếu chưa trúng tuyển vào đại học hoặc cao đẳng) có thể dùng bản sao hợp lệ của Giấy này để đăng kí xét tuyển.

Đối với thí sinh dự thi liên thông theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, kết quả thi được sử dụng để xét tuyển theo chỉ tiêu đào tạo liên thông của trường. Nếu không trúng tuyển được xét tuyển vào học liên thông các trường khác, cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được yêu cầu của trường cần tuyển.

Ghi sai thông tin trong phiếu đăng ký dự thi thí sinh sẽ mất cơ hội

Không chỉ quan tâm đến việc lựa chọn ngành nghề, khối thi, trường thi, rất nhiều thí sinh băn khoăn việc làm hồ sơ đăng ký dự thi sao cho chính xác. Đây là bước quan trọng vì nếu sơ sót, thí sinh có thể mất cơ hội vào học trường đúng ý nguyện.

Năm nay, hồ sơ đăng ký dự thi có một số điều chỉnh. Vì thế, nhiều HS thắc mắc về cách điền hồ sơ theo mẫu mới. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, lưu ý: “Năm nay theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, hồ sơ có thay đổi một chút so với năm trước, có thêm mục thứ 4 và 14 dành cho thí sinh dự thi liên thông ( Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký dự thi liên thông đại học năm 2013 ). Trong đó, thí sinh cần lưu ý mục số 2 và 3”. Ông Thành nhấn mạnh: “Mục số 2 là đăng ký dự thi vào một ngành của một trường có tổ chức thi, chỉ được ghi một nguyện vọng duy nhất nên các em cần cân nhắc kỹ lưỡng. Mục số 3 dành cho thí sinh đăng ký vào ngành học của một trường ĐH-CĐ không tổ chức thi. Ngoài ra, ở mục thứ 18 cần ghi cụ thể chính xác địa chỉ nơi ở và số điện thoại để nhận kết quả thi, trong trường hợp cần thiết cán bộ tuyển sinh sẽ liên lạc”.

Việc xét tuyển như thế nào sau khi có kết quả thi tuyển cũng được HS đặc biệt quan tâm.

HS Trần Văn Tuân (Trường THPT Vũng Tàu) hỏi: “Nếu em thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM không trúng tuyển, có được xét cùng lúc vào các trường khác hay không?”. PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Trong trường hợp rớt nguyện vọng 1, trường sẽ cấp cho thí sinh 3 phiếu báo điểm để xét các nguyện vọng bổ sung. Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, năm nay các em phải nộp phiếu báo điểm bản chính, không được dùng bản sao nên em sẽ có 3 cơ hội xét tuyển vào các trường cùng khối thi và còn chỉ tiêu”.

HS Nguyễn Thu Nga (Trường THPT Lê Quý Đôn) thắc mắc về quy chế liên thông: “Em học lực trung bình, chỉ có khả năng đậu CĐ, vậy học xong em có được liên thông ngay lên ĐH không? Hình thức thi như thế nào?”. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành thông tin: “Theo Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT, sau khi tốt nghiệp tính từ ngày cấp bằng đủ 36 tháng trở lên, thí sinh sẽ dự thi liên thông lên bậc cao hơn gồm môn cơ bản, cơ sở ngành và chuyên ngành. Nếu chưa đủ 36 tháng, các em sẽ dự thi 3 chung cùng thí sinh dự thi ĐH-CĐ chính quy. Khối thi tùy thuộc vào ngành mà em học”.

Ngành nào cũng có điều kiện làm giàu

Hiện nay phần lớn phụ huynh và HS đều quan niệm học các ngành kinh tế sẽ kiếm được nhiều tiền và có cơ hội phát triển nghề nghiệp cao hơn so với các ngành khác. Đó là lý do những năm qua, thí sinh dự thi khối ngành này rất đông dẫn đến hệ quả cung vượt quá nhu cầu thực tế.

Tại buổi tư vấn, nhiều HS băn khoăn về việc chọn ngành kinh tế hay kỹ thuật. Thầy Châu Minh Quí, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing, có lời khuyên chân thành: “Không phải chỉ học ngành kinh tế thì các em mới có cơ hội làm giám đốc hoặc có thu nhập cao, mà hiện nay kỹ sư, bác sĩ… đều có thể làm được nhiều tiền. Học các ngành trồng trọt, chăn nuôi… cũng có thể làm giàu được vậy, nếu như các em có đủ đam mê và kiến thức. Quan trọng là phải chọn được ngành phù hợp với năng lực bản thân và các điều kiện về gia đình, xã hội”.

Câu hỏi của Lê Văn Vũ, HS Trường THPT Trần Quang Khải, nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của HS và các chuyên gia tư vấn. Vũ hỏi: “Gia đình em có nhiều người làm trong ngành dầu khí nhưng em chỉ thích chăn nuôi heo bò, vậy em phải thuyết phục gia đình thế nào để theo đuổi ước mơ và em phải học ngành nào, trường nào?”. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thể, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, tư vấn: “Trường có 3 ngành liên quan đến chăn nuôi là thú y, chăn nuôi và công nghệ sản xuất thức ăn. Em có thể mời gia đình tham quan các trại chăn nuôi, bệnh viện thú y, phòng thí nghiệm của trường, đồng thời chứng minh em có thể phát triển công việc, làm giàu được từ nghề em đã chọn, thì thầy tin gia đình em sẽ đồng ý”.

Giải đáp về sự khác nhau giữa ngành kinh tế học và kinh tế - quản lý công, thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, phân tích: “Hai ngành này đều đào tạo chuyên gia có kiến thức sâu rộng về hệ thống nền kinh tế. Với ngành kinh tế học, các em sẽ được học kiến thức chuyên sâu về phân tích mối liên hệ của các yếu tố trong nền kinh tế, làm sao để thúc đẩy các yếu tố đó phát triển. Còn ngành kinh tế và quản lý công sẽ đi sâu vào kinh tế nhà nước. Tuy nhiên ra trường các em không chỉ làm ở doanh nghiệp trong nước, mà vẫn có thể làm cho các công ty nước ngoài nhằm xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả”.

Ưu tiên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, hằng năm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần khoảng 60.000 lao động. Giai đoạn 2010-2015 cần 303.160 và giai đoạn 2016-2020 cần 363.500 người, trong đó lao động có tay nghề, công nhân kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao. Tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics (chuỗi dịch vụ phân phối hàng từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ).

Học sinh háo hức chờ tư vấn tại lớp

Trong buổi chiều, gần 400 HS các trường THPT Nguyễn Du và THPT Nguyễn Trãi (H.Châu Đức) không quản ngại ngày nghỉ, thời tiết nóng bức đã có mặt tại lớp học để nghe các chuyên gia tư vấn tuyển sinh.

Tại Trường THPT Nguyễn Du, sau khi nghe tư vấn chung về quy chế, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã bị HS trong lớp… giữ lại, không cho ra khỏi lớp vì còn quá nhiều thắc mắc mong được giải đáp, như số lượng hồ sơ được nộp, thời gian và cách thức xét tuyển… Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho biết: “Các em nộp bao nhiêu bộ hồ sơ đều được, tuy nhiên năm nay có khả năng lệ phí hồ sơ tăng lên 100.000 đồng/bộ, cho nên hãy tham khảo ý kiến bố mẹ và suy nghĩ kỹ quyết định thi vào trường nào, ngành nào. Thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung là từ ngày 20.8 đến 31.10, tuy nhiên cũng có trường kết thúc sớm hơn”.

Tại Trường THPT Nguyễn Trãi, HS chăm chú lắng nghe, nhiệt tình đặt câu hỏi và liên tục vỗ tay sau mỗi phần tư vấn của chuyên gia. Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, nhận định: “Sự có mặt của đoàn tư vấn hôm nay mang đến rất nhiều thông tin bổ ích cho HS, giúp các em định hướng, tự đánh giá năng lực và sở thích của chính bản thân để có quyết định đúng đắn trước khi nộp hồ sơ”.

Theo Thanh Niên