Sẽ có cơ chế tuyển thẳng học sinh vào THPT

Bộ GD-ĐT vừa đưa dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông lên mạng để xin ý kiến. Theo Dự thảo này thì sẽ có cơ chế tuyển thẳng học sinh vào Trung học phổ thông.

Theo đó, học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) trường phổ thông dân tộc nội trú; HS là người dân tộc rất ít người được tuyển thẳng vào học Trung học phổ thông (THPT) mà không cần phải thi tuyển hoặc xét tuyển. Ngoài ra, các chính sách về chế độ ưu tiên, chế độ khuyến khích vẫn được dự thảo giữ nguyên như quy định trước đây.

tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, tuyen thang, tuyen sinh 2013

 

Thí sinh dự thi vào lớp 10 Hà Nội năm 2012.


Cũng theo dự thảo này thì nguyên tắc tuyển sinh đó là hàng năm tổ chức một lần tuyển sinh vào trường THCS và trường THPT; tuổi của HS Trường THCS, trường THPT thực hiện theo Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học; bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan.

Hình thức tuyển sinh

Về phương thức tuyển sinh đối với THCS là xét tuyển. Đối với THPT theo ba phương thức: Xét tuyển; Thi tuyển; Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Dự thảo cũng nhấn mạnh, chỉ xét tuyển đối với địa phương không có điều kiện tổ chức thi tuyển hoặc có số HS đăng ký tuyển sinh tương đương với chỉ tiêu vào trường THPT trên địa bàn. Đối với thi tuyển thì tổ chức thi 3 môn gồm Toán, Văn và môn thứ 3. Thời gian làm bài hai môn Toán, Văn là 120 phút, môn thứ 3 là 60 phút.

Môn thứ 3 được chọn trong số những môn học còn lại, phù hợp cho các đối tượng tuyển sinh. Giám đốc GD-ĐT chọn và công bố môn thi thứ 3 sớm nhất 15 ngày trước ngày kết thúc năm học căn cứ biên chế năm học của Bộ GD-ĐT.

Đối tượng tuyển sinh THPT là người đã tốt nghiệp THCS hoặc tốt nghiệp bổ túc THCS, có trách nhiệm cung cấp hồ sơ về kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở THCS của cá nhân để làm căn cứ tuyển sinh vào THPT, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

Dự thảo cũng cho hay, đề thi vào THPT nằm trong phạm vi chương trình THCS do Bộ GD-ĐT ban hành, chủ yếu ở lớp 9. Đề thi phải đảm bảo chính xác, rõ ràng, không sai sót, phân hóa được trình độ HS, phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi.

Mỗi môn có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương về yêu cầu nội dung, thời gian làm bài. Mỗi đề thi phải có hướng dẫn chấm và biểu điểm kèm theo. Đề thi và hướng dẫn chấm thi khi chưa được công bố là bí mật Nhà nước độ “Tối mật” theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Ý kiến của bạn về vấn đề này, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

 

Kenhtuyensinh

Theo:Dantri