Tọa đàm về "Trao đổi kinh nghiệm hướng nghiệp" được tổ chức cho giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm tại các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tại TP.HCM. Tọa đàm là nơi trao đổi kinh nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh.

Chọn nghề trước, chọn ngành sau

Ông Phạm Ngọc Thanh - PGĐ Sở GD-ĐT TP.HCM: để đảm bảo người học học nghề đúng nhu cầu xã hội thì các em phải xác định được ngành nghề nào phù hợp với bản thân. Vấn đề này thuộc công tác hướng nghiệp và các em đã được hướng dẫn từ bậc THCS, ngoài các bài học lý thuyết còn có chuyến đi thực tế. Tuy nhiên tôi cho rằng hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Sau THPT, nhiều học sinh vẫn chưa định hướng được nhóm ngành nghề nào phù hợp với mình.

TS tâm lý Đinh Phương Duy cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm hướng nghiệp. Đầu tiên, chúng ta nên tư vấn để học sinh chọn nghề nào, sau đó là ngành nào rồi mới đến trường nào phù hợp. Nếu chọn nghề sai, có tác hại như thế nào. Nếu chọn đúng nghề thì sẽ có tác động thế nào. Cần phải cho học sinh thấy được các hại và lợi khi chọn đúng hoặc sai ngành nghề. Việc giáo dục hướng nghiệp ở trường THPT hiện nay quá ít và chưa đủ để định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - PGĐ ĐHQG TP.HCM: Sở GD-ĐT nên có tập huấn hàng năm cho giáo viên hướng nghiệp để cập nhật tình hình kinh tế, nhu cầu nhân lực, từ đó có thể hướng nghiệp hiệu quả hơn.

 

tuyen sinh, tuyen sinh 2013, thong tin tuyen sinh, cam nang tuyen sinh, cuon nhung dieu can biet, tuoi tre

Định hướng lại xu hướng chọn nghề

Trước băn khoăn của độc giả với xu hướng chọn nghề của nhiều trường thiên về nhóm ngành ngoại ngữ hơn khối khoa học tự nhiên, xã hội hay nông lâm. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng: Việc chọn ngành nghề là quyền của học sinh nhưng bản thân các em chịu áp lực rất lớn từ phụ huynh, bạn bè và xã hội. Sinh viên hiện học ngành kinh tế nhiều hơn. Nhiều em đủ điểm vào học ĐH cơ khí nhưng chỉ học CĐ kinh tế. Điều này cho thấy xu hướng chọn ngành học của các em tránh né các việc lao động ở nhà xưởng, đồng ruộng. Việt Nam sắp có hai nhà máy điện hạt nhân nên thí sinh muốn học ngành hạt nhân. Tuy nhiên trong nhà máy này có rất nhiều vị trí khác như điện, công nghệ thông tin chứ không chỉ học hạt nhân ra mới làm việc được. Điều này là do các em nhận thức chưa đầy đủ về lĩnh vực nghề nghiệp cũng như định hướng ngành nghề chưa tốt.

Có rất nhiều hình thức để hướng nghiệp cho các em. Chẳng hạn như đưa học sinh đến trường ĐH để tham quan cơ sở vật chất, trao đổi với thầy cô về chương trình đào tạo các ngành, qua đó hình dung được ngành nghề cũng như việc làm sau này. Hay như đưa các em đến các công ty, nhà máy để tìm hiểu cụ thể về các ngành nghề, từ đó định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Hiện nhiều sinh viên sau khi vào học một thời gian lại xin chuyển ngành vì cảm thấy ngành mình chọn không phù hợp. Không có ngành nào thấp kém. Mục đích học là tìm được công ăn việc làm ổn định. Do đó cần chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực, có nhu cầu nhân lực lớn để khi tốt nghiệp có thể có được việc làm.

Giảm chỉ tiêu các ngành thừa nhân lực

PGS.TS Trần Quang Quý - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết dự kiến ngày 22-1, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức Hội nghị thi và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Ông Quý cũng thông tin về cơ bản, kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013 không có thay đổi nhiều so với năm trước, vẫn thi ba chung (chung đợt, chung đề và sử dụng chung kết quả thi).

Theo ông Quý, Bộ GD-ĐT "vừa phát đi một thông điệp" dừng mở các ngành mới về kinh tế. "Tỷ lệ mở các ngành kinh doanh, kinh tế hiện nay chiếm gần 39%. Hiện các em ra trường nhiều nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. Trong khi đó, những ngành cơ khí, động lực, nông lâm...đang thiếu rất nhiều nhưng không có người học. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước mà còn ảnh hưởng đến đào tạo tại trường phổ thông. Do đó, Chỉnh phủ chỉ đạo giảm chỉ tiêu các ngành đang thừa, và khuyến khích tuyển sinh các ngành đang thiếu, tăng ưu đãi, chính sách cho sinh viên sư phạm".

Về chính sách tín dụng sinh viên, theo ông Quý, Thủ tướng Chính phủ vẫn đảm bảo một quỹ ổn định khoảng 50.000 tỷ để học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo việc học.

Sau những băn khoăn từ các giáo viên, ông Quý, nói "có thể chúng tôi sẽ thay đổi một số chính sách, điều hành trong công tác này".

"Về cơ cấu ngành nghề, phải quan tâm đến hiện có nơi thừa, nơi thiếu. Trình độ của sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thì có thể giải quyết được bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ có mười chỗ làm nhưng mình đào tạo thừa thì phải xem lại.

Bên cạnh đó, ngành tài chính, ngân hàng và quản trị kinh doanh cơ cấu đào tạo của chúng ta hiện nay vẫn ở mức 40%. Do tái cơ cấu ngành ngân hàng, doanh nghiệp nên thừa nhiều nhân lực này. Đây là thực trạng cần điều tiết. Và chúng tôi sẽ điều tiết theo cách tăng học phí các ngành đang thừa nhân lực và ưu đãi học phí cho những ngành thiếu nhân lực. Đề án đối mới cơ chế cải cách tiền lương sắp tới đang tính thực hiện vấn đề đó.

Thông tin mới về tuyển sinh ĐH, CĐ 2013

Trước những băn khoăn của nhiều độc giả về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 như: Năm nay Bộ GD-ĐT có phát hành cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 hay không? Những thông tin mới của kỳ tuyển sinh năm nay đã có chưa? PGS-TS Ngô Kim Khôi trả lời: Dự kiến ngày 22-1 Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị thi và tuyển sinh 2013. Dự kiến sẽ có một số giải pháp bổ sung cho kỳ tuyển sinh năm nay. Về cơ bản thì kỳ thi vẫn áp dụng theo phương thức ba chung (chung đềm chung đợt và sử dụng chung kết quả). Chính sách ưu tiên khu vực và đối tượng vẫn như các năm trước đây. Tiếp tục thực hiện chính sách tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào các ngành đúng hoặc gần với môn đạt giải quốc gia. Thí sinh các huyện nghèo được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ theo các tiêu chí do các trường đưa ra. Một số vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ sẽ được hưởng chính sách ứu tiên riêng trong tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu nhân lực.

Kỳ thi ĐH, CĐ năm nay vẫn chia làm ba đợt với lịch thi như các năm trước đây. Trong đó có hai đợt dành cho thi ĐH và một đợt thi cho bậc CĐ. Các cụm thi vẫn giữ nguyên như năm 2012. Hồ sơ đăng ký dự thi sẽ có mẫu như năm 2012. Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi dự kiến từ ngày 10-3 đến ngày 10-4 (tại các sở GD-ĐT) và từ 11 đến 17-4 tại các trường ĐH, CĐ. Sẽ có một số điều chỉnh về việc xét tuyển: qui định thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất 20 ngày, thời gian cuối để xét tuyển sẽ rút ngắn lại để phù hợp hơn. Thí sinh được mang thiết bị ghi âm ghi hình không có chức năng truyền tin vào phòng thi để tăng cường kỷ luật phòng thi. Ngoài ra sẽ bổ sung qui định chấm thanh tra bài thi tự luận (chấm 10% bài thi tự luận) trước khi công bố, Bộ GD-ĐT sẽ chấm thẩm định bài thi ở một số trường và công bố công khai kết quả trên các phương tiện truyền thông.

Cuốn những điều cần biết là tài liệu rất quan trọng gồm thông tin tuyển sinh của tất cả các trường ĐH, CĐ. Năm 2012 Bộ GD-ĐT không phát hành mà giao cho Nhà xuất bản Giáo dục VN phát hành. Năm nay tài liệu này cũng do NXB Giáo dục VN phát hành. Hiện Bộ đang tiếp nhận thông tin từ các trường và chuyển cho NXB Giáo dục biên tập và xuất bản. Ngoài ra Bộ cũng yêu cầu các trường chuyển thông tin để Bộ đăng tải trên trang web của Bộ để thí sinh tham khảo. Như vậy, thí sinh sẽ có nhiều kênh để tham khảo thông tin tuyển sinh của các trường.


Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo Tuổi Trẻ