Sự kiện: GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH
Nhiều đổi mới trong kỳ thi đại học, cao đẳng
Chiều 9.1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo công bố về việc đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Theo đó, sẽ có nhiều quy định được xem xét, sửa đổi trong quy chế tuyển sinh năm nay.
10 trường được thi tuyển sinh riêng
Tại cuộc họp báo, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Bộ đã chính thức phê duyệt đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa, nghệ thuật. Năm nay, Bộ cho phép 10 trường thuộc khối ngành này được thi tuyển sinh riêng. Đây là những trường được làm thí điểm đầu tiên khi thực hiện luật Giáo dục ĐH. Sau đề án này, Bộ sẽ tiếp tục xem xét để các trường có đủ điều kiện và đề án phù hợp với thực tiễn được tự chủ chịu trách nhiệm trong tuyển sinh.
|
Theo đề án, phương án tuyển sinh của các trường là: Đối với những trường có tuyển sinh các ngành khối văn hóa (khối C) thì chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung. Đối với những trường có tuyển sinh các ngành khối nghệ thuật (khối H, N, S): môn ngữ văn sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT; môn năng khiếu do hiệu trưởng các trường quyết định. Để tổ chức thi các môn năng khiếu, hiệu trưởng các trường lập đề án trình Bộ VH-TT-DL phê duyệt, báo cáo Bộ trước ngày 31.1.2013.
Ông Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT-DL) cho biết thêm: Lịch thi của các trường này sẽ được bố trí lệch với thời gian của kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức. Thời gian thi sẽ kéo dài hơn nhưng trong vòng tháng 7. Sở dĩ Bộ lựa chọn thời gian này để đảm bảo cho thí sinh tham gia thi các trường khác nhưng thời gian thi cũng không quá kéo dài. Ông Hùng thông tin thêm: Hiện mới chỉ có 10/18 trường thuộc Bộ VH-TT-DL được phép tự chủ tuyển sinh. Còn lại các trường khác trong đó có 2 Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh chưa được thi riêng là do các trường này chưa có đề án khả thi.
Một điểm đáng lưu ý của đề án là Bộ GD-ĐT đã cho phép các đối tượng được xét tuyển thẳng gồm: học sinh đã tốt nghiệp THPT, trung học chuyên nghiệp, đoạt giải xuất sắc hoặc giải nhất, nhì, ba tại các hội thi, hội diễn, liên hoan, triển lãm trong lĩnh vực nghệ thuật ở cấp quốc gia, quốc tế hoặc tương đương được tuyển thẳng vào ĐH hoặc CĐ theo đúng ngành mà thí sinh đã đoạt giải. Việc bảo lưu kết quả đối với thí sinh đoạt giải nhưng chưa tốt nghiệp THPT và thời gian được tính để hướng xét tuyển thẳng được thực hiện theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành.
Yêu cầu ghi âm, ghi hình các bài thi năng khiếu
Trả lời câu hỏi của PV về việc làm thế nào để không có tiêu cực trong tuyển sinh như luyện thi, chấm thi các môn năng khiếu, ông Hùng cho biết: Từ nhiều năm nay, Bộ VH-TT-DL đã rất sát sao trong việc kiểm tra, giám sát các trường để không có tình trạng tổ chức các lò luyện môn năng khiếu. Bộ chưa phát hiện các tổ chức cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi, ôn tập và các hình thức tiêu cực biến tướng khác. Ông Hùng nói: “Sau khi được tự chủ, trách nhiệm của Bộ chủ quản trong việc kiểm tra, giám sát sẽ phải cao hơn. Chúng tôi yêu cầu, nếu cán bộ của trường có liên quan đến luyện thi thì không được vào ban ra đề, chấm thi cũng như tham gia các công việc liên quan”.
Để việc chấm thi môn năng khiếu đảm bảo khách quan, ông Hùng cho hay: Từ nhiều năm nay, Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu các trường phải tổ chức quay video buổi thi môn năng khiếu. Đây là cơ sở để hội đồng chấm thi xem xét và quyết định điểm thi của thí sinh và để giải quyết các khiếu nại về bài thi. Cũng theo ông Hùng, việc ghi âm, ghi hình bài thi năng khiếu của thí sinh là rất quan trọng và cần phải làm để tránh các hiện tượng tiêu cực trong chấm thi.
Trao đổi với PV Thanh Niên về việc Bộ GD-ĐT có áp dụng quy định như vậy cho tất cả các trường có tổ chức thi môn năng khiếu hay không, ông Ngô Kim Khôi cho hay: Năm nay, Bộ sẽ xem xét để đưa quy định này vào quy chế tuyển sinh. Xung quanh việc quy định miễn thi môn ngữ văn đối với thí sinh thi các ngành khối nghệ thuật, ông Khôi cho rằng: Đối với một số ngành có yêu cầu cao về năng khiếu như hát, múa… thì Hội đồng tuyển sinh các trường có thể ưu tiên cho môn năng khiếu. Tuy nhiên, việc miễn thi không có nghĩa là hạ thấp yêu cầu đối với môn học này. Các trường cần đặt ra yêu cầu trong khi xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết các năm học. Các yêu cầu này cần phải được công bố công khai trước khi tuyển sinh.
Khi PV Thanh Niên đề cập đến một số ngành có tuyển sinh năng khiếu (như ngành kiến trúc) rất cần thí sinh có năng lực các môn văn hóa nhưng nhiều trường chỉ đề cao môn năng khiếu (thông qua việc nhân hệ số) dẫn đến việc không đảm bảo chất lượng tuyển sinh, ông Khôi cho biết: Bộ không quy định phải nhân hệ số môn nào mà do hội đồng tuyển sinh của các trường tự quyết định. Tuy nhiên, Bộ sẽ xem xét và có thể có những sửa đổi trong quy chế tuyển sinh năm nay.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Thanh Niên