Trong thời gian qua, có nhiều ngành được đông đảo thí sinh lựa chọn để dự thi ĐH, CĐ nhưng trên thị trường lao động nguồn cung đã thừa.
Nghịch lý cung - cầu
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2010, nguồn cung nhân lực có nhiều nghịch lý. Ở một số ngành như Quản lý điều hành, Tin học, Kế toán, Quản lý nhân sự - Hành chánh văn phòng, Tài chính - Ngân hàng, Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu trong khi nguồn lao động phổ thông thiếu thì nguồn lao động có trình độ từ trung cấp, CĐ, ĐH lại chưa đáp ứng chất lượng. Do đó vẫn có hiện tượng thừa lao động có trình độ nhưng nguồn lao động hiện có lại chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng và làm việc của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó những ngành nghề như Điện tử - Viễn thông Cơ khí - Luyện kim, Giao thông vận tải - Thủy lợi, Dệt - May - Giày da, Nhựa - Bao bì, Mộc - Mỹ nghệ - Trang trí nội thất thường xuyên thiếu lao động kể cả lao động phổ thông.
Điều đáng lưu ý mà báo cáo cho biết là trong năm này những ngành có chỉ số cung cao nhất là Kế toán - Kiểm toán trong khi nhu cầu tuyển dụng chỉ chiếm có 3,25% (đứng thứ 9 trong 10 ngành nghề được tuyển dụng nhiều nhất). Ngược lại ngành Điện tử - Viễn thông có nhu cầu tuyển dụng chiếm khá cao 5,96% (đứng thứ 5 trong 10 ngành nghề được tuyển dụng nhiều nhất) nhưng nguồn cung lại ở mức thấp nhất.
Nguồn cung theo trình độ cũng mất cân đối. Trong khi năm 2010 nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ CĐ, ĐH chiếm 19,08% nhưng nguồn cung chiếm tới 53,20%. Ngược lại, số người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề chỉ có 19,41%, trong khi nhu cầu tuyển dụng chiếm 24,51%.
10 ngành đắt giá
Theo báo cáo của trung tâm, tổng hợp các nhu cầu tuyển dụng của trên 6.000 doanh nghiệp đã được khảo sát cho thấy những ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều trong năm 2011 gồm: Cơ khí, Điện, Điện tử, Dệt may - Giày da, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán, Chế biến thực phẩm, Quản lý điều hành, nhân sự, Mộc - Mỹ nghệ, Trang trí nội thất, Xây dựng - Kiến trúc... Đồng thời những ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân lực trong năm 2010 như marketing, dịch vụ, phục vụ, vệ sinh công nghiệp… cũng tiếp tục phát triển. Đặc biệt nhu cầu tăng mạnh đối với công việc giúp việc gia đình, chăm sóc người già, vệ sinh công nghiệp, phục vụ, bán hàng tiếp tục tăng mạnh nhu cầu nhân lực.
Trung tâm cũng đưa ra cảnh báo: một số ngành nghề nguồn cung nhân lực tiếp tục tăng nhanh so nguồn cầu trong năm 2011 như Quản lý điều hành, Kế toán, Hành chánh văn phòng, Kho bãi - Vật tư - Xuất nhập khẩu, Tin học, Quản trị kinh doanh, sẽ là những ngành mất cân đối về chất lượng nhân lực trong năm 2011.
Chỉ số nhu cầu theo trình độ chuyên môn năm 2010