Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương cho biết, những năm gần đây, thí sinh nộp đơn nhiều nhất vào ngành kinh tế đối ngoại, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh; các ngành ngoại ngữ thương mại nhận được ít hồ sơ đăng ký hơn. Ông Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính cũng phản ánh các ngành học kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán... vẫn đắt hàng, và thêm đối với các lĩnh vực bảo hiểm, kiểm toán..
.
.
Các ngành học hot ở ĐH Kinh tế Quốc dân như kế toán, kiểm toán, tài chính doanh nghiệp, thậm chí ngành mới toán tài chính cũng đông thí sinh nộp đơn. Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường nói: Đến nay vẫn chưa có dự báo nào của quốc gia về nhu cầu lao động và số người đăng ký vào học các ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng chưa giảm. Số sinh viên tìm được việc làm trong 8 tháng đầu tiên kể từ khi ra trường đạt khoảng 40%, có những ngành đạt 70-80%.
Theo ông Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính, nhận định vài năm nữa sẽ dư thừa nhân lực các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng là chưa chính xác. Bởi thừa hay thiếu phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế đất nước. Nếu kinh tế phát triển, mở ra càng nhiều doanh nghiệp thì càng cần nhiều kế toán.
Hơn nữa khi học về kế toán là người học được học về quản lý nên sau khi ra trường, không nhất thiết phải làm kế toán mà có thể làm công tác quản lý, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông Chi cũng nhìn nhận: “Sản xuất mãi cũng dẫn đến sự thừa; nếu đổ dồn vào đào tạo kinh tế, tài chính, không có ngành kỹ thuật thì trong tương lai sẽ chả có gì mà quản lý!”.
Ông Nguyễn Quang Dong nhận định: Gần chục năm nữa sẽ có thay đổi; những ngành khoa học cơ bản, công nghệ, kỹ thuật có thể sẽ dịch chuyển, nếu không sẽ thiếu nhân lực.
Vậy mùa tuyển sinh ĐH- CĐ năm tới, thí sinh có nên tiếp tục chạy theo các ngành hot không? Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN cảnh báo: “Ra trường tìm được việc ngay và lương cao quả là cái đích hấp dẫn. Nhưng nếu không có định hướng tốt về đào tạo thì chỉ khoảng 2 khóa học nữa sinh viên các ngành tài chính, ngân hàng sẽ khó tìm được việc làm”. Ông Ngô Thế Chi cũng cho rằng, thí sinh hãy lựa chọn ngành học theo năng lực và sở thích của chính mình, không nên theo phong trào hay sự ép buộc của cha mẹ.
Theo Giáo Dục