Giải tỏa lo lắng về kỳ thi quốc gia

Lo lắng với kỳ thi THPT quốc gia là tâm trạng chung của hầu hết học sinh đến dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2015 tại tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Ngay trong hai buổi tư vấn đầu tiên của chương trình, gần như những lo lắng đó đã được giải tỏa.

Tư vấn tuyển sinh 2015: Có nhiều căn cứ xét tuyển cho thí sinh
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2015 do báo Tuổi Trẻ tổ chức đã mở màn tại Kon Tum, thu hút hàng ngàn học sinh tham gia - Ảnh: T.B.Dũng

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Kon Tum, Gia Lai phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Cần xác định mục đích dự thi

PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi từ đầu năm học và dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Dự kiến hai quy chế này sẽ được ban hành trong tháng 1-2015.

Theo ông Nghĩa, điểm mới của kỳ thi năm nay là thay cho việc tổ chức hai kỳ thi riêng thì nay chỉ còn một kỳ thi với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Kỳ thi này sẽ được tổ chức đầu tháng 7-2015.

Với thay đổi này năm nay các em đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi nên quy trình xét tuyển sẽ có một số điều chỉnh. Các em cần nắm bắt đầy đủ quy định để có thể chọn được ngành phù hợp với điểm thi và nguyện vọng của mình” - ông Nghĩa khuyên.

Đầu tiên thí sinh phải đăng ký dự thi tại các trường THPT, nơi các em đang học. Các thí sinh tự do (thi trượt ĐH, CĐ những năm trước) đăng ký tại những nơi sở GD-ĐT quy định. Đầu tháng 3-2015 thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Ông Nghĩa lưu ý điều quan trọng là thí sinh cần phải xác định được mục đích xét tốt nghiệp THPT hay xét tuyển ĐH, CĐ hay cả hai mục đích trên. Về chính sách ưu tiên trong xét tuyển ĐH, CĐ, ông Nghĩa cho biết vẫn giữ ổn định so với năm 2014.

Về cách thức xét tuyển ĐH, CĐ, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho biết sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh đã đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi.

Thí sinh dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa bốn đợt, mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng. Ở mỗi đợt xét tuyển, thí sinh dùng giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng tương ứng với đợt xét tuyển để đăng ký xét tuyển vào tối đa bốn ngành của một trường ĐH, CĐ.

Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển (20 ngày), thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác. Tuy nhiên, nếu trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi sẽ không được đăng ký vào những lần xét tuyển sau. Trường hợp thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì trường xét tuyển sẽ trả kết quả về cho bộ và thí sinh tiếp tục được xét tuyển các đợt tiếp theo” - TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết.

Tư vấn tuyển sinh 2015: Có nhiều căn cứ xét tuyển cho thí sinh
Học sinh các trường THPT tại Gia Lai đặt câu hỏi với các thành viên ban tư vấn - Ảnh: B.D.

Lo học sinh trượt nhiều

Nhiều học sinh tỉnh Kon Tum lo lắng trước thông tin năm nay Bộ GD-ĐT áp dụng thang điểm 20. “Những năm trước đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH khác nhau về độ khó. Với đề thi tốt nghiệp thí sinh dễ dàng đạt 5 điểm. Nhưng năm nay đề thi vừa xét tốt nghiệp vừa xét ĐH mức độ khó sẽ nâng lên...” - một học sinh Trường THPT Kon Tum lo lắng.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa trấn an: “Thang điểm 20 là một trong những đề xuất của dự thảo quy chế và cũng đang lấy ý kiến. Nếu xét thấy có lợi cho học sinh thì chúng tôi sẽ áp dụng. Các em yên tâm với thang điểm 20 các thầy cô khi chấm sẽ vất vả, nhưng đối với thí sinh được lợi hơn vì thang điểm được tính chi tiết hơn. Tuy nhiên về bản chất thang điểm 20 sẽ không khác gì so với thang điểm 10”.

Các học sinh tỉnh Gia Lai quan tâm và tỏ ra lo lắng với đề thi của kỳ thi THPT quốc gia. Một nữ sinh Trường THPT Pleiku (Gia Lai) thắc mắc: “Chúng em rất muốn biết đề thi của kỳ thi THPT sẽ có cấu trúc ra sao và được ra theo hướng nào?”.

Trả lời, ThS Nam Nhật Minh (phó trưởng phòng quản lý thi, tuyển sinh và công nhận văn bằng - Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT) cho biết thêm cấu trúc đề thi năm nay được xây dựng trên cơ sở kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, đều nằm trong chương trình THPT và tập trung chủ yếu kiến thức lớp 12.

Đề thi năm nay vẫn có những câu hỏi tương tự đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước đây để học sinh có học lực trung bình có thể làm được và đủ điều kiện tốt nghiệp. Đồng thời có những phân hóa để phục vụ việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy các em có thể hoàn toàn yên tâm” - ông Minh nói.

Hôm nay (28-12), chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tiếp tục diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Bình Định (236B Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn).

Ba đối tượng dự thi

Trong kỳ thi năm nay sẽ có ba đối tượng: thứ nhất là các học sinh THPT đăng ký dự thi vừa để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển ĐH, CĐ phải đăng ký tối thiểu bốn môn (toán, văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn lý, hóa, sinh, sử, địa) để được xét tốt nghiệp.

Đối tượng thứ hai là thí sinh tự do chỉ đăng ký tối thiểu ba môn với mục đích xét tuyển ứng theo các khối thi theo quy định của các trường có nguyện vọng xét tuyển. Ngoài ra, thí sinh có thể đăng ký thi những môn khác để thêm cơ hội xét tuyển. Đối tượng thứ ba là các học sinh đăng ký thi với mục đích xét tốt nghiệp. Những thí sinh này chỉ thi bốn môn (toán, văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn). Những thí sinh này vẫn có thể đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng dựa vào kết quả học bạ THPT.

Nhiều căn cứ xét tuyển

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, năm nay trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Trường xét tuyển các môn toán, hóa và sinh. Trong trường hợp thí sinh bằng điểm nhau trường sẽ ưu tiên xét tuyển thí sinh có điểm môn hóa cao hơn (đối với ngành dược) và môn sinh đối với các ngành còn lại.

Trong trường hợp xét ưu tiên này vẫn bằng nhau, trường tiếp tục xét đến điểm trung bình bốn môn thi tốt nghiệp, thí sinh nào có tổng điểm tốt nghiệp cao hơn sẽ được ưu tiên. Nếu gặp trường hợp tiếp tục bằng điểm nữa nhà trường sẽ xét đến điểm học bạ ba môn toán, hóa, sinh. Riêng ngành cử nhân phục hình răng sẽ có sơ tuyển năng khiếu kỹ thuật.

Theo báo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20141228/giai-toa-lo-lang-ve-ky-thi-quoc-gia/691437.html

Video được xem nhiều trong tuần: Kỹ năng giao tiếp ứng xử

Chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử