Sáng 1/8, V.H.H. cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm nay, em có điểm thi như sau: Toán 9,6 ; Hóa 9,75 ; Sinh 10; Tiếng Anh 8,8.
Tổ hợp xét tuyển khối B của H. là 29,35 điểm (do thuộc khu vực 3 nên không có điểm cộng). Theo quy tắc làm tròn, điểm của nam sinh giảm xuống còn 29,25.
Thí sinh này đăng ký nguyện vọng lần lượt là: Y đa khoa - ĐH Y Dược TP.HCM; Y đa khoa - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Y đa khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM; ĐH Y Dược Cần Thơ.
Nhà trường lấy 29,25 điểm là mức tối thiểu và xét tiêu chí một: Môn Tiếng Anh đạt từ 9 điểm trở lên; tiêu chí 2: Sinh( với ngành Y) từ 9,75 điểm). Vì môn Tiếng Anh có điểm 8,8, nam sinh này trượt nguyện vọng một. Trong danh sách thí sinh trúng tuyển không có tên của H.
H. bày tỏ sự băn khoăn: “Tại sao trường không xét tiêu chí một là điểm gốc (chưa làm tròn) như của ĐH Y Hà Nội và ĐH Y Phạm Ngọc Thạch? Điều này khiến em bị thiệt thòi hơn khi điểm gốc của em là 29,35, cao hơn điểm chuẩn nhưng lại bị trượt nguyện vọng một”.
Theo nam sinh, với cách làm tròn điểm này, cậu mất đi ước mơ, quyết tâm, ấp ủ từ bé trong sự oan ức. Điều này khiến cậu và gia đình rất buồn và thất vọng, bởi các thí sinh khác đạt 29,15 điểm cũng được làm tròn lên 29,25 và có khả năng đỗ.
Nam sinh TP.HCM đề xuất: “Em cần Bộ GD&ĐT và ĐH Y Dược TP.HCM đưa ra cách giải quyết hợp lý cho em và những thí sinh tham dự”.
Bộ GD&ĐT nói gì?Trả lời Zing.vn, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, thông tin: Quy chế làm tròn điểm đến 0,25 có từ rất lâu, đã được quy định và áp dụng trong nhiều năm nay.
Các thí sinh hơn kém nhau thường do một câu trắc nghiệm, như vậy không đánh giá được thí sinh nào giỏi hơn, nên ở quy tắc làm tròn không có sự bất công. Không thể khẳng định thí sinh đạt 27,6 giỏi hơn em 27,4 trong học tập và các lĩnh vực của nghề nghiệp, cuộc sống... Hai thí sinh này chỉ hơn nhau ở một câu trắc nghiệm và đều được làm tròn thành 27,5.
Nếu trường lấy tất cả thí sinh từ 27,5 hoặc thấp hơn, việc làm tròn điểm không ảnh hưởng. Theo quy chế tuyển sinh, những trường hợp bằng điểm ở cuối danh sách, trường có quyền căn cứ kinh nghiệm tuyển sinh và yêu cầu của ngành đào tạo để lựa chọn phù hợp.
Cũng theo bà Phụng, quy định để các trường có quyền chọn các tiêu chí phụ phù hợp vì lý do: Điểm thi là căn cứ xét tuyển nhưng với mức điểm thi gần như tương đương nhau thì còn có thể căn cứ nhiều yếu tố khác (điểm quá trình học, lĩnh vực năng lực sở trường, nguyện vọng, tư duy lập luận, phản biện; khả năng phản ứng…) mới đảm bảo công bằng trong đánh giá năng lực theo yêu cầu của ngành đào tạo.
Nếu thi tự luận, khoảng cách là 0,5 điểm thì ở thi trắc nghiệm, điểm cách nhau 0,25. Đây là con số rất chi tiết.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, các trường đại học đặt ra tiêu chí phụ như: Xét điểm làm tròn hay chưa làm tròn, điểm ngoại ngữ cao hơn hay xét theo thứ tự nguyện vọng cao hơn... là việc tuyển sinh của trường dựa trên quy chế của Bộ GD&ĐT. Điều này giúp trường lựa chọn thí sinh trong trường hợp nhiều em có điểm thi tương đương nhau.
Quy định làm tròn điểmTheo quy định của Bộ GD&ĐT, điểm xét tuyển đại học được làm tròn đến hai chữ số thập phân, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực.
Điểm xét tuyển đại học là tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển do trường quy định cho ngành đó, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và được làm tròn đến hai số thập phân, sau đó làm tròn theo bước 0,25.
Cụ thể, lấy 0,25 chia 2, nếu điểm dưới mức này thì làm tròn xuống mức dưới, trên mức này thì làm tròn lên mức trên. Như vậy, số điểm thí sinh được tăng hoặc bị hạ khi làm tròn sẽ không quá 0,125.
Ví dụ, thí sinh đạt tổng điểm 3 môn là 24,35 sẽ được làm tròn thành 24,25, tức là hạ 0,1 điểm. Thí sinh đạt tổng 3 môn là 24,88 sẽ làm tròn thành 25, tăng 0,12 điểm.
Quy định chi tiết về mức điểm được làm tròn đến hai chữ số thập phân như sau:
Theo zing.vn