>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm sàn đại học 2013, điểm chuẩn đại học
Với điểm thi quá cao, hai trường ĐH Y Hà Nội và Y dược TP.HCM đang phải đau đầu tính toán điểm chuẩn sao cho đúng quy chế, lại không gây thiệt thòi cho thí sinh.
Cân nhắc điểm chuẩn đại học trường Y
Trường ĐH Y Hà Nội vừa có công văn đề xuất với Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cho phép trường được tuyển thêm khoảng 150 chỉ tiêu ngoài ngân sách để xét tuyển thêm những thí sinh đạt từ 26-27,5 điểm khi điểm chuẩn của trường năm nay buộc phải xác định ở mức cao nhất từ trước đến nay: 28 điểm.
Ông Nguyễn Hữu Tú - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - cho biết năm 2013, trường có 550 chỉ tiêu bác sĩ đa khoa, nhưng có đến 94 trường hợp trúng tuyển nhờ tuyển thẳng và xét tuyển thẳng (79 trường hợp tuyển thẳng do đoạt giải ba quốc gia môn sinh học trở lên) và 15 trường hợp xét tuyển thẳng (đoạt giải ba quốc gia các môn khác ngoài môn sinh học, tốt nghiệp THPT loại giỏi, thi vào trường đạt điểm trên sàn). Do đó, số chỉ tiêu thực tế để thí sinh dự kỳ thi ĐH vừa qua cạnh tranh một suất vào ngành bác sĩ đa khoa chỉ còn lại 456.
Theo thống kê, số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên là gần 720 em, số từ 27,5 điểm trở lên là gần 570 em, từ 28 điểm trở lên là gần 410 em (đã tính điểm ưu tiên đối tượng, khu vực). Như vậy, nếu dự kiến điểm chuẩn từ 27,5 điểm trở lên sẽ thừa hơn 110 chỉ tiêu, nhưng nếu lấy điểm trúng tuyển là 28 điểm thì ngành bác sĩ đa khoa lại thiếu hơn 40 chỉ tiêu. Quy định tuyển sinh của trường không lấy điểm sàn vào trường để giúp thí sinh có điều kiện chuyển ngành như một số trường khác nên thí sinh đạt điểm cao không thể chuyển từ ngành bác sĩ đa khoa sang các ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn.
Trước tình hình này, trường đã dự kiến điểm chuẩn ngành bác sĩ đa khoa 28 điểm, đồng thời đề xuất xin Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT duyệt cho trường thêm khoảng 150 chỉ tiêu đào tạo hệ ngoài ngân sách để tuyển thí sinh đạt từ 26-27,5 điểm.
Ngày 5-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Tú cho hay trong trường hợp Bộ GD-ĐT cho phép trường tăng chỉ tiêu ngoài ngân sách thì trong thông báo trúng tuyển đến các thí sinh này trường sẽ nói rõ điều kiện các em phải bảo đảm để theo học. Theo đó, các điều kiện, quyền lợi học tập SV được hưởng như nhau, nhưng SV thuộc hệ đào tạo ngoài ngân sách sẽ phải đóng học phí cao hơn bình thường. Được biết, mức đầu tư ngân sách cho SV Trường ĐH Y Hà Nội hiện ở mức khoảng 500.000 đồng/SV/tháng, cao hơn gần gấp đôi so với các ngành đào tạo kinh tế, xã hội nhân văn. SV hệ ngoài ngân sách ngoài học phí thông thường sẽ phải tự đóng góp khoản chi phí mà ngân sách cấp cho SV nằm trong chỉ tiêu đào tạo ban đầu. Như vậy, thí sinh phải chấp nhận đóng thêm ít nhất 5-7 triệu đồng/năm/SV để theo học hệ này. “Đây chỉ là giải pháp tình thế cho năm nay khi số thí sinh đạt điểm cao quá nhiều. Còn thực tế, trường không muốn tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh vì với số lượng tuyển sinh như đăng ký, việc đào tạo đã ở tình trạng quá tải” - ông Tú chia sẻ.
Do điểm thi cao, Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng có văn bản gửi Bộ GD-ĐT hỏi về việc cộng điểm ưu tiên đối với một số thí sinh được cho là thuộc dân tộc thiểu số. Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, việc cộng điểm ưu tiên này sẽ vẫn phải thực hiện bình thường. Lý do được đưa ra là việc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh quốc tịch VN, có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số đã được quy định rõ trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bộ GD-ĐT thận trọng
Theo nguồn tin từ Bộ GD-ĐT, bộ đang rất thận trọng trong việc xét duyệt một trường ĐH được tuyển sinh chỉ tiêu ngoài ngân sách tại thời điểm này. Các năm trước, bộ từng cho phép một số trường ĐH lớn, có điểm chuẩn cao được tuyển sinh hệ ngoài ngân sách với điểm trúng tuyển không thấp quá 2 điểm so với điểm chuẩn của trường, nhưng sau đó đã bị phản ứng dữ dội khi hệ đào tạo ngoài ngân sách thường phải đóng học phí rất cao. Bản thân thí sinh khi được trúng tuyển ở mức dưới điểm chuẩn từ 0,5-2 điểm thì hào hứng, nhưng khi vào học phải đóng mức học phí cao hơn 3-4 lần so với bình thường lại tỏ ra bức xúc, không phục.
Ngoài ra, các trường ngoài công lập còn cho rằng việc cho phép tuyển sinh ngoài ngân sách khiến các trường tốp dưới bị hụt nguồn xét tuyển, nên từ năm 2012 Bộ GD-ĐT đã chấm dứt hoàn toàn việc cho phép cục bộ một vài trường được tuyển sinh ngoài ngân sách. Được biết, ban chỉ đạo tuyển sinh của bộ sẽ họp để bàn về đề xuất này của Trường ĐH Y Hà Nội.
Theo Ngọc Hà, Báo Tuổi trẻ