Do học sinh lớp 1 mới nhập học chưa có “đóng góp” cơ sở vật chất cho nhà trường nên được đưa lên lầu cao để ngồi.
> Rèn luyện các em học sinh ngay từ khi bước vào năm học mới
> TPHCM: Phụ huynh cực khổ tìm mua Sách giáo khoa
Chị Nguyễn Lan Anh (đã đổi tên nhân vật, ngụ Q.7, TPHCM), phụ huynh của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7) phản ánh: các em học sinh lớp 1 bị đưa lên lầu 3 (tầng trên cùng) còn những lớp còn lại được học ở tầng dưới.
Tuy nhiên, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có “lớp 1 tích hợp” là lớp 1/9 lại được bố trí phòng học ở tầng trệt.
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu còn có 2 lớp 1 với sĩ số khoảng 60 em. Nhiều em học sinh còn bỡ ngỡ với môi trường học mới.
Chị Lan Anh chia sẻ “một số em nhỏ con, xách cặp đến trường rồi leo cầu thang lên tầng cao rất vất vả. Cặp thì rất nặng so với các con”.
Phụ huynh lớp 1 đã đến BGH của trường để đưa ra ý kiến và nhận được phản hồi, do các lớp trước, phụ huynh đã đầu tư thiết bị cho các con của họ nên chưa thể đổi phòng học được.
Chị Lan Anh lập luận, đây là trường công lập, phục vụ vì lợi ích chung của người dân, lẽ nào lại có sự phân biệt như vậy?
Các phụ huynh rất hiểu, thông cảm cho nhà trường khi những phòng học ở phía trên chưa được trang bị máy móc, phương tiện cho việc học của các em.
“Đây cũng là cơ sở cho nhà trường vận động phụ huynh đóng góp kinh phí để trang bị cho học sinh trong suốt thời gian học tại trường”, chị Lan Anh nói.
Trong khối lớp 1 của trường, các em còn được chia ra, gồm 3 nhóm: Lớp 1 tích hợp, lớp 1 tăng cường và lớp 1 bình thường.
Tất cả các em học sinh lớp 1 đầu vào theo dạng “chính ngạch” được đưa lên cho học tầng trên cùng, trừ những học sinh “lớp 1 tích hợp” được ở tầng trệt.
Cô Nguyễn Hà Phương Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nói, trường được xây dựng có 30 phòng học. Năm nay, số học sinh của trường đông quá, nên áp lực của trường phải tăng thêm 6 phòng học.
Trường phải lấy phòng chức năng để làm phòng học cho học sinh, tránh tình trạng các em không có phòng học.
Chính vì vậy, phòng chức năng ở dưới đất thì lấy làm phòng học và hết phòng chức năng ở tầng trệt thì lấy phòng chức năng trên lầu 3 để làm phòng học.
Ban Giám hiệu trường không phân biệt học sinh giữa lớp này với lớp khác.
Cô Thanh cho biết: “Nhà trường sẽ sắp xếp, bố trí lại các phòng học trong thời gian tới. Ở những lớp trước, phụ huynh đã tài trợ máy móc, thiết bị cho lớp đó với cam kết được sử dụng 5 năm”.
Đối với lớp 1 mới nhập học, không thể sử dụng những lớp này mà đẩy các em học sinh của năm ngoái vào lại lớp mới để trang bị máy móc từ đầu.
Cô Thanh khẳng định: “Sau khi họp phụ huynh xong, nhà trường mới có thể di chuyển, bố trí lại lớp học”.
Theo Giáo dục Việt Nam - Kênh tuyển sinh
> Hà Nội: Chật vật sĩ số lớp 1 với 60 học sinh/lớp
> Phụ huynh mong mỏi điều gì trong năm học mới?