Với thời gian gấp rút, lượng kiến thức nặng và dàn trải, nếu không có sự định hướng về nội dung, nếu Bộ GD-ĐT không công bố sớm đề thi minh họa (trong đó công bố rõ tỉ lệ các câu hỏi cơ bản và nâng cao trong đề thi) sẽ dễ khiến học sinh lo lắng, hoang mang

Bà NGUYỄN THỊ THU Anh (hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội)

“Đề thi sẽ định hướng cách học của học sinh và cách dạy của thầy cô. Rất nhiều giáo viên, học sinh lo lắng vì chưa biết đề thi sẽ như thế nào” - thầy Nguyễn Bình Minh, giáo viên môn toán Trường THPT Gò Vấp, chia sẻ.

Trường THPT xoay theo phương án thi ĐHGiáo viên Trường Quốc Văn Sài Gòn hướng dẫn học sinh giải bài tập môn toán - Ảnh: HỮU KHOA

Giáo viên, học sinh sẽ vất vả

Ở Trường THPT Thành Nhân, cô Lý Thục Trang, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Giáo viên trường tôi đã và đang soạn lại đề cương dạy học. Với bối cảnh như hiện nay chắc chắn cả giáo viên và học sinh sẽ rất vất vả.

Trong khi chương trình, sách giáo khoa chưa giảm tải mà thời lượng làm bài thi giảm, số lượng câu hỏi của mỗi môn thi cũng giảm, chúng tôi rất băn khoăn. Như bài thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên, môn sinh chỉ có 20 câu, liệu có thể đánh giá toàn diện và đầy đủ năng lực của thí sinh để vào học trường ĐH Y?

Chúng tôi mong Bộ GD-ĐT sớm công bố kế hoạch thi THPT, tuyển sinh 2017 chính thức và đề thi mẫu để giáo viên có định hướng cụ thể, rõ ràng trong giảng dạy”.

Cô Đặng Thị Yến, hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, thông tin: “Ngày 14-9, tổ toán trường chúng tôi đã tổ chức họp chuyên môn và cùng thảo luận về việc chuyển hướng cách dạy môn học này theo hướng cho học sinh đi thi trắc nghiệm.

Lo nhất là môn sử - năm đầu tiên thi trắc nghiệm, nếu bộ ra đề hỏi về ngày - tháng - năm thì thí sinh rất dễ nhầm lẫn. Chưa kể môn học này khá nặng, việc học và ôn thi là rất khó khăn đối với học sinh cuối cấp.

Chúng tôi đã thống nhất là hiện tại giáo viên cứ dạy những kiến thức cơ bản trước. Đợi đến tháng 10 khi có đề thi mẫu, nhà trường sẽ họp phụ huynh, đồng thời cho học sinh đăng ký môn thi.

Với những em chọn thi môn khoa học xã hội sẽ phải học thêm ít nhất 1 buổi/tuần vào buổi chiều (Trường Phú Nhuận dạy 2 buổi/ngày - PV) theo chuyên đề, chủ đề để biết cách làm bài thi trắc nghiệm cũng như cách học để đáp ứng yêu cầu của bài thi”.

Lo không đánh giá chính xác năng lực học sinh

Trong khi đó, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền vẫn áp dụng cách dạy và học để học sinh làm được bài thi như năm học 2015-2016.

Theo thầy Võ Văn Dũng - hiệu trưởng nhà trường, từ đầu năm học trường đã triển khai chuyên môn xuống các tổ, giáo viên vẫn dạy theo hướng thi trắc nghiệm - tự luận các môn tự chọn, đến nay vẫn chưa có sự thay đổi nào khác.

“Trường đợi lúc có quyết định chính thức của Bộ GD-ĐT mới có sự thay đổi cách dạy và học phù hợp” - thầy Dũng cho biết.

Tuy nhiên, thầy Võ Văn Dũng cũng băn khoăn: “Với tổ hợp khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) thì đến khi tính điểm thi ĐH sẽ tách ra như thế nào? Ví dụ, học sinh dự định xét tổ hợp toán - lý - hóa để vào ĐH sẽ tính điểm các môn lý - hóa ra sao?

Riêng việc chuyển thi môn toán từ tự luận sang trắc nghiệm thì hầu hết giáo viên và học sinh có tâm lý hơi lo lắng, vì thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ khó đánh giá chính xác năng lực thực tế và óc tư duy logic, sáng tạo của học sinh”.

Theo thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc - tổ trưởng tổ toán Trường THPT Phú Nhuận: “Với đề thi trắc nghiệm, chúng tôi hi vọng sẽ không có những câu hỏi theo kiểu đánh đố như đề thi môn toán tự luận năm 2016, làm học sinh khổ sở và cuối cùng đành cắn bút chịu thua!

Trường chúng tôi đã chuyển hướng trong việc dạy và học môn toán: theo chiều rộng chứ không theo chiều sâu như trước. Giáo viên sẽ chú ý rèn cho học sinh kỹ năng tính nhẩm, cách tư duy để giải toán...

Dự kiến kỳ kiểm tra giữa học kỳ và cuối học kỳ trường sẽ ra đề theo kiểu trắc nghiệm để học sinh tập làm quen. Riêng các bài kiểm tra còn lại, giáo viên vẫn ra theo kiểu tự luận để kiểm tra kỹ năng giải thích, chứng minh, lập luận... của học sinh”.

Còn tại Trường THPT Gia Định, ngay sau khi có dự thảo của Bộ GD-ĐT, ban giám hiệu nhà trường đã có buổi họp với các tổ chuyên môn về hướng ra đề thi mới theo dự thảo.

“Hiện trường tôi đã có ngân hàng đề thi. Chỉ cần Bộ GD-ĐT có kế hoạch thi chính thức là trường áp dụng hình thức thi mới trong kiểm tra, thi học kỳ... với học sinh lớp 12” - một giáo viên của Trường THPT Gia Định cho biết.

“Với 20 câu hỏi trắc nghiệm môn lịch sử và có đến 26 bài lịch sử trong chương trình lớp 12, tôi không biết đề thi trắc nghiệm sẽ ra hướng như thế nào? Chẳng lẽ một bài học là một câu hỏi? Thi trắc nghiệm sẽ không kiểm tra được trình độ tư duy, phân tích, lập luận... của học sinh và sẽ rất khó để chọn lựa chính xác học sinh giỏi lịch sử ở các môn khối C” - cô Bùi Mi Thủy, giáo viên Trường THPT Gia Định, trăn trở.

Hà Nội: điều chỉnh kế hoạch dạy học

Ủng hộ phương án thi 2017 theo bài, trong đó có bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhưng bà Nguyễn Thị Thu Anh - hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành - cho rằng nhà trường, thầy cô giáo các bộ môn phải điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với sự thay đổi về thi.

Chương trình sách giáo khoa hiện nay đang nặng. Trong khi thầy trò chỉ có không đến một năm để chuẩn bị. Với thời gian gấp rút, lượng kiến thức nặng và dàn trải, nếu không có sự định hướng về nội dung, nếu Bộ GD-ĐT không công bố sớm đề thi minh họa (trong đó công bố rõ tỉ lệ các câu hỏi cơ bản và nâng cao trong đề thi) sẽ dễ khiến học sinh lo lắng, hoang mang.

Thầy Hà Xuân Nhâm - hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - băn khoăn: “Chúng tôi rất mong phương án thi ngã ngũ. Hiện chúng tôi vẫn chờ đợi để được làm rõ một số điểm mới. Ví dụ, bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội sẽ được ra đề như thế nào? Học sinh làm bài trên 1 phiếu hay 3 phiếu?...

Từ nội dung đến cách thức thi quá mới nên chính thầy cô giáo rất cần được biết thông tin để điều chỉnh cách dạy”.

Thầy Nhâm cũng cho biết thêm riêng đối với môn toán trước đây chỉ dạy học sinh cách tư duy, lập luận, trình bày; còn hiện nay tổ toán đã phải điều chỉnh ngay cách dạy là “luyện cho học sinh cách giải nhanh, phương pháp thử và loại trừ, kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay...”.

Cũng về môn toán, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên toán Trường THPT Lương Thế Vinh - chia sẻ: “Trong môn toán có nhiều phần đồ sộ, như đại số, lượng giác, giải tích, hình giải tích, hình không gian... Để ôn thi cho học sinh theo cấu trúc tự luận đã vất vả.

Đơn cử, chỉ với một phần kiến thức nhỏ của hình học không gian, nếu học sinh bị yếu, chúng tôi phải mất hai tháng để hướng dẫn (thời lượng 2 tiết hình học/tuần).

Nhưng nếu Bộ GD-ĐT đổi hình thức thi trắc nghiệm thì trong chín tháng tới, có lẽ tổ toán phải căng người để hướng dẫn học sinh nhưng chưa chắc đã có hiệu quả tốt. Bởi vậy, từ bây giờ chúng tôi đã phải nghĩ tới điều chỉnh kế hoạch dạy học để học sinh làm quen với trắc nghiệm.

Thầy Lại Tiến Minh - giảng viên Trường ĐH Kiến trúc, thỉnh giảng ở một số trường THPT tại Hà Nội - cũng cho biết: “Học sinh của tôi khá hoang mang vì thay đổi nhiều quá. Lo nhất là môn toán. Vì nếu thi trắc nghiệm toán thì chắc chắn việc dạy, việc học sẽ phải thay đổi hoàn toàn.

Nhưng nếu đã quyết thì thầy trò chúng tôi cũng phải “sống chung với lũ”. Nhưng sẽ phải mất vài tháng lao đao rồi mới vào guồng, thầy trò phải gồng lên để ôn tập cho kịp với kỳ thi!”.

Tại nhiều trường THPT ở Hà Nội như Đinh Tiên Hoàng, Lê Quý Đôn, Phan Đình Phùng... giáo viên các bộ môn đều bày tỏ lo lắng với dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2017.

Một giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái cho biết: “Rất nhiều phụ huynh điện thoại hỏi tôi, nhưng tôi cũng chỉ biết như báo chí thông tin. Nhiều cái mới như thế mà chỉ tập làm quen trong vài tháng thì sẽ rất khổ cho thầy trò phải chạy đua cùng sự đổi mới”.

Theo nhiều thầy cô giáo, có hai điểm khiến học sinh, phụ huynh lo nhất là hai bài thi tổ hợp từ sáu môn học, và môn toán chuyển sang thi trắc nghiệm.

“Nếu không có giới hạn chương trình hay định hướng nội dung trọng tâm sẽ rất lo vì kiến thức dàn trải, thời gian thì ngắn” - một phụ huynh ở Trường Phạm Hồng Thái nói.

Theo GS Văn Như Cương - Trường THPT Lương Thế Vinh: “Thi trắc nghiệm hay tự luận, đổi mới thi như thế nào cũng cần có thời gian cho thầy trò ở phổ thông chuẩn bị. Tình hình hiện nay khiến nhiều học sinh, phụ huynh rất hoang mang.

Nhà trường cũng trấn an học sinh, hướng dẫn học sinh ôn tập bám sát kiến thức trong chương trình, nhưng sẽ không tránh khỏi có nhiều học sinh lúng túng, lo lắng. Và con đường đến các lớp học thêm sẽ là phương cách khiến các phụ huynh, học sinh giải tỏa nỗi lo ấy!”.

 


Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160916/truong-thpt-xoay-theo-phuong-an-thi-dh/1172196.html