Nhiều trường tốp trên dự kiến giảm điểm chuẩn đại học 2014
Một số trường đại học lâu nay thuộc diện “hút” thí sinh nhất năm nay dự kiến điểm trúng tuyển thấp hơn so với năm trước, với nhiều nguyên nhân
Một số trường những năm trước có điểm trúng tuyển rất cao, nhưng năm nay đã dần hạ xuống với nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân đề thi phân loại thí sinh tốt hơn năm trước.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến điểm sàn khối A vào trường năm nay là 21 điểm. Như vậy, điểm sàn vào trường năm nay đã giảm so với năm 2013 tới 1,5 điểm.
Theo đó, khối A1, D1 (môn ngoại ngữ chưa nhân hệ số): 21 điểm - giảm 1,5 điểm so với năm 2013. Tuy nhiên, khối A1, D1 (môn ngoại ngữ nhân hệ số 2) lại lên tới 28 điểm – tăng mạnh so với mức 24,5 điểm của năm trước. Ngành có điểm chuẩn dự kiến cao nhất là Quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh (E-BBA) 30 điểm (môn Ngoại ngữ nhân hệ số 2); Ngành Ngôn ngữ Anh 29 điểm (ngoại ngữ nhân hệ số 2); Ngành POHE 28 điểm (ngoại ngữ nhân hệ số 2); Ngành Kế toán 24 điểm; Ngành Tài chính Ngân hàng 21 điểm.
Theo ông Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân thì nguyên nhân của việc giảm điểm chuẩn là năm nay trường tăng thêm 300 chỉ tiêu, thành 4.800 chỉ tiêu.
Một trường khác thuộc nhóm ngành tài chinh – ngân hàng cũng có khả năng giảm điểm trúng tuyển là Học viện Ngân hàng. Theo ông Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo, thì điểm thi của thí sinh năm nay tương đương năm ngoái. Tuy nhiên, do trường tăng thêm 300 chỉ tiêu đại học nên điểm sàn vào trường có biến động nhẹ. Theo đó, dự kiến điểm sàn vào trường ở khối A, A1 19 điểm (bằng năm ngoái) và điểm chuẩn khối D1 là 19,5 điểm (tiếng Anh không nhân hệ số) dành cho ngành Ngôn ngữ Anh. Một số ngành “hot” thuộc khoa ngân hàng (khối A,A1) điểm chuẩn dự kiến sẽ cao hơn mức điểm sàn 2 điểm. Trường sẽ dành chỉ tiêu cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung đối với một số ngành khối A, A1.
Một trường khác lâu nay vẫn thuộc diện “top”, nhưng từ năm 2013 – và dự kiến cả năm 2014 - sẽ vẫn phải tuyển nguyện vọng bổ sung, là trường ĐH Xây dựng. Ông Phạm Duy Hoàn, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, phân tích kỹ số liệu của 5 năm trở lại đây đã rút ra được 2 nguyên nhân dẫn đến điểm tuyển sinh vào trường thấp dần. “Thứ nhất là số lượng thí sinh giảm do vấn đề kinh tế xã hội: Ngành xây dựng không còn “hot” do bất động sản đóng băng. Việc này minh hoạ cho việc học theo trào lưu của Việt Nam, khi định hướng nghề nghiệp chưa tốt, hay bố mẹ bảo gì thi nấy”.
Nhiều trường tốp trên dự kiến giảm điểm chuẩn đại học 2014
Một nguyên nhân nữa, theo ông Hoàn, là trong những năm gần đây khá nhiều các trường kỹ thuật mở ngành xây dựng, mà mở ngành hút thí sinh nhất là Xây dựng dân dụng và công nghiệp. Điểm chuẩn năm 2013 vào ngành này ở ĐH Xây dựng đã thấp nhất từ trước đến nay – 20 điểm, mà các trường khác có mở ngành này còn thấp hơn, chỉ từ 14 – 17 điểm. “Khi mà bằng cấp lúc ra trường giống nhau, thì đương nhiên nhà trường sẽ mất đi 1 lượng thí sinh từ 16 – 20 điểm sang “tay” trường khác.
Thí sinh có lực học khá giỏi, ước chừng đạt mức 20 điểm ở lên sẽ chọn thi vào ĐH Xây dựng. Trong khi đó, những thí sinh ước tính mức điểm có khả năng đạt được chỉ ở mức trung bình nhưng vẫn muốn học ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp sẽ chọn thi vào trường khác.
Trường vẫn lên phương án tuyển nguyện vọng bổ sung nếu cần thiết, chứ không có chủ trương hạ điểm thấp xuống để lấy hết chỉ tiêu theo nguyện vọng 1” – ông Hoàn khẳng định.
Nhóm ngành y, dược: Từ 18 – 27 điểm
Là trường hàng đầu về đào tạo ngành y, nhưng ĐH Y Hà Nội chỉ có 550 chỉ tiêu bác sĩ đa khoa, mà như hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh cho biết “sức” của nhà trường chỉ đến thế. Do đó, điểm trúng tuyển vào ngành này của nhà trường luôn dẫn đầu cả nước. Năm 2014, mức điểm này dự kiến sẽ giảm 0,5 – 1 điểm so với mức 27,5 điểm của năm 2013, do kết quả thi của thí sinh không cao bằng năm trước và số thí sinh được tuyển thẳng không nhiềuTheo ông Nguyễn Văn Khải, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Y dược Hải Phòng, dự kiến điểm chuẩn ngành Bác sĩ đa khoa của trường sẽ không dưới 24 điểm. Mặc dù vậy mức điểm này đã thấp hơn so với mức 25,5 của năm trước. Trường có tổng chỉ tiêu là 720, trong đó ngành Bác sĩ đa khoa chiếm 450 chỉ tiêu.
Trong khi đó, ĐH Y dược Thái Bình có tới 580 chỉ tiêu hệ đại học chính quy cho ngành này. Trong đó, có 193 chỉ tiêu cho học sinh cử tuyển đang học dự bị tại trường chuyển lên, 40 chỉ tiêu cho lưu học sinh Lào, Campuchia và 20 chỉ tiêu cho các trường dự bị chuyển về. Như vậy chỉ tiêu thực tuyển còn lại chỉ là 333 chỉ tiêu (chưa tính tuyển thẳng). Trong số các thí sinh dự thi, có 423 thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên. Nếu tính từ 25,5 điểm thì có 300 thí sinh đạt được. Như vậy, nhiều khả năng đây sẽ là điểm chuẩn của ngành này.
Các ngành khác của trường đều có dự kiến điểm chuẩn trên 20 điểm. Ngành Bác sỹ Y học cổ truyền có 60 chỉ tiêu, số thí sinh đạt từ 21 điểm là 97 người, từ 21,5 điểm là 78 người, từ 22 điểm trở lên là 58 người. Ngành Cử nhân Y tế Công cộng cũng có 60 chỉ tiêu. Với mức điểm 20 có 79 thí sinh đạt được.
Ngành Bác sỹ Y học dự phòng với 60 chỉ tiêu, các số liệu kết quả thi của thí sinh cho thấy mức điểm trúng tuyển của ngành này nhiều khả năng là 21 (với 73 thí sinh đạt được), hoặc 21,5 (50 thí sinh đạt được).
Ngành Dược sĩ có 72 thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên, 54 thí sinh đạt từ 24,5 điểm trở lên. Trong khi chỉ tiêu của ngành này là 60. Ngành Cử nhân Điều dưỡng với 110 chỉ tiêu, mức điểm mà số lượng thí sinh tương đương đạt được là 20 (gần 180 thí sinh) và 20,5 (138 thí sinh).
Trường ĐH Y dược Huế có ngành Y Đa khoa nhiều chỉ tiêu nhất - có tới 750 chỉ tiêu, với hơn 3.300 thí sinh dự thi. Ở mức 24 điểm trở lên có 937 thí sinh đạt được. Mức 24,5 điểm có 782 thí sinh, và mức 25 điểm có 620 thí sinh.
Một ngành khác của trường có kết quả thi cũng rất cao là ngành dược học, với 168 thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên. Chỉ tiêu của ngành này là 150. Có kết quả thi thấp nhất trong trường là ngành Y tế công cộng, ở mức điểm 18 trở lên có 73 thí sinh đạt được, mức 18,5 có 58 thí sinh, trong khi chỉ tiêu của ngành này là 60.
Theo VNN, http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/188506/truong--hot--dan-giam-diem-chuan.html