Sở GD-ĐT Vĩnh Long vừa có văn bản gửi các Phòng GD-ĐT, trường học, đơn vị trực thuộc về việc tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa và thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống bạo lực học đường.

Đặc biệt, trong văn bản này có nội dung tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, học sinh sử dụng internet, mạng xã hội.

Trường học tại Vĩnh Long theo dõi mạng xã hội của học sinh
Giờ học của học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long

Đưa vào nội quy học sinh

Theo văn bản này, Sở yêu cầu lãnh đạo các đơn vị tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo về đảm bảo an toàn, an ninh về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng xã hội cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh tại đơn vị, thực hiện trong các cuộc họp hội đồng sư phạm, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp hoặc lồng ghép vào các bộ môn học phù hợp. Các trường cần tăng cường phổ biến, hướng dẫn khai thác và sử dụng dịch vụ internet đúng quy định cho học sinh trong trường học cũng như nơi công cộng.

Sở cũng quy định cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh không cung cấp, chia sẻ, phát tán những thông tin không phù hợp, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự. Việc khai thác các thông tin trên internet cần tiếp cận, khai thác nhũng thông tin chính thống trên hệ thống báo chí, trang thông tin điện tử chính thức của VN. Các trường cần tổ chức hội thi, sinh hoạt ngoại khóa về chủ đề sử dụng hiệu quả mạng xã hội phù hợp với thực tế từng đơn vị để nâng cao nhận thức và cung cấp cho học sinh có những kiến thức cơ bản về sử dụng mạng xã hội.

Đặc biệt, Sở GD-ĐT Vĩnh Long yêu cầu đưa nội dung văn hóa sử dụng mạng xã hội vào trong nội quy của học sinh và vào Bộ quy tắc ứng xử văn hóa của giáo viên, của học sinh. Các đơn vị trường học cũng cần có kế hoạch theo dõi, kiểm tra việc sử dụng mạng internet, mạng xã hội của học sinh để kịp thời phát hiện các biểu hiện lệch lạc, gây tác hại xấu đến môi trường giáo dục và xã hội, từ đó có biện pháp giáo dục uốn nắn cho học sinh…

Theo dõi mạng xã hội của học sinh

Trả lời Báo Thanh Niên, ông Lâm Đặng Hồng Sơn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Vĩnh Long cho biết vấn đề sử dụng mạng xã hội là điều Sở quan tâm kỹ lưỡng từ hai năm trở lại đây và đã tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề này. Sở cũng dựa trên công văn của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc chấn chỉnh sử dụng MXH đói với công chức, viên chức.

Theo ông Sơn, nguyên nhân Sở quy định về vấn đề này là hiện nay khoa học công nghệ, internet bùng nổ, xu hướng học sinh ở địa bàn tỉnh Vĩnh Long có điều kiện xài điện thoại thông minh ngày càng nhiều. Giáo viên cũng thường dùng mạng xã hội để lập các nhóm trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp và thông tin đến học sinh. Việc này có tốc độ thông tin nhanh hơn văn bản chỉ đạo nhưng chỉ sợ có những thông tin tiêu cực không kiểm soát được.

Cũng theo ông Sơn, giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo các trường, cán bộ đoàn đội, quản lý chuyên môn trong tổ nhóm sẽ theo dõi, kiểm tra việc sử dụng mạng xã hội của học sinh. Nếu thấy thông tin gì hơi chệch choạc sẽ chấn chỉnh trước hết trong nội bộ.

“Việc chúng tôi tâm đắc nhất là đề nghị các trường đưa vấn đề này vào Bộ quy tắc ứng xử văn hóa của mỗi trường. Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, tùy vấn đề quan tâm, các trường sẽ tự xây dựng Bộ quy tắc ứng xử giữa thầy với thầy, trò với trò, thầy với trò… Riêng các trường học tại tỉnh Vĩnh Long sẽ có thêm nội dung văn hóa sử dụng mạng xã hội trong bộ quy tắc này. Cũng vì đưa vào bộ quy tắc này, sẽ có văn bản pháp lý chế tài cho việc sử dụng mạng xã hội của giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của quy định này hướng tới là tạo cho học sinh, giáo viên thay đổi,nhận thức, hành vi đối với việc sử dụng mạng xã hội của mình”, ông Sơn nói.

Trong năm 2017, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Vĩnh Long đã có một khảo sát của trên 384 học sinh ở 7 trường THCS, THPT trong tỉnh Vĩnh Long về vấn đề sử dụng mạng xã hội. Theo đó, khối THCS có 84% học sinh có tài khoản trên mạng xã hội, tỷ lệ này ở khối THPT là 98,5%. Trong đó, khoảng 42% học sinh THPT có 3 tài khoản trở lên trên các trang mạng xã hội và hơn 38% truy cập mạng xã hội hơn 5 lần trong ngày.

Theo Thanh niên