Trường học chú trọng tư vấn giúp HS chọn ngành nghề phù hợp

Trường học chú trọng tư vấn giúp HS chọn ngành nghề phù hợp
GD&TĐ - Công tác tư vấn chọn ngành nghề, chọn khối, môn thi ngoài các môn thi bắt buộc trong Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ của HS hiện đang được các nhà trường thực hiện linh hoạt, dù gặp phải rất nhiều khó khăn. 

Đặc biệt, đối với HS là con em đồng bào DTTS, vấn đề này thực sự là một “bài toán khó” khi mà nhà trường cũng như bản thân HS không có nhiều thông tin về việc quy hoạch nhu cầu nguồn nhân lực ở địa phương, hay những thông tin có tính cơ sở thực tiễn về nhu cầu ngành nghề lao động trong tương lai.

Băn khoăn lựa chọn ngành nghề

Phải hết sức vất vả và tốn nhiều thời gian, em A Lăng Úy (dân tộc Cơ tu, xã A Vương, huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam) - HS lớp 12/2 Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Nam mới chọn được ngành Giáo dục tiểu học để tiếp tục theo đuổi ước mơ được học lên bậc ĐH trong kỳ thi quốc gia tới đây.

Theo A Lăng Úy, trước khi chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015, trên cơ sở những điều mà giáo viên trong trường tư vấn, cũng như tham gia thêm các buổi tư vấn tuyển sinh do các cơ sở đào tạo trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng đến trường tổ chức, em đã ý định sẽ chọn ngành Giáo dục chính trị và Giáo dục an ninh - quốc phòng để tham gia thi xét tuyển.

Tuy nhiên, qua sự tư vấn của những anh chị đi trước, em đã quyết định chuyển sang chọn ngành Giáo dục tiểu học, điều mà chính bản thân em cũng tỏ ra rất bất ngờ.

Em Úy cho biết: Việc chọn ngành nghề nào để tiếp tục theo học lên bậc cao hơn thực sự đối bản thân em gặp phải rất nhiều lúng túng vì không có bất cứ một thông tin nào về nhu cầu sử dụng nguồn lao động tại địa phương.

Mặc dù, em biết rằng hiện nhiều anh chị ở quê đã tốt nghiệp ngành Giáo dục chính trị và Giáo dục an ninh - quốc phòng tuy nhiên chưa có việc làm nhưng em vẫn có ý định chọn hai ngành này để tham gia xét tuyển vì thực sự em không biết chọn ngành, nghề nào cho phù hợp với năng lực và điều kiện học tập của bản thân.

Việc đổi sang chọn ngành Giáo dục tiểu học được xuất phát từ lý do nơi em sống chưa có ai theo học ngành này, trong khi đó, điều kiện trường lớp lại nằm tách biệt giữa rừng núi, thầy cô giáo đến “cắm bản” dạy học hết sức vất vả.

Chính vì thế, sau khi tham gia học ngành này, em mong rằng sẽ được trở về địa phương tham gia dạy học, hoặc ít ra sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm sẽ cao hơn các ngành nghề khác.

Câu chuyện làm thế nào để chọn ngành nghề học vừa phù hợp với năng lực học tập, vừa có cơ hội tìm kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp của HS A Lăng Úy cũng là trăn trở, suy nghĩ của nhiều HS hiện nay.

Theo đó, công tác tư vấn chọn nghề cho HS của các trường học cũng chỉ dừng lại ở việc tổ chức giới thiệu các ngành nghề để HS xem xét lựa chọn hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn đến tư vấn, giới thiệu về các ngành nghề đào tạo của đơn vị đó.

Theo sự nhìn nhận của lãnh đạo các trường THPT, đây chỉ là giải pháp tình thế, thực sự chưa mang lại hiệu quả cao trong việc định hướng HS chọn lựa được ngành học phù hợp. Chính vì vậy, việc chọn các môn thi vào các khối ngành ĐH, CĐ của HS vẫn chỉ dựa vào cảm tính cá nhân trên cơ sở phù hợp với năng lực học tập.

Linh hoạt triển khai công tác tư vấn

Khác với những năm học trước, công tác tư vấn chọn lựa ngành học cho HS lớp 12 của Trường THPT Tây Giang (huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam) có nhiều thay đổi theo hướng bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm tạo điều kiện tìm kiếm việc thuận lợi cho HS sau khi tốt nghiệp.

Theo thầy Đinh Văn Tư - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang, với đặc điểm là 100% HS đồng bào dân tộc thiểu số, học lực còn hạn chế nên trong công tác tư vấn chọn ngành nghề cho HS, nhà trường chú trọng phần nhiều đến định hướng chọn nghề, nhất là những nghề mà địa phương đang rất cần như: Điện, điện tử, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, lâm nghiệp, chăn nuôi, thú y…

Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngành du lịch cộng đồng đang rất phát triển tại địa phương nhưng lại thiếu nguồn lao động qua đào tạo nên trước kỳ thi năm nay nhà trường cũng đưa ngành nghề này vào tư vấn, giới thiệu cho HS.

Thầy Tư cho biết thêm: Qua công tác thăm dò vừa qua, hiện nay chỉ có khoảng gần 47/209 HS khối 12 toàn trường có ý định đăng ký cụm thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá học lực của những HS này cũng như HS toàn khối, nhà trường vẫn thực hiện tư vấn hướng HS đi học nghề hơn là các ngành học chuyên nghiệp.

Theo đó, để công tác tư vấn giúp HS chọn được nghề phù hợp, nhà trường tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT theo bộ đề thi minh họa vừa được Bộ GD&ĐT công bố. Nhằm đảm bảo việc tư vấn chọn nghề bám sát từng đối tượng HS và mang lại hiệu quả cao.

Cũng như Trường THPT Tây Giang, công tác tư vấn chọn ngành nghề cho HS trong thời điểm hiện nay được Trường THPT Quang Trung (huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi) tích cực triển khai.

Căn cứ trên số lượng HS đỗ vào các trường ĐH, CĐ hằng năm và tỷ lệ tìm kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp, đồng thời đối chiếu với học lực của từng HS để triển khai công tác tư vấn, giúp HS chọn và đăng ký môn thi phù hợp.

Thầy Lưu Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung bày tỏ, những năm học trước, tỷ lệ số lượng HS nhà trường đăng ký thi tuyển vào ĐH, CĐ rất thấp và hằng năm chỉ có 4 - 5 em đỗ vào các trường. 

Còn lại, hầu hết các em sau khi tốt nghiệp THPT trở về địa phương, gia đình tham gia lao động sản xuất. Chính vì vậy, mục tiêu và nhiệm vụ chính của công tác tư vấn ngành nghề cho HS tại nhà trường vẫn là theo hướng chọn nghề.

Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)