Sau khi mạng xã hội xuất hiện hình ảnh về tờ thông báo việc thu tiền bảo hiểm học sinh năm học 2017-2018 tại trường Tiểu học Hà Nội (Ba Đình, Hà Nội), nhiều ý kiến tranh luận gay gắt.

Trường học bị phụ huynh tố cáo là

'Đề nghị trường không làm phiền cha mẹ học sinh'

Theo đó, số tiền bảo hiểm y tế (BHYT) mà mỗi học sinh phải đóng là 492.000 đồng/em có thời hạn từ 1/1 đến 31/12/2018. Bảo hiểm thân thể là 100.000 đồng/em, thời hạn từ 1/10 đến 30/9/2018.

Tờ thông báo còn ghi rõ lưu ý với các em lớp 1 khi đóng BHYT: Học sinh sinh ngày 1/10/2011 đóng 615.000 đồng/em, thời hạn từ 1/10 đến 31/12/2018.

Học sinh sinh ngày 2/10/2011 đến 1/11/2011: Đóng 574.000 đồng/em, thời hạn từ 1/11 đến 31/12/2018.

Học sinh sinh từ ngày 2/11/2011 đến 1/12/2011: Đóng 533.000 đồng/em, thời hạn từ 1/12 đến 31/12/2018.

Điều khiến nhiều người quan tâm là "hồi đáp" của phụ huynh ngay phía dưới bảng thông báo: "Nhà trường là nơi truyền chữ cho học sinh, không phải công ty kinh doanh bảo hiểm. Nếu có nhu cầu mua bảo hiểm, tôi sẽ chủ động liên hệ với công ty bảo hiểm nào mà tôi tín nhiệm để mua trực tiếp, chứ nhất định không thông qua khâu trung gian môi giới cò mồi. Yêu cầu trường Tiểu học Hà Nội không làm phiền cha mẹ học sinh bằng việc làm không đúng chức năng này".

"Bút phê" này có nhiều ý kiến tranh luận: Đây là tự do ngôn luận hay thể hiện sự hống hách?

Bạn Nguyễn Bình nhận định: "Phụ huynh này có thế giới quan méo mó nên nhìn đâu cũng thấy 'cò mồi', mà không nghĩ rằng nhà trường thu BHYT học sinh là theo luật và quy định chung".

Bạn Hồng Nguyễn cho rằng, thực ra có rất nhiều người khi bị nhầm lẫn khoản bảo hiểm này. Họ không biết rằng đây là khoản bắt buộc phải đóng theo quy định. Vì vậy, có thể khi ra thông báo, các trường nên thêm dòng thông tin căn cứ pháp luật (chỉ rõ nghị định, thông tư nào), để tránh gây hiểu nhầm, ức chế.

Hành xử của phụ huynh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ

Bà Võ Minh Thảo - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Tiểu học Hà Nội - cho biết nhà trường đã nhận được phản ánh của phụ huynh và giải thích như sau: Tiền bảo hiểm y tế là bắt buộc, em nào cũng phải đóng. Trẻ dưới 6 tuổi sẽ được Nhà nước miễn BHYT, còn từ 6 tuổi trở lên các em sẽ phải mua. Đây là do BHYT của quận Ba Đình đưa về cho các trường trên địa bàn để thông báo cho phụ huynh và tiến hành thu hộ.

Bảo hiểm thân thể là tự nguyện, không bắt buộc, dù nhà trường khuyến khích phụ huynh nên mua cho con em vì tuổi này rất hiếu động. Mức đóng cho mỗi năm là 100.000 đồng.

Cũng theo bà Thảo, năm học này, toàn trường có hơn 200 học sinh, khoảng 50 em vào lớp 1. Trường căn cứ kế hoạch của BHYT quận đưa xuống kết hợp bảo hiểm thân thể để thông báo luôn cho phụ huynh nộp, làm danh sách sớm.

Bà lý giải việc phân các em lớp 1 theo từng nấc ngày sinh để đóng tiền BHYT như trong thông báo là do quận chia, chứ không phải trường. Quận muốn thu tiền theo năm nên phải thống kê theo ngày sinh với từng mức đóng kèm theo như vậy.

Đại diện nhà trường khẳng định trường không bán bảo hiểm hay có vấn đề lợi ích.

Rất nhiều ý kiến tranh luận về việc này trên mạng xã hội. TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: "Bút phê" của phụ huynh thể hiện sự thiếu hiểu biết và thiếu tôn trọng của nhà trường. Quy định đóng bảo hiểm của Nhà nước không thể có ngoại lệ.

TS Hương lo ngại với suy nghĩ thiếu tôn trọng nhà trường như thế này, phụ huynh sẽ truyền các suy nghĩ tiêu cực cho con. Điều này cản trở việc giáo dục đạo đức tư cách cho học sinh.

"Vì đứa trẻ sẽ cảm nhận được sự thiếu tôn trọng đó và hoang mang không biết nên nghe theo ai. Nếu nghe theo thầy cô giáo, cháu sẽ sợ bố mẹ mắng. Còn nếu nghe theo bố mẹ, cháu sẽ hỗn với thầy cô", nữ TS nêu quan điểm.

Bà Hương khẳng định riêng về câu chuyện bảo hiểm này, cảm xúc đứa trẻ chắc chắn là xấu hổ khi bạn bè ai cũng nộp tiền, riêng bố mẹ mình lại không. Trẻ cũng có thể cảm nhận được những lời xì xào bàn tán của bạn bè và thầy cô giáo. Việc cháu chán học, không đến lớp có thể xảy ra.

Khoản 4, điều 12, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định, học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Cụ thể: Hỗ trợ 100% mức đóng cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc đang sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo; hộ cận nghèo mới thoát nghèo, hộ cận nghèo sống tại các huyện nghèo, học sinh mầm non, học sinh sinh viên là thân nhân người có công, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định.

Theo zing.vn