Trường ĐH Thương mại đã tổ chức hội thảo thu thập ý kiến của các bên liên quan để thiết lập nên chương trình đào tạo mới, nâng cao chất lượng giảng dạy.
PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại phát biểu tại hội thảo
PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cho hay, nhà trường chủ động việc này nhằm thực hiện chủ trương phát triển chương trình đào tạo giai đoạn 2021-2025 theo hướng đa dạng; tích hợp một phần nội dung đào tạo và giáo trình của nước ngoài vào các chương trình của trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
Theo đó, năm học 2021-2022, Trường ĐH Thương mại tổ chức xây dựng 9 chương trình đào tạo gồm 1 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Quản trị nhân lực và 8 chương trình trình độ đại học (trong đó có 2 chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Việt và tiếng Anh là Quản trị kinh doanh chất lượng cao, Quản trị nhân lực doanh nghiệp chất lượng cao; 1 chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh là Kế toán định hướng nghề nghiệp ICAEW CFAB; 5 chương trình chuẩn là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành định hướng nghề nghiệp; Quản trị khách sạn định hướng nghề nghiệp, Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; Marketing số; Luật thương mại quốc tế).
Hội thảo nhằm lấy ý kiến để các chương trình đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động, bám sát xu thế tuyển dụng của các ngành, lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tại hội thảo, nhà trường lấy ý kiến đóng góp về chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo của các giảng viên, nhà khoa học; các chuyên gia phát triển chương trình, quản lý đào tạo, kiểm định chất lượng giáo dục; các đơn vị sử dụng lao động; hiệp hội nghề nghiệp; người học và cựu người học.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng, đây là một diễn đàn khoa học để các bên liên quan trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về các yêu cầu kiến thức, kĩ năng chuyên môn và phẩm chất nghề nghiệp cần thiết đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhằm phục vụ xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo mới của Trường ĐH Thương mại.
“Những ý kiến đóng góp của các bên liên quan sẽ là căn cứ quan trọng để Hội đồng xây dựng chương trình đào tạo cũng như các khoa chuyên ngành hoàn thiện chuẩn đầu ra, lựa chọn sắp xếp hợp lý các khối kiến thức, các học phần nhằm giúp cho 9 chương trình đào tạo chính thức đưa vào tuyển sinh từ năm 2022 sẽ đáp ứng tốt nhất sự kỳ vọng của xã hội”, PGS.TS Nguyễn Hoàng nói.
> Sở GD&ĐT TP.HCM trình dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp
> Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) chính thức ra mắt 3 trường thành viên
Theo Vietnamnet