Bộ Giáo dục dừng mở ngành có phải... "cách làm áp đặt"?
Việc Bộ GD-ĐT có chủ trương từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán - lãnh đạo một số trường ĐH,CĐ cho đây là "cách làm áp đặt".
Thông tin từ lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay: Kết quả tuyển sinh năm 2011 tiếp tục bất cập khi trong 416 trường ĐH, CĐ có đến 248 trường tuyển sinh một trong bốn ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - ngân hàng, Kế toán. Số chỉ tiêu các trường đăng ký nhóm ngành này chiếm đến 38% so với tổng chỉ tiêu tất cả khối ngành. Con số thực tế này đã cao gấp đôi quy hoạch nguồn nhân lực.
Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên môi trường Hoàng Ngọc Quang xác định: Kế toán là 1 trong 3 ngành thu hút nhiều sinh viên vào học nhất của trường trong năm 2012. Do đó, đây là ngành chủ đạo trường đã lên phương án tuyển sinh đến năm 2014.
Tiếp tục chứng minh đó là những ngành hót và hút số lượng đáng kể sinh viên theo học - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Phạm Văn Bổng cho biết, chỉ tiêu tuyển các ngành này của trường năm 2012 xấp xỉ 40% trong tổng số 4.200 chỉ tiêu. Đây là con số khá lớn so với một trường đào tạo kĩ thuật.
Còn hiệu phó Nguyễn Gia Tính, Trường CĐ Công nghiệp Nam Định cho biết dù chỉ tiêu 3 ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính-ngân hàng của trường trong năm 2012 đã giảm 50% so với 2011 nhưng lượng tuyển được vẫn chiếm 1/3 chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2012.
Một số trường cũng đã rục rịch xin mở thêm ngành Tài chính - Ngân hàng bên cạnh ngành Kinh tế, Kế toán, Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Lâm nghiệp) và Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh đề án xin mở ngành Tài chính - Ngân hàng và ngành Quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, có nguy cơ bị đình lại vì chủ trương của Bộ.
Nên chặn ở trường công?
Đó là đề xuất của GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT, Trường ĐH DL Thăng Long. Theo GS: “Về chủ trương tạm dừng mở ngành đào tạo ngân hàng, kế toán, tài chính tôi cho là đúng vì hiện nay ra nhiều, sinh viên gặp khó tìm việc. Nhưng nên chặn các trường công thôi. Họ lãnh ngân sách nhà nước. Muốn nguồn ra phục vụ tốt xã hội thì chỉ nên làm vậy”.
Trong khi hiệu trưởng Hoàng Ngọc Quang cho rằng, vấn đề con người và cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy các ngành Tài chính, Ngân hàng hay Quản trị kinh doanh hoàn toàn trong tầm tay của trường.
PGS.TS Phan Túy, Hiệu trưởng Trường CĐ ASEAN cho rằng: “Trong giáo dục nhà nước không nên can thiệp quá sâu, đặc biệt ở lĩnh vực đào tạo. Xã hội và người học có nhu cầu họ mới đi học. Cho nên việc tạm dừng này là cách làm áp đặt. Nếu không có nhu cầu từ người học sẽ không chọn các ngành này. Bởi thực tế, có nhiều nơi cần số lượng lớn sản phẩm tốt nghiệpKế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính-ngân hàng.
Theo ông Túy: “Chỉ cần thông báo cho người học biết nhu cầu của xã hội hiện nay như thế nào để họ lựa chọn. Từ đó họ sẽ có quyết định cho riêng mình. Về quản lí nhà nước - Bộ GD-ĐT nên chỗ nào thừa, nơi nào thiếu nhân lực ngành Tài chính kế toán hay Ngân hàng để người học lựa chọn. Làm tốt khâu này sẽ không thừa "đầu ra"
Chủ trương dừng mở ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính-ngân hàng - hiệu trưởng Trường ĐH DL Lương Thế Vinh Nguyễn Văn Hùng cho đây là cách làm hành chính, chưa triệt để.
Tuy nhiên lãnh đạo một số trường ĐH công lập khi được hỏi đều ủng hộ chủ trương này của Bộ GD-ĐT.
Một lãnh đạo trường thiên về kĩ thuật tại Hà Nội phân tích: “Ai cũng biết mở ngành Tài chính-ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán dễ mở vì không cần đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại. Mấy ngành này vài năm trước đang nóng, sinh viên đăng kí học nhiều. Việc chọn học chủ yếu chạy theo số đông, không xuất phát từ năng lực thực tế nên mới dẫn tới việc ra trường nhưng không có việc làm.
"Nhưng nếu trường nào cũng mở dẫn tới quá tải, thừa đầu ra, chất lượng đào tạo không được chú trọng. Do đó, Bộ GD-ĐT và Chính phủ cần có biện pháp quy hoạch, siết chặt đưa vào quy củ” - vị lãnh đạo đề xuất.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: Vietnamnet