Sự kiện: GIÁO DỤC | BÁO GIÁO DỤC | KHOA GIÁO

Trường ngoài công lập khó khăn: Vì đâu nên nỗi?

Cái “khó” trong tuyển sinh của các trường THPT ngoài công lập (NCL) ở Hà Nội hiện đã tới mức đỉnh điểm. Nếu không có sự thay đổi, cải tiến chất lượng để hút học sinh, xã hội sẽ "quay mặt" với giáo dục NCL.

Phát biểu tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông (THPT), trung cấp chuyên nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Vũ Văn Tiếu- Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Ngũ Lão- Hà Nội than thở: Trường có 32 phòng học, phòng hội đồng, phòng hội trường, cơ sở vật chất trang bị khá đầy đủ. Năm học 2012, trường tuyển được 70 HS, nhưng khi tập trung khai giảng, học sinh không đến, do các em vào hết trường công lập.

 

truong dan lap, truong tu, truong ptth, tuyen sinh, chi tieu tuyen sinh, hai quan

 

"Nhà trường được trang bị vài chục tỷ nhưng không có HS nên không có nguồn thu, không đủ tiền trả lương giáo viên khiến họ cũng bỏ dạy", ông Vũ Văn Tiếu thở dài.

Đồng cảnh ngộ, ông Đỗ Văn Mạn- Hiệu trưởng trường THPT An Dương Vương- Đông Anh- Hà Nội cho biết: Các trường NCL rất khó khăn, không có HS để tuyển. Cụ thể, ở Huyện Đông Anh, năm 2011 có 1.088 HS chia cho 10 trường, (8 trường NCL, 1 GDTX, 1 trường nghề) bình quân mỗi trường 100 HS. Tình trạng này dẫn đến thực tế  là giáo viên không có giờ dạy, trong khi các trường vẫn phải trả lương cho giáo viên. Bên cạnh đó do không tuyển được HS, nên các trường không có tiền để hoạt động, sắm sửa trang bị thiết bị phục vụ cho học tập”.

Bàn về vấn đề này, cũng tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường THPT NCL được tổ chức tháng 4-2012 của Sở GD-ĐT Hà Nội, GS Văn Như Cương- Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh đã phát biểu: Các trường NCL hiện gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển sinh một phần do gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ phía các trường công lập.

Năm sau, số lượng và chỉ tiêu của trường THPT công lập lại tăng thêm, cụ thể, trong 3 năm, từ 2009 đến 2012, số lượng các trường công lập tăng từ 2.011 trường lên tới 2.063 trường (tăng thêm 52 trường), số học sinh tăng cũng tăng lên gần 200.000 em. Như vậy, trường NCL đã khó, nay càng khó hơn, do cạn nguồn tuyển.

Băn khoăn của nhiều trường

Vậy nên, khi được hỏi, lãnh đạo nhiều trường THPT NCL cho rằng, để xảy ra tình trạng trên, ngoài nguyên nhân chủ quan thuộc về chính các trường, có một phần lỗi không nhỏ thuộc về việc quy hoạch mạng lưới trường học không phù hợp với thực tế.

Ông Nguyễn Tùng Lâm- Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng cho biết: Kết quả đào tạo ở các trường NCL đã đáp ứng yêu cầu chất lượng cao của giáo dục, hạn chế bớt nhưng lạc hậu của giáo dục Việt Nam như "xa rời mục tiêu chất lượng", chỉ chạy theo thành tích. Tuy nhiên, khi lượng trường công càng ngày càng tăng, trong khi đó phần đông người dân đều chưa lấy chất lượng giáo dục làm thước đo đánh giá người học mà chỉ quan tâm tới mảnh bằng có được với chi phí thấp nhấp, đương nhiên giáo dục NCL sẽ rơi vào tình trạng khó khăn.

Trước bức tranh ảm đạm của giáo dục NCL thời gian qua, GS Văn Như Cương cũng như lãnh đạo nhiều trường THPT trên địa bàn Thủ đô đều đang băn khoăn về Quy hoạch mạng lưới các trường học của Thủ đô đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội quyết định xây dựng thêm 224 trường ngoài mầm non NCL; 234 trường tiểu học và 108 trường THCS và 112 trường THPT, bao gồm cả công lập và NCL có phù hợp hay không?

Khi mà hiện nay các trường NCL đang được đầu tư khá tốt và dần tạo dựng được thương hiệu mà vấn đề tuyển sinh còn gặp muôn vàn khó khăn, thì việc xây thêm quá nhiều trường trong một thời gian không phải là dài như vậy, có khả thi và thực sự cần kíp?


Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: Báo Hải Quan