Đó là thực tế được các trường ĐH nêu ra tại Hội thảo “Triển khai chương trình TATC theo lộ trình của Đề án ngoại ngữ 2020” do trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức mới đây.

Theo đó, mục tiêu mà Bộ GD&ĐT khi triển khai đề án ngoại ngữ 2020 là sẽ đào tạo tăng cường ngoại ngữ đối với giáo dục ĐH cho khoảng 10% SV ĐH-CĐ vào năm 2010-2011, 60% vào năm học 2015-2016 và 100% vào năm 2017-2020. Đến nay, hầu hết các trường ĐH-CĐ trên cả nước đã và đang triển khai để đào tạo tiếng Anh cho SV. Tuy nhiên, để thực hiện được như mục tiêu mà Bộ đề ra là điều không hề đơn giản vì lệ thuộc vào cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và trình độ đầu vào của SV.

Đại diện trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, năm 2012, trường đã triển khai đề án đào tạo cử nhân sư phạm một số môn Toán, Tin học, Vật Lý, Sinh học, và Hóa học bằng tiếng Anh. Sau đó, triển khai thêm các khối ngành học khác. Sau hai năm thực hiện, số SV được tuyển sinh mới theo học đông, trình độ tiếng Anh theo các khung bậc do Bộ GD&ĐT đề ra của  SV có sự chuyển biến tích cực nhưng hiệu quả còn thấp.

Nguyên nhân, theo đại biểu này, trình độ SV có sự chênh lệch rất lớn, qua khảo sát, chưa đến 20% SV có trình độ bậc 3/6, còn lại bậc hai và thấp hơn. Hầu hết SV có kỹ năng đọc hiểu và ngữ pháp tương đối tốt nhưng kỹ năng nghe nói và viết còn rất kém. Hơn nữa, SV đến từ nhiều vùng miền nên chịu ảnh hưởng bởi nhiều ngôn ngữ khiến việc tiếp cận tiếng Anh gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, theo vị này, thời lượng 375 giờ học (25 tín chỉ) chưa đủ cho việc nâng hai bậc năng lực tiếng Anh theo khung quy định của Bộ. Đối với những SV có năng lực đầu vào thấp, chỉ bậc một hoặc hai thì việc đạt mức năng lực bậc 3 khi kết thúc chương trình TATC là thách thức rất lớn.

Đó cũng là khó khăn mà trường ĐH Sư phạm TP.HCM gặp phải khi bắt đầu triển khai dạy tiếng Anh cho SV. TS Huỳnh Công Minh Hùng cho hay, năm học này, nhà trường ban hành quyết định SV không chuyên ngữ khi tốt nghiệp phải đạt trình độ 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Thế nhưng kiểm tra đầu vào cho 2.113 SV về các kỹ năng nghe nói đọc viết thì chỉ có 3,78% em đạt trình độ B1 (tương đương bậc 3/6 bậc dành cho Việt Nam), còn lại 16,18% em đạt trình độ bậc 2, 21,62% em đạt trình độ bậc 1 và dưới bậc 1 là 58,97% SV.

Đáng nói, SV nhiều ngành như Văn học, Việt Nam học, Hóa học, Sư phạm văn,... không có hoặc chỉ có một em đạt trình độ bậc 3. Một nhóm đối tượng chỉ đạt bậc 1 và dưới 1 như Mầm non 218/226 em (96,4%)….

Tại trường trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cũng gặp không ít trở ngại liên quan đến đào tạo tiếng Anh cho SV. Một trong những nguyên nhân cũng là trình độ tiếng Anh đầu vào của SV không đồng đều, trang thiết bị của nhà trường còn hạn chế, bản thân các em cũng khó khăn để tự trang bị máy tính cá nhân nên việc tiếp cận tiếng Anh còn khó khăn.

Quan trọng hơn, theo giảng viên Nguyễn Thị Hoàng Triều, một bộ phận không nhỏ SV chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh, các em chỉ tập trung học để thi làm sao cho đậu môn này rồi thôi chứ không chú ý đến việc sử dụng ngôn ngữ này để giao tiếp. Vì thế, SV rất thụ động, chỉ học theo yêu cầu, ít sáng tạo. Điều này khiến cả giảng viên và nhà trường rất vất vả nếu muốn nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh cho SV.

Trường phải chủ động tăng cường các kỹ năng ngôn ngữ cho SV, kiểm tra đánh giá thường xuyên và lấy ý kiến phản hồi từ phái SV và giảng viên để có biện pháp điều chỉnh. Xây dựng chương trình chi tiết để SV tự học và tự nghiên cứu cho chính, có các chính sách khuyến khích các em thi chứng chỉ, hỗ trợ kinh phí hoặc xin nguồn chuyên gia nước ngoài…Có như thế, may ra đề án mới hiệu quả hơn đôi chút” – Đại diện trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

Ngoài ra, tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT cần chuẩn hóa chương trình đào tạo tiếng Anh  cũng như đội ngũ giảng dạy nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra cho SV; Tổ chức các lớp tập huấn, tạo điều kiện cho giảng viên tìm tòi, học tập hoặc đi bồi dưỡng ở nước ngoài để nâng cao nghiệp vụ. Bản thân các trường ĐH nên thường xuyên mở các buổi giao lưu, trao đổi việc giảng dạy tiếng Anh để trao đổi kinh nghiệm, đồng thời chủ động tăng cường đầu tư trang thiết bị, đào tạo đội ngũ và tăng cướng hợp tác quốc tế để việc giảng dạy tiếng Anh có chất lượng nhất.

Theo Báo Pháp luật Tp.HCM, tin gốc: http://plo.vn/giao-duc/truong-dai-hoc-gap-kho-voi-tieng-anh-tang-cuong-519490.html

Từ khóa: Tiếng anh, sinh viên, chứng chỉ ngoại ngữ