Trường CĐ sư phạm âu lo về tương lai
Tại tọa đàm “Vai trò các trường CĐ sư phạm trong những năm tới”, do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, lãnh đạo nhiều trường CĐ sư phạm đã bày tỏ lo lắng về số phận của mình.
Theo tinh thần nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, sau năm 2020 giáo viên tiểu học, THCS cũng phải đạt trình độ chuẩn là ĐH chứ không phải chỉ đạt trình độ CĐ như hiện nay.
Số phận của hệ thống trường CĐ sư phạm trong tương lai thế nào, các trường sẽ đào tạo ra sao, hay buộc lòng phải giải thể, sáp nhập, hoặc chạy đua nâng cấp? Ngay thời điểm này, nhiều trường như CĐ Sư phạm Nghệ An, CĐ Sư phạm Bình Phước... đã có đề án nâng cấp thành trường ĐH địa phương để đón đầu sự thay đổi bước ngoặt phía trước.
Các giáo viên tiểu học, THCS ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) vừa bị UBND huyện chấm dứt hợp đồng từ tháng 6-2016 do dôi dư giáo viên - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Tuy nhiên, thực tế việc nâng cấp trường CĐ lên ĐH cũng không hề đơn giản, khi từ năm 2014 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hạn chế tối đa việc thành lập, cho phép thành lập thêm các trường ĐH, CĐ; trừ những trường đào tạo các ngành công nghệ phục vụ sản xuất và những ngành cần được ưu tiên.
Trước đó, năm 2013, tại quyết định về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh “hạn chế việc nâng cấp các cơ sở hiện có”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Hưng - vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề, Ban Tuyên giáo trung ương - khẳng định việc đặt ra lộ trình sau năm 2020 tiến tới giáo viên từ tiểu học đến THPT phải đạt trình độ ĐH trở lên là phù hợp với thông lệ quốc tế, vì nhiều nước còn đòi hỏi giáo viên phải có trình độ thạc sĩ.
“Giáo viên bậc học dưới càng phải đầu tư bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Bậc mầm non mới yêu cầu trình độ CĐ, nhưng nếu giáo viên đạt được trình độ cao hơn càng quý” - ông Hưng nhấn mạnh.
Thực tế, nỗi lo lắng của các trường CĐ sư phạm không chỉ giới hạn ở thì tương lai. Ngay ở thời điểm này, nhiều trường CĐ đã chật vật để tồn tại vì đối mặt với quá nhiều khó khăn.
Nhiều lãnh đạo trường CĐ sư phạm xác nhận một số ngành học của trường mình không có hoặc có rất ít sinh viên đăng ký vào học, trường phải hoạt động cầm chừng. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng sụt giảm sinh viên là vì học trường CĐ sư phạm ở tỉnh rất khó kiếm việc làm.
“Không có việc làm sau đào tạo thì làm sao có thể thu hút sinh viên vào học? Số lượng đầu vào luôn ít hơn chỉ tiêu, hầu như không có tính cạnh tranh nên khó thu hút học sinh có điểm thi đầu vào cao” - một lãnh đạo trường CĐ sư phạm ở tỉnh nói.
Tại Bình Phước, hiện nay số giáo viên đang dôi dư xảy ra trong toàn tỉnh, chủ yếu là thừa giáo viên THCS và THPT. Bà Nguyễn Thúy Hồng - phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT - cũng thừa nhận có tình trạng dôi dư giáo viên trong toàn hệ thống, mà nguyên nhân chính là do công tác quy hoạch trong giáo dục thực hiện chưa đến nơi đến chốn, chưa đạt hiệu quả thực tế.
Nỗi khó của các trường CĐ sư phạm còn là tình trạng chảy máu chất xám. Nhiều giảng viên được đào tạo có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không có việc làm (do ít sinh viên), không an tâm với công việc nên chuyển đi trường khác, tỉnh khác...
Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20161112/truong-cd-su-pham-au-lo-ve-tuong-lai/1217983.html