Phản ánh những bất cập trong việc triển khai lễ khai giảng hiện nay, cô giáo Thảo Ly cho rằng các trường đều tổ chức một cách rập khuôn, máy móc, không dám sáng tạo mà chỉ chờ chỉ đạo của cấp trên. Điều này đang tạo ra những lễ khai giảng mang tính hình thức làm mất đi niềm vui tựu trường của học sinh.
Xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Năm học 2014-2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị với ngành Giáo dục "… chúng ta làm (lễ khai giảng) vì các cháu, nhất định không để các cháu nhỏ đứng nắng xếp hàng, vẫy cờ chào đại biểu, như vậy rất nhiêu khê, rất khổ sở và phải nghe bài phát biểu của lãnh đạo tỉnh, huyện, sở, phòng, trong khi đó các cháu không hiểu gì cả".
Ông cũng đề nghị hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn còn phần sau là để ngày hội cho thầy cô và các cháu. Chúng ta làm thực sự vì học sinh. Lễ khai giảng cần được đổi mới theo hướng lấy học sinh làm trọng tâm.
Mới đây nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/8 có văn bản gửi các đơn vị giáo dục về tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2017-2018 cũng yêu cầu tổ chức lễ khai giảng trang trọng, súc tích nhưng ngắn gọn, không báo cáo thành tích, phát biểu dài dòng…
Chỉ hai ví dụ trên đủ thấy, chuyện lễ khai giảng biến thành nơi khoe khoang thành tích, nơi phát biểu dông dài của nhiều cán bộ lãnh đạo đang diễn ra khắp nơi ở khắp các trường học trong cả 3 cấp học.
Dù đã được chỉ đạo của Phó Thủ tướng, dù đã được công luận lên tiếng nhiều lần nhưng xem ra căn bệnh thành tích, việc sính hình thức ở nhiều địa phương cũng chẳng dễ gì thay đổi được.
Nghe lời giới thiệu, lời phát biểu và bản báo cáo cũng thấm mệt
Lễ khai giảng nào cũng có đến dăm bảy đại biểu được mời, nào là cán bộ Phòng Giáo dục, cán bộ khuyến học của địa phương, của thị xã, nhà tài trợ, hội phụ huynh…
Đã mời về dự đương nhiên phải giới thiệu và tặng những tràng pháo tay cho có vẻ tiếp đón long trọng.
Về dự chẳng lẽ chỉ ngồi đó cho xong rồi về? Nếu chỉ thế ai biết đến mình? Thế là các trường đều mời lên phát biểu.
Hầu như chẳng có vị đại biểu nào nói bằng lời cho ngắn gọn, súc tích. Vị nào cũng cầm một bản đánh máy dài tràng giang lên đọc. Và bao giờ những câu kết cũng như lời chỉ đạo phải thế này, thế kia…
Nhiều giáo viên cười chua chát “họ phát biểu như chưa hề được phát biểu” bởi khi lên đến lễ đài, họ cứ đọc một mạch mà chẳng cần ngó xuống sân trường nơi có đám học trò đang nhốn nháo vì nắng rọi trên đầu.
Khách mời đã thế, “chủ nhà” cũng góp phần làm cho buổi lễ khai giảng đáng ra phải vui tươi trở nên nặng nề hơn.
Một bảng báo cáo dài vài trang với đủ thứ thành tích từ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, học sinh lên lớp thẳng, học sinh đạt giải các kì thi học sinh giỏi…
Rồi bảng phát động thi đua đợt 1 do Chủ tịch công đoàn kêu gọi cũng chẳng ngắn chút nào.
Có điều những đứa trẻ 6,7 tuổi biết gì về phát động, về thi đua mà cứ buộc phải nghe?
Tổ chức lễ khai giảng rập khuôn, hình thức
Lễ khai giảng chính là ngày hội khai trường chào đón học trò cũ sau 3 tháng hè trở lại trường, chào đón những tân học sinh đầu cấp.
Bởi thế, tổ chức thế nào cho học sinh thấy vui, thấy hào hứng, thấy thêm yêu và gắn bó với trường là được.
Làm được điều này là cái tài của mỗi hiệu trưởng.
Họ có quyền sáng tạo để buổi lễ khai giảng ấy không giống với bất cứ một buổi lễ khai giảng nào, tuy nhiên một số nghi thức vẫn cần được đảm bảo như chào cờ, hát quốc ca, nghe thư của Chủ tịch nước…
Thế nhưng một số địa phương hiện nay lại lấy quyền và chỉ đạo luôn cả việc phải tổ chức lễ khai giảng theo một trình tự họ đã vạch sẵn. Điều này đương nhiên giết chết sự sáng tạo, tư tưởng đổi mới của nhiều hiệu trưởng.
Ít ngày trước, khi dịp gặp mặt cô bạn công tác tại một trường tiểu học, tôi hỏi: “Năm nay, trường em tổ chức lễ khai giảng thế nào?”. Thật bất ngờ vì bạn trả lời: “Đang chờ chỉ đạo của cấp trên”.
Thấy lạ, tôi hỏi tiếp: “Chuyện này mà cũng phải chờ chỉ đạo?”. Bạn tôi đáp: “Có chứ chị, năm nào chẳng thế, gần đến ngày là Phòng Giáo dục gửi công văn chỉ đạo quy trình tổ chức một buổi lễ khai giảng, các trường cứ thế làm theo”.
Tôi thắc mắc: “Mình làm khác không được à? Làm cốt cho học sinh vui, hiểu là được”.
Bạn tôi giãy nảy: “Họ đi dự lễ mà mình làm không giống như thế, có mà bị mắng cho à”.
Chuyện trường học tổ chức lễ khai giảng thế nào cũng phải đợi sự chỉ đạo từ trên thì thật khó để hiệu trưởng có sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để giúp cho giáo dục ngày càng phát triển?
Theo Giaoduc.net