Trong những ngày gần đây, dư luận xã hội rất bất bình trước việc lại liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ mầm non. Điều đáng nói là các vụ bạo hành trẻ xảy ra nhiều năm nay và ở nhiều địa phương khác nhau nhưng vì sao vẫn không giảm mà có chiều hướng ngày càng gia tăng?

Mới đây, ngày 5/10 xảy ra vụ bé trai 15 tháng tuổi ở Quảng Bình bị 2 cô giáo đè xuống sàn, hai tay bị trói chặt ra sau, 2 chân cũng bị trói, miệng bị nhét khăn. Ở Lạng Sơn 1 bé khác bị cô giáo phạt ra khỏi lớp gào khóc, bới thức ăn trong thùng rác, bị dọa thả xuống bể nước.

Trẻ mầm non bị bạo hành: Đâu là trách nhiệm chính quyền địa phương?Trẻ mầm non cần được yêu thương, chăm sóc (Ảnh: Thu Hiền)

Ngày 9/10, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một bé gái được cho là 17 tháng tuổi bị bảo mẫu dùng hai tay ghì chặt, lắc mạnh và tát vào đầu khiến cháu bé bị ngã ra phía sau. Vụ việc xảy ra tại một trường mầm non tư thục ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội.

Trước đó, tháng 1/2010, bảo mẫu Trần Thị Phụng tại Bình Dương, trong quá trình tắm cho trẻ, đã dùng chân đạp vào người bé, đè xuống sàn “nhà tắm” để kỳ cọ và liên tục mắng chửi mặc cho bé cố tìm cách “thoát thân”. Tháng 11/2013, cái chết thương tâm của bé trai 18 tháng tuổi, được xác định nguyên nhân là do cô bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (18 tuổi, Cần Thơ) gây ra...

Đã có nhiều ý kiến nhìn nhận, phân tích nguyên nhân gây ra các vụ bạo hành trẻ ở lứa tuổi mầm non, như tất cả các vụ bạo hành trẻ đều xảy ra trong các trường mầm non tư thục, những cơ sở trông giữ trẻ tự phát không có giấy phép hoạt động, những nhóm trẻ gia đình...

Tại những cơ sở này, người làm công việc chăm sóc trẻ thường không được đào tạo chuyên môn bài bản, không có kiến thức về nuôi dưỡng chăm sóc trẻ, thiếu kiến thức về sự phát triển tâm lý trẻ. Khi bị phát hiện, những bảo mẫu bạo hành trẻ, nhẹ thì bị kỷ luật nghỉ việc, nặng thì bị phạt tù.

Đối với những cơ sở không phép thì bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên chưa có trường hợp nào bị phạt nặng. Theo nhiều ý kiến trong xã hội: trong việc phân tích, tìm ra nguyên nhân và xử lý các vụ bạo hành chưa được xem tận gốc của vấn đề.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng: “Để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ, trách nhiệm không chỉ là cá nhân người bạo hành trực tiếp đối với trẻ. Đó là cả một tổ chức, một nhà trường, cấp ủy, Ban Giám hiệu. Ở địa phương, nơi xảy ra bạo hành cũng phải có trách nhiệm”.

Nhìn lại việc xử lý các vụ bạo hành trẻ em thì hầu hết đều xử phạt những bảo mẫu không có lương tâm. Tuy nhiên, về phía các cơ quan chức năng thì chưa có địa phương nào bị xử phạt hay nhắc nhở. Thực tế này khiến nhiều người lo ngại phải chăng do chưa có chế tài đối với những vụ việc này nên chính quyền địa phương lơ là trong công tác quản lý làm ngơ trước hoạt động trái pháp luật của các cơ sở trông giữ trẻ không phép trên địa bàn?

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: “Cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn phường nào thì phường đó phải có trách nhiệm trong việc phối hợp với phòng kiểm tra và cấp phép. Việc cấp phép là trách nhiệm của phường trong việc quản lý nhà nước trên địa bàn. Tôi nghĩ những trường hợp xảy ra vừa rồi rất là đáng tiếc. Đó cũng có một bài học về quản lý, để cho một cơ sở hoạt động không có phép trong một năm, mà không kiên quyết xử lý dừng hoạt động”.

Bạo hành trẻ em trong nhà trường dưới bất kỳ hình thức nào cũng không thể chấp nhận được và cần phải xử lý nghiêm, nhất là ở trẻ lứa tuổi mầm non. Để hạn chế những vụ việc tương tự xảy ra, không chỉ cần những bảo mẫu có đạo đức và lương tâm mà cần hơn là sự tăng cường phối hợp giữa ngành giáo dục với chính quyền địa phương trong việc rà soát, kiểm tra các sơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của những người đứng đầu các địa phương trong vấn đề này./.

Theo VOV, nguồn: http://vov.vn/xa-hoi/tre-mam-non-bi-bao-hanh-dau-la-trach-nhiem-chinh-quyen-dia-phuong-439718.vov