Phân tầng, xếp hạng trường đại học: Tránh cơ chế xin cho

Cơ quan phân tầng, xếp hạng các trường ĐH không được tuyên truyền và làm cho người dân hiểu là đây là đánh giá của Chính phủ. Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Nghị định quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học (ĐH).

Các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được phân tầng (sắp xếp theo nhóm) và xếp hạng (sắp xếp theo thứ tự cao, thấp) về chất lượng bằng cách tính điểm do một tổ chức được Bộ GD-ĐT ủy nhiệm thực hiện.

Theo Dự thảo Nghị định, các trường ĐH được xếp thành 5 hạng khác nhau. Thứ hạng trường được tính theo phần trăm số các trường trong từng tầng và được chia theo nhóm từ cao xuống thấp. Cụ thể, hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng cao nhất; hạng 2 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 1; hạng 3 là nhóm 40% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 2; hạng 4 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 3; hạng 5 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng thấp nhất.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng phân tầng các trường ĐH theo 3 nhóm: trường ĐH định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành.

Xếp hạng phân tầng đại học

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc phân tầng giáo dục ĐH là một hiện tượng tự nhiên của sự phát triển giáo dục chứ không phải ý kiến chủ quan của một cá nhân, đơn vị nào cả. Người dân có nhu cầu được hưởng thụ một nền giáo dục chất lượng khác nhau nên cần có sự phân tầng hệ thống các trường ĐH, CĐ.

Vào những năm 1960, nhiều người cho rằng, trường ĐH là một cái gì đó rất cao siêu nên cần phải được mở rộng. Vì thế, trong một thời gian ngắn, số lượng các trường ĐH tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, sau đó, nhiều nhà giáo dục cho rằng, cần phải có sự phân loại các cơ sở đào tạo để biết được chất lượng hoạt động của từng trường. Theo đó, các trường chất lượng cao được đánh giá đạt chất lượng tốt là những trường có tính ứng dụng nghiên cứu cao.

Ở nhiều nước trên thế giới đã có sự phân biệt giữa phân tầng và xếp loại các trường ĐH. Theo đó, việc phân tầng được chia là nhóm trường định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành.

Còn việc xếp hạng các trường đại học như kiểu cấp chứng chỉ sức khỏe cho của mỗi một người dân, chứ không phải là tấm bằng quyền uy phân loại trường. Việc xếp hạng này được cơ quan độc lập ngoài ngành Giáo dục kiểm định nên có tính khách quan cao. Vì vậy, mục tiêu của xếp hạng các trường ĐH không bị biến dạng nên không có hiện tượng các trường phải “chạy chọt” để có được thứ hạng cao.

Số lượng sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm quyết định phân tầng, xếp hạng

Nếu ở Việt Nam phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH mà giao cho cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng “xin-cho” để các được xếp hạng cao.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, trong Dự thảo Nghị định quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH có đề cập đến việc giao chỉ tiêu, tỷ lệ phần trăm khi xếp hạng thì sẽ không cụ thể, khách quan vì ở nước ta có hàng trăm trường ĐH, CĐ. Cho nên, Bộ GD-ĐT nên phân tầng, xếp hạng các trường dựa trên tiêu chí cần số lượng từng loại trường như thế nào.

Việc phân tầng và xếp hạng các trường ĐH không chỉ phụ thuộc vào trình độ giảng viên, đội ngũ giáo sư, thạc sĩ mà phải dựa trên cả một quá trình hoạt động của trường ĐH đó. Theo đó, trường ĐH phải đảm bảo yếu tố từ quá trình tuyển sinh “đầu vào”; quá trình quản lý, đảm bảo chất lượng giảng dạy; cơ sở vật chất, thư viện, phòng thí nghiệm; số lượng công trình nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, yếu tố quan trọng quyết định phân tầng, xếp hạng trường ĐH là dựa trên tiêu chí số lượng sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm được việc làm. Còn nếu trường ĐH được xếp thứ hạng cao nhưng số lượng sinh viên thất nghiệp nhiều thì kết quả xếp hạng đó chẳng có ý nghĩa gì đối với xã hội.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, việc xếp hạng các trường ĐH có thể như việc cấp chứng chỉ sức khỏe cho các trường. Tuy nhiên, cơ quan đánh giá xếp hạng các trường không được tuyên truyền và làm cho người dân hiểu là đây là đánh giá của một cơ quan, tổ chức nào đó dưới sự quản lý của Chính phủ. Thứ tự xếp hạng các trường có thể thay đổi hàng năm. Có thể năm nay, trường ĐH A xếp thứ hạng cao nhưng nếu không duy trì và nâng cao chất lượng giảng dạy thì năm sau trường đó sẽ bị xếp tụt hạng. Còn nếu trường ĐH B yếu hơn trường ĐH A nhưng đã có nhiều cải tiến về chất lượng thì có thể sẽ được xếp hạng cao

Theo VOV, http://vov.vn/xa-hoi/tranh-xincho-khi-phan-tang-xep-hang-cac-truong-dai-hoc-357649.vov